Tập đoàn logistics lớn của Đan Mạch muốn mở rộng hoạt động tại Việt Nam

(BKTO) - Tập đoàn Maersk (Đan Mạch) rất mong muốn mở rộng hoạt động tại Việt Nam, đóng góp vào quá trình phát triển bền vững của đất nước. Đó là chia sẻ của ông Kevin Stuart Burrel - Giám đốc điều hành khu vực Mê Kông của Tập đoàn A.P Moller Maersk.

2.jpg
Maersk là Tập đoàn logistics lớn của Đan Mạch. Ảnh: TTXVN

Trao đổi với Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Trần Duy Đông về kế hoạch đầu tư trong tương lai và sáng kiến phát triển bền vững của Tập đoàn mới đây, ông Kevin Stuart Burrel cho biết, Maersk cam kết và chú trọng vào các hoạt động phát triển bền vững, đưa ra sáng kiến tập trung vào giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, sử dụng nhiên liệu sinh học và năng lượng tái tạo.

Thành lập từ năm 1904 và có mặt tại Việt Nam vào năm 1991, Tập đoàn Maersk đã trở thành nhà cung cấp dịch vụ logistics tích hợp với bề dày hoạt động hơn 100 năm.

Đến nay, Maersk là Tập đoàn lớn chuyên cung cấp các giải pháp kỹ thuật số tiên phong nhằm giải quyết những khó khăn trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Theo định hướng phát triển, Tập đoàn đang nỗ lực giảm thiểu các tác động đến môi trường khi chuyển đổi sang sử dụng nhiên liệu sạch, nhiên liệu xanh trong vận hành tại các cảng và mạng lưới hậu cần, bao gồm cả việc sử dụng xe tải điện hạng nặng. Đồng thời, Maersk cam kết sẽ đầu tư mạnh mẽ hơn vào nước sở tại cả về cơ sở vật chất, vận tải, trang thiết bị, đào tạo nâng cao trình độ nguồn nhân lực.

Đánh giá cao kế hoạch đầu tư của Tập đoàn Maersk hướng tới phát triển xanh và bền vững, Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, tập trung đến sản xuất sạch hơn, xanh hóa các ngành công nghiệp, như chuyển đổi sang sử dụng năng lượng sạch, tái tạo. Đây là những định hướng phù hợp với mục tiêu phát triển và ưu tiên của Tập đoàn.

Với cam kết của Việt Nam sẽ đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Thứ trưởng Trần Duy Đông đề nghị Tập đoàn Maersk có chiến lược sử dụng các phương pháp vận chuyển thân thiện với môi trường; nghiên cứu khả năng cắt giảm chi phí vận chuyển để Việt Nam phát triển hệ thống logistics.

Việt Nam sẽ có nhiều lợi thế để trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa toàn cầu nhờ sự tập trung nguồn lực đầu tư cho hạ tầng, hệ thống đường bộ, đường cao tốc, nâng cấp sân bay, cảng biển…

Trong vai trò của mình, Bộ KHĐT sẽ nghiên cứu các đề xuất, kiến nghị của Tập đoàn để hai bên có được những hợp tác hiệu quả và thiết thực trong tương lai.

Khi Việt Nam có thêm các chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư thì Việt Nam sẽ trở thành thị trường logistics tiềm năng và hấp dẫn nhất trong khu vực.

Ông Kevin Stuart Burrel

Cùng chuyên mục
Tập đoàn logistics lớn của Đan Mạch muốn mở rộng hoạt động tại Việt Nam