Tập huấn, trao đổi về các nội dung đáng chú ý của Luật Đất đai

(BKTO) - Luật Đất đai là đạo luật quan trọng, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước. Việc nắm bắt đầy đủ các quy định của Luật, đặc biệt là các quy định mới ban hành sẽ giúp kiểm toán viên có thể vận dụng hiệu quả vào hoạt động kiểm toán.

luat-dd.jpg
Quang cảnh Hội nghị giới thiệu những nội dung cơ bản của Luật Đất đai. Ảnh: N.Lộc

Tiếp tục Kế hoạch tuyên truyền pháp luật năm 2024 của Kiểm toán nhà nước (KTNN), sáng 28/3, KTNN đã tổ chức Hội nghị giới thiệu những nội dung cơ bản của Luật Đất đai (sửa đổi) theo hình thức trực tiếp và trực tuyến cho công chức, viên chức các đơn vị trực thuộc KTNN.

Theo đại diện Vụ Pháp chế (KTNN), Luật Đất đai là luật gốc, có ảnh hưởng rất lớn đến mọi mặt của đời sống, kinh tế - xã hội của đất nước. Đất đai cũng là lĩnh vực trọng tâm được KTNN kiểm toán thường xuyên hàng năm. Do đó, việc trao đổi, phổ biến về những điểm mới của Luật sẽ góp phần phục vụ hữu ích cho hoạt động kiểm toán

Tại Hội nghị, báo cáo viên Bùi Văn Hải - Phó Vụ trưởng Vụ Đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã thông tin về những nội dung đáng chú ý của Luật Đất đai (sửa đổi), đặc biệt là những điểm mới của Luật được Quốc hội thông qua ngày 18/01/2024.

Với 16 chương, 260 điều, Luật Đất đai (sửa đổi) đã góp phần hoàn thiện thể chế, chính sách về đất đai phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; giải quyết tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong các chính sách, pháp luật có liên quan đến đất đai; Giải quyết các vấn đề vướng mắc, tồn tại từ thực tiễn công tác quản lý, sử dụng đất. Tăng cường quản lý đất đai cả về diện tích, chất lượng, giá trị kinh tế...

Những điểm mới đáng chú ý của Luật Đất đai (sửa đổi):

Đối với vấn đề Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (gồm 18 điều, từ Điều 60 đến Điều 77), các quy định được hoàn thiện theo hướng đổi mới quy trình, nội dung, phương pháp lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Phân cấp cho Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, lồng ghép nội dung kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh vào nội dung quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh; giao cho các địa phương trong việc xác định các chỉ tiêu sử dụng đất trong quy hoạch sử dụng đất để các địa phương chủ động phát triển kinh tế - xã hội của địa phương mình.

Phân cấp thẩm quyền phê duyệt kế hoạch sử dụng đất quốc gia cho Chính phủ, thẩm quyền quyết định kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh để tạo sự chủ động, linh hoạt trong điều hành của Chính phủ và các địa phương. Bổ sung quy định đối với thành phố trực thuộc Trung ương đã có quy hoạch đô thị thì không lập quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh mà căn cứ vào quy hoạch đô thị để lập kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh.

luat-dat-dai-1.jpg
Báo cáo viên trao đổi tại Hội nghị. Ảnh: N.Lộc

Theo Báo cáo viên, các điểm mới về nội dung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của Luật Đất đai (sửa đổi) nhằm hoàn thiện hành lang pháp luật về hệ thống quy hoạch sử dụng đất theo lãnh thổ, quy hoạch sử dụng đất theo ngành gắn với hệ thống quy hoạch quốc gia, khắc phục tình trạng chất lượng hạn chế do thiếu đồng bộ, liên kết vùng, tầm nhìn dài hạn.

Đối với vấn đề thu hồi đất, trưng dụng đất (gồm 13 điều, từ Điều 78 đến Điều 90), Điều 79 của Luật đã quy định cụ thể 31 trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Để bảo đảm cho trường hợp thực sự cần thiết thu hồi đất phát sinh nhưng chưa có trong quy định của Luật này, tại khoản 32 Điều 79 đã quy định trường hợp khác thì Quốc hội sửa đổi, bổ sung các trường hợp thu hồi đất của Điều này theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thu hồi đất để sử dụng vào mục mục quốc phòng, an ninh, để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng mà không phân biệt theo đối tượng sử dụng đất như Luật Đất đai năm 2013. Quy định trường hợp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất là tài sản công thuộc các trường hợp thu hồi đất theo quy định của Luật này thì không phải thực hiện việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.

Về vấn đề bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, kế thừa Luật Đất đai 2013, theo Luật Đất đai (sửa đổi), Nhà nước tiếp tục nêu quan điểm về nguyên tắc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất (Điều 91): Việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, minh bạch, đúng quy định của pháp luật; vì lợi ích chung, sự phát triển bền vững, văn minh và hiện đại của cộng đồng, của địa phương; quan tâm đến đối tượng chính sách xã hội, đối tượng trực tiếp sản xuất nông nghiệp.

“Nhiều điểm mới trong Luật ngày càng thể hiện tính công khai, minh bạch và đảm bảo quyền lợi hơn cho các trường hợp trong diện bị ảnh hưởng khi phải thu hồi đất” - ông Hải nhấn mạnh.

_dsc1480.jpg
Hội nghị tuyên truyền pháp luật của KTNN đã nhận được sự quan tâm của đông đảo công chức, viên chức trong Ngành. Ảnh: N.Lộc

Về vấn đề tài chính về đất đai, giá đất (gồm 10 điều, từ Điều 153 đến Điều 162), Luật Đất đai (sửa đổi) đã bãi bỏ quy định về khung giá đất của Chính phủ; quy định cụ thể nguyên tắc, căn cứ, phương pháp định giá đất; quy định bảng giá đất được xây dựng hằng năm và bảng giá đất lần đầu được công bố và áp dụng từ ngày 01/01/2026, được điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung bảng giá đất từ ngày 01/01 của năm tiếp theo; việc xây dựng bảng giá đất theo vùng giá trị, thửa đất chuẩn đối với khu vực có bản đồ địa chính số và cơ sở dữ liệu giá đất.

Đặc biệt, Luật mới bổ sung quy định về giám sát, theo dõi và đánh giá việc quản lý, sử dụng đất đai; thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai (gồm 13 điều, từ Điều 230 đến Điều 242).

Cụ thể, ngoài nội dung kế thừa Luật Đất đai năm 2013, Luật Đất đai (sửa đổi) đã hoàn thiện quy định về theo dõi và đánh giá đối với quản lý, sử dụng đất đai, trong đó quy định nội dung theo dõi và đánh giá, việc theo dõi và đánh giá thực hiện định kỳ hằng năm, trách nhiệm thực hiện theo dõi và đánh giá và hệ thống theo dõi và đánh giá đối với quản lý, sử dụng đất đai.

Bổ sung quy định về kiểm tra chuyên ngành đất đai là hoạt động được thực hiện thường xuyên, liên tục của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân được giao nhiệm vụ quản lý đất đai, quy định kiểm toán về đất đai. Bổ sung quy định hòa giải tranh chấp đất đai đối với địa bàn cấp huyện không thành lập đơn vị hành chính cấp xã; bổ sung thêm hình thức hòa giải tranh chấp đất đai tại Tòa án …

Ngoài ra, Luật cũng có nhiều quy định mới về Quyền hạn và trách nhiệm của nhà nước, quyền và nghĩa vụ của công dân đối với đất đai (gồm 14 điều, từ Điều 12 đến Điều 25); Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất (gồm 23 điều, từ Điều 26 đến Điều 48); Phát triển, quản lý và khai thác quỹ đất (gồm 4 điều, từ Điều 112 đến Điều 115); Giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất (gồm 12 điều, từ Điều 116 đến Điều 127)…

Tại Hội nghị, báo cáo viên cũng trao đổi thêm về những nội dung đáng chú ý của Luật Đất đai (sửa đổi) nhằm giúp công chức, kiểm toán viên có thêm thông tin, phục vụ cho hoạt động kiểm toán; cũng như thực hiện tốt các quy định khi quản lý, sử dụng đất đai... 

Hội nghị giới thiệu những nội dung cơ bản của Luật Đất đai (sửa đổi) cũng khép lại Chương trình tuyên truyền pháp luật của KTNN diễn ra trong 02 ngày 27-28/3.

Trước đó, KTNN đã tổ chức Hội nghị giới thiệu những nội dung cơ bản của Luật Đấu thầu năm 2023; Luật thực hiện dân chủ cơ sở... Các thông tin được trao đổi tại hội nghị đã góp phần nâng cao hiểu biết của công chức, viên chức, đặc biệt là các Kiểm toán viên nhà nước trong việc nắm vững quy định, từ đó vận dụng vào thực hiện nhiệm vụ kiểm toán, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả kiểm toán. 

Cùng chuyên mục
  • Tập trung kiểm soát hồ sơ, bằng chứng kiểm toán
    một tháng trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Cùng với việc đổi mới hoạt động kiểm toán, các đơn vị kiểm toán ngày càng chú trọng đến công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán (KSCLKT). Qua thực tiễn cho thấy, việc tập trung kiểm soát bằng chứng, hồ sơ kiểm toán là yêu cầu cấp thiết để đảm bảo tính chính xác, hợp pháp của đánh giá, kiến nghị kiểm toán, từ đó hạn chế tối đa rủi ro cho hoạt động kiểm toán.
  • Phát huy vai trò đơn vị tham mưu chủ lực của Kiểm toán nhà nước
    một tháng trước Hoạt động của Ngành
    Trong suốt nhiều năm qua, Vụ Tổng hợp - Kiểm toán nhà nước (KTNN) luôn giữ vững vai trò đơn vị tham mưu chủ lực của KTNN, giúp Tổng Kiểm toán nhà nước quản lý ngày càng hiệu quả hoạt động kiểm toán của toàn Ngành…
  • Thực hiện các cuộc kiểm toán gắn với đặc thù địa phương
    một tháng trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Trả lời phỏng vấn Báo Kiểm toán, Kiểm toán trưởng Kiểm toán nhà nước (KTNN) khu vực VIII Đặng Thế Bình cho biết, thời gian tới, đơn vị định hướng thực hiện các cuộc kiểm toán gắn với đặc thù địa phương; chủ động phối hợp với các địa phương trong giám sát, thẩm tra, quyết định dự toán và phê chuẩn quyết toán ngân sách, đảm bảo hiệu quả, minh bạch.
  • Kiểm toán nhà nước Việt Nam tích cực ứng phó với biến đổi khí hậu
    một tháng trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Là thành viên tích cực, có trách nhiệm của Tổ chức quốc tế Các cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI) và Ban Điều hành Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) giai đoạn 2021-2024, đồng thời thực hiện cam kết tại Tuyên bố Hà Nội với trọng tâm “Kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững”, Kiểm toán nhà nước (KTNN) Việt Nam rất chú trọng đến các hành động quốc gia về khí hậu, tích cực ứng phó với biến đổi khí hậu.
  • Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn tiếp xúc song phương bên lề Cuộc họp toàn cầu tại Hoa Kỳ
    một tháng trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Bên lề Cuộc họp toàn cầu về “Sự tham gia của các Cơ quan Kiểm toán tối cao (SAI) trong việc đánh giá các hành động quốc gia về khí hậu” tại TP. New York (Hoa Kỳ), ngày 25/3, tại trụ sở Liên hợp quốc (LHQ), Tổng Kiểm toán nhà nước Việt Nam Ngô Văn Tuấn đã có buổi làm việc với ông Li Junhua - Phó Tổng Thư ký LHQ phụ trách các vấn đề kinh tế và xã hội.
Tập huấn, trao đổi về các nội dung đáng chú ý của Luật Đất đai