Bãi bỏ nhiều thủ tục trong giải quyết hưởng các chế độ
Thời gian qua, ngành BHXH đã có những bước tiến dài trong việc rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý và các hoạt động nghiệp vụ; thực hiện các phương thức giao dịch mới, hiện đại. Tính chung trong 5 năm gần đây, số lượng TTHC mà ngành BHXH quản lý đã giảm trên 75%, từ 115 thủ tục xuống còn 28 thủ tục. Thời hạn cấp sổ BHXH từ 20 ngày và Thẻ Bảo hiểm y tế (BHYT) từ 7 ngày đều được rút ngắn xuống còn 5 ngày (riêng với người hưởng trợ cấp thất nghiệp không quá 2 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định); cấp lại Thẻ BHYT không thay đổi thông tin được thực hiện trong ngày. Đồng thời, số giờ thực hiện TTHC giảm mạnh từ 335 giờ xuống còn hơn 50 giờ và đang hướng đến giảm xuống còn 49 giờ. Bên cạnh đó, với việc thực hiện giao dịch điện tử trong tất cả các khâu từ thu, nộp đến quản lý chi trả thì số lần thực hiện giao dịch điện tử giảm từ 12 lần/năm xuống còn 1 lần/năm.
Tiếp tục tinh thần cải cách đó, ngày 31/01/2019, BHXH Việt Nam đã ban hành Quyết định số 166/QĐ-BHXH về hướng dẫn quy trình giải quyết hưởng các chế độ BHXH và chi trả các chế độ BHXH, BHTN (Quyết định 166). Ông Đỗ Ngọc Thọ - Phó Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH (BHXH Việt Nam) - cho biết, quy trình giải quyết hưởng các chế độ BHXH và chi trả các chế độ BHXH, BHTN thời gian qua đã phát sinh nhiều vấn đề mới đòi hỏi phải có một quy trình hoàn thiện giúp kiểm soát chặt chẽ hơn việc chi trả các chế độ, chính sách theo đúng quy định pháp luật. Đặc biệt, quy trình mới phải tạo sự thuận lợi, đơn giản và dễ dàng hơn cho đối tượng thụ hưởng. Chính vì vậy, Quyết định 166 (dự kiến áp dụng từ tháng 4/2019) sẽ giúp giải quyết những vấn đề này.
Theo đó, Quyết định 166 gồm rất nhiều nội dung liên quan đến giải quyết chế độ, chính sách đã được sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, tạo thuận lợi rất lớn cho người thụ hưởng và được dư luận hết sức quan tâm. Chẳng hạn, đối với việc giải quyết chế độ tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, cơ quan BHXH bãi bỏ quy định phải có sổ BHXH, các giấy tờ khám và điều trị thương tật ban đầu đối với trường hợp điều trị ngoại trú; biên bản khám nghiệm hiện trường, sơ đồ hiện trường đối với trường hợp bị tai nạn giao thông được xác định là tai nạn lao động, biên bản tai nạn giao thông của cơ quan công an hoặc cơ quan điều tra hình sự quân đội… Đối với trường hợp tử tuất, Quyết định 166 cũng quy định bỏ biên bản xác minh về thân nhân hưởng chế độ tuất; biên bản họp của các thân nhân để tạo thuận lợi cho đối tượng hưởng…. Cùng với đó, một loạt nội dung khác cũng được BHXH Việt Nam điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp hơn.
Đẩy mạnh chi trả các chế độ qua hệ thống bưu điện
Ngoài việc rà soát, hoàn thiện quy trình chi trả, trong công tác chi trả các chế độ, BHXH Việt Nam cũng hướng đến sự thuận tiện cho người thụ hưởng. Thời gian qua, BHXH Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan bưu điện, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong công tác chi trả các chế độ BHXH, BHTN; quản lý chặt chẽ người hưởng; đảm bảo an toàn tiền mặt trong thực hiện chi trả các chế độ; thí điểm ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng bằng tiền mặt. Đặc biệt, ngành BHXH đã thực hiện đổi mới hình thức chi trả đối với một số đối tượng hưởng như: chi trả tận nhà đối với người già yếu, ốm đau, đi lại khó khăn… đẩy mạnh công tác tuyên truyền chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng qua tài khoản thẻ ATM.
Mới đây, trên cơ sở đề xuất của BHXH Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ yêu cầu BHXH Việt Nam tiếp tục phối hợp với Tổng công ty Bưu điện Việt Nam và các cơ quan liên quan thực hiện việc chi trả các chế độ BHXH, trợ cấp thất nghiệp và quản lý người hưởng qua hệ thống bưu điện theo đúng kế hoạch đặt ra. Đồng thời, cơ quan BHXH cần đẩy mạnh cải cách TTHC, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chi trả các chế độ BHXH, trợ cấp thất nghiệp và quản lý người hưởng; khẩn trương khắc phục những hạn chế trong thời gian qua để tạo điều kiện cho người dân hưởng các chế độ BHXH được nhanh chóng, thuận tiện.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu nêu rõ, mỗi cán bộ, viên chức ngành BHXH phải xác định, dù là ủy quyền cho bưu điện chi trả một số chế độ nhưng trách nhiệm chính vẫn là của cơ quan BHXH; phải thường xuyên sát sao, theo dõi. Mặt khác, bưu điện các địa phương cũng phải có trách nhiệm với hợp đồng đã ký kết. Mọi vấn đề khó khăn, vướng mắc trong giải quyết chế độ, chính sách phải cùng nhau tháo gỡ, xử lý kịp thời, với mục tiêu cao nhất là nhằm hoàn thiện chính sách, tạo thuận lợi cho người hưởng các chế độ BHXH.
Đ. KHOA
Theo Báo Kiểm toán số 09 ra ngày 28-02-2019