Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn

(BKTO) - Ngày 27/3, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) đã tổ chức Hội thảo rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

mt(1).jpg
Ưu tiên hỗ trợ các dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn có quy trình sản xuất thân thiện môi trường. Ảnh minh họa: KTMT

Thứ trưởng KHĐT Trần Duy Đông cho biết, thời gian qua, Bộ KHĐT đã tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị, các chuyên gia… đánh giá tình hình thực hiện Nghị định số 57/2018/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn (Nghị định số 57) trên toàn quốc, xác định những ưu điểm, cũng như những bất cập, vướng mắc của Nghị định, cập nhật tình hình, bối cảnh mới trong phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Trên cơ sở đó, Bộ KHĐT phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất xây dựng Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 57.

Chủ trương phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Thời gian qua, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này đã đạt những kết quả tích cực, tạo ra việc làm, thu nhập cho người lao động, tăng kim ngạch xuất khẩu, liên kết sản xuất.

Việt Nam vẫn là nước nông nghiệp, dân số hầu hết tập trung ở nông thôn, vì vậy, nông nghiệp có đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Hơn nữa, Việt Nam là nước xuất khẩu nông nghiệp lớn với nhiều mặt hàng có mặt trên thị trường thế giới như gạo; thủy sản; đồ gỗ…

Tuy nhiên, sau 5 năm thực hiện Nghị định số 57, bên cạnh những kết quả đạt được trong hỗ trợ doanh nghiệp tham gia chuyển giao công nghệ, nghiên cứu khoa học, nghiên cứu đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ sau đầu tư…, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần tiếp tục hoàn thiện để Nghị định đi vào cuộc sống, hỗ trợ đúng và trúng doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, đến nay, Bộ KHĐT đã tổ chức lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương, các hiệp hội, thành viên Chính phủ. Để tiếp tục hoàn thiện Dự thảo, các đại biểu cần thắng thắn nêu ra những điểm tích cực, những tồn tại, hạn chế cần khắc phục, đặc biệt là cập nhật những quy định mới phù hợp với tác động của kinh tế thế giới, cũng như phù hợp với những mục tiêu, định hướng lớn của đất nước.

Theo ông Nguyễn Thanh Dương - Vụ trưởng Vụ Kinh tế nông nghiệp (Bộ KHĐT), Nghị định số 57 ra đời trong bối cảnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 đã được ban hành, các địa phương đều khó khăn về ngân sách, không cân đối được nguồn vốn bổ sung để hỗ trợ doanh nghiệp.

Do đó, việc sửa đổi Nghị định nhằm tạo hành lang pháp lý hỗ trợ doanh nghiệp trên cơ sở cụ thể thực hiện nhiệm vụ Quốc hội giao Chính phủ tại khoản 2 Điều 18 Luật Đầu tư năm 2020 về “hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn”; cụ thể hóa “đối tượng chính sách khác” của đầu tư công quy định tại khoản 6 Điều 5 Luật Đầu tư công năm 2019.

Điểm mới trong Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 57 là hình thức hỗ trợ được thống nhất theo quy định tại khoản 1 Điều 18 Luật Đầu tư năm 2020 nhằm tạo thuận lợi trong thực hiện, dễ giám sát, đánh giá kết quả.

Về nội dung hỗ trợ, Dự thảo Nghị định đưa ra 21 ngành, nghề liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp được hỗ trợ theo pháp luật đầu tư (các ngành, nghề theo danh mục của Nghị định số 31/2021/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đầu tư năm 2020).

Đồng thời, Dự thảo Nghị định tiếp tục hỗ trợ các nội dung đầu tư cơ sở chăn nuôi bò, lợn, nuôi trồng thủy sản và các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm. Đây là các sản phẩm chủ lực, còn dư địa phát triển của ngành nông nghiệp, hướng tới phát triển bền vững, có giá trị gia tăng cao; bảo vệ an toàn thực phẩm, hướng tới mục tiêu người dân Việt Nam được sử dụng nông sản sạch, chất lượng cao.

Nguyên tắc thực hiện là Nhà nước hỗ trợ đầu tư thông qua hỗ trợ một phần chi phí đầu tư kết cấu hạ tầng, hỗ trợ một phần vốn vay thương mại và đơn giản thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.

Cùng với đó, Dự thảo Nghị định bổ sung quy định về điều kiện hỗ trợ, quy định về kiểm toán độc lập.

Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 57 xác định ưu tiên hỗ trợ đầu tư đối với các dự án đầu tư có quy trình sản xuất thân thiện môi trường, tiêu tốn ít năng lượng; dự án sản xuất nông nghiệp hữu cơ, dự án phát triển công nghiệp sinh học ngành nông nghiệp, dự án nông nghiệp có hiệu quả cao; dự án liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Tham gia góp ý, các đại biểu cơ bản thống nhất với nội dung Dự thảo Nghị định và bày tỏ mong muốn Nghị định sớm được ban hành, đi vào cuộc sống, đáp ứng mong đợi của cộng đồng doanh nghiệp, tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, tạo thêm việc làm, thu nhập cho dân cư nông thôn.

Cùng chuyên mục
Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn