Cùng tham dự buổi làm việc có Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc KTNN và toàn thể lãnh đạo, công chức, người lao động của KTNN khu vực III.
Thông tin về kết quả công tác của KTNN khu vực III, Kiểm toán trưởng Lê Quí Hưng cho biết: Trong 27 năm hoạt động (1996-2023), KTNN khu vực III đã thực hiện 155 cuộc kiểm toán, phát hiện và kiến nghị xử lý tài chính 23.049 tỷ đồng. Trong đó, tăng thu ngân sách nhà nước (NSNN) 2.720 tỷ đồng, giảm chi NSNN 8.438 tỷ đồng, các kiến nghị xử lý khác 11.891 tỷ đồng.
Kết quả kiểm toán được ghi nhận qua hơn 27 năm không chỉ dừng lại ở con số về tài chính mà còn giúp các đơn vị được kiểm toán hoàn thiện công tác quản lý tài chính ngân sách, đưa công tác quản lý tài chính, kế toán vào nề nếp, góp phần tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong quản lý tài chính ngân sách; giúp HĐND các cấp có thông tin tin cậy để giám sát công tác quản lý tài chính ngân sách ở địa phương.
Đến nay, KTNN khu vực III đã hoàn thành 3/5 cuộc kiểm toán năm 2023, phát hiện và kiến nghị xử lý tài chính 169,8 tỷ đồng; trong đó, tăng thu NSNN 158,1 tỷ đồng, giảm chi NSNN 10,4 tỷ đồng, kiến nghị xử lý khác 1,3 tỷ đồng.
KTNN đang triển khai quyết liệt công tác theo dõi, xử lý các vướng mắc trong thực hiện kiến nghị kiểm toán. Để đảm bảo cho các kiến nghị được thực thi, ngoài việc thành lập các đoàn kiểm tra thực tế, đơn vị đã phân công cán bộ theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn và tháo gỡ khó khăn cùng với địa phương, đơn vị được kiểm toán.
Kết quả tình hình thực hiện kiến nghị kiểm toán của đơn vị trong các năm qua không ngừng tăng, cụ thể: Năm 2020 đạt 82% (tăng 6% so với năm 2019); năm 2021 đạt 87% (tăng 5% so với năm 2020); năm 2022 đạt 89% (tăng 2% so với năm 2021). Tính đến ngày 15/8/2023, kết quả thực hiện kiến nghị đạt 72%, số còn lại các địa phương đang tiếp tục thực hiện.
Kiểm toán trưởng Lê Quí Hưng nhấn mạnh: Trong các tháng còn lại năm 2023, KTNN khu vực III phấn đấu hoàn thành toàn diện nhiệm vụ Tổng Kiểm toán nhà nước giao đúng tiến độ, hiệu quả, chất lượng, trên tinh thần đổi mới, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động kiểm toán; xây dựng kế hoạch kiểm toán năm 2024 và kế hoạch trung hạn 2024-2026 theo hướng dẫn của Ngành.
Cùng với đó, nâng cao đạo đức nghề nghiệp, văn hóa ứng xử, trách nhiệm và lòng tự trọng nghề nghiệp đội ngũ công chức, kiểm toán viên; tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính; thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động công vụ và nâng cao chất lượng kiểm toán.
Bên cạnh đó, đơn vị tích cực tổ chức thực hiện phong trào thi đua đặc biệt “Chào mừng Kỷ niệm 30 năm thành lập KTNN” nhằm phát huy truyền thống tự hào, đẩy mạnh thi đua sôi nổi, cổ vũ tinh thần quyết tâm của công chức và người lao động vượt qua mọi khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị năm 2023 và năm 2024.
KTNN khu vực III luôn quan tâm đến công tác xã hội tại 4 tỉnh, thành phố. Cụ thể: Năm 2020, công chức và người lao động đóng góp xây 3 nhà tình nghĩa tại tỉnh Quảng Nam và Bình Định; ủng hộ tiếp sức kịp thời cho Sở Y tế Đà Nẵng và Bệnh viện Đa Khoa Đà Nẵng trong thời gian cách ly, chống dịch Covid-19. Năm 2021, đơn vị đóng góp xây 1 nhà tình nghĩa tại tỉnh Quảng Nam. Năm 2023, tặng quà Tết Nguyên đán cho đồng bào dân tộc thiểu số huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam.
Nhân dịp Tổng Kiểm toán nhà nước và Đoàn công tác của KTNN làm việc tại đơn vị, công chức, kiểm toán viên, người lao động của KTNN khu vực III đã kiến nghị KTNN tổ chức đào tạo, hướng dẫn thống nhất trong việc thu thập bằng chứng khi kiểm tra thực hiện kiến nghị kiểm toán không có định lượng cụ thể; có phương hướng xử lý các kiến nghị tài chính lớn địa phương không thực hiện được qua nhiều năm hoặc khó thực hiện.
Ngoài ra, Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN đã có hiệu lực từ ngày 01/5/2023, nhưng việc áp dụng vẫn còn lúng túng. Do đó, KTNN cần thiết tổ chức phổ biến, tuyên truyền và hướng dẫn cụ thể để thống nhất cách hiểu và cách triển khai trong toàn Ngành.
Tại Hội nghị, trao đổi về các ý kiến của đơn vị, TS. Nguyễn Lương Thuyết - Vụ trưởng Vụ Chế độ và kiểm soát chất lượng kiểm toán - cho biết: Việc kiểm soát chất lượng kiểm toán là yêu cầu cấp thiết, thường xuyên, liên tục của Ngành nhằm nâng cao chất lượng kiểm toán và đưa ra các kiến nghị kiểm toán chính xác, hiệu quả. Vụ Chế độ và kiểm soát chất lượng kiểm toán thường xuyên giám sát nhật ký kiểm toán, báo cáo tiến độ thực hiện kiểm toán để có những hỗ trợ, tư vấn, trao đổi khó khăn vướng mắc, nhất là trong việc thu thập bằng chứng kiểm toán
Về hướng dẫn kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách địa phương (NSĐP) và kiểm toán NSĐP, có những nội dung trùng và có nội dung khác biệt. Vì vậy, trong quá trình công tác, đơn vị có thể đề xuất KTNN hoặc chủ động tổ chức các buổi làm việc, tọa đàm, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn. Từ đó, đơn vị có những phản hồi, kiến nghị với KTNN để sửa đổi, bổ sung quy trình, hướng dẫn kiểm toán cho phù hợp.
Về việc xây dựng hướng dẫn ghi nhận thực hiện kiến nghị kiểm toán, TS. Nguyễn Lương Thuyết cho rằng, quan trọng nhất là kiến nghị từ kiểm toán viên, tổ, đoàn kiểm toán phải phù hợp, chất lượng. Lãnh đạo KTNN đã giao các vụ chức năng nghiên cứu và sẽ sớm ban hành để thống nhất trong toàn Ngành về kiến nghị kiểm toán, trong đó có kiến nghị tập thể, cá nhân, kiến nghị xử lý trong từng tình huống, trường hợp cụ thể.
Ghi nhận và đánh giá cao những thành quả, nỗ lực của KTNN khu vực III thời gian qua, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn nhấn mạnh: Phương châm của Ngành là “ít nhưng chất”, tập trung nâng cao chất lượng kiểm toán và đạo đức công vụ. Năm 2024, KTNN sẽ thực hiện kiểm toán 100% báo cáo quyết toán NSĐP, nhưng phải đảm bảo tránh chồng chéo, trùng lặp, không gây phiền hà cho đơn vị được kiểm toán, hạn chế tối đa việc xuất hiện nhiều đoàn kiểm toán trên một địa phương, đơn vị.
Để nâng cao chất lượng kiểm toán, KTNN khu vực III cần làm tốt ngay từ khâu lập kế hoạch kiểm toán năm, bám sát chuyên đề toàn Ngành, chuyên đề giám sát của Quốc hội, các vấn đề nóng, dư luận quan tâm và vấn đề nổi cộm địa phương. Đồng thời, triển khai kiểm toán tốt, bố trí nhận lực phù hợp trong các đoàn kiểm toán, nêu cao tinh thần chịu trách nhiệm, tuân thủ quy định của Ngành về quy trình, kiểm soát chất lượng, thanh tra, phòng chống tham nhũng; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin.
Bên cạnh đó, đơn vị cần đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức chuyên môn, đạo đức công vụ, phòng chống tham nhũng. Mỗi cán bộ, công chức, kiểm toán viên cần thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện; tích cực triển khai phong trào thi đua hướng tới kỷ niệm 30 năm thành lập KTNN theo hướng bám sát nhiệm vụ chính trị được giao, tạo không khí phấn khởi trong toàn đơn vị.
Đối với các kiến nghị của đơn vị, Tổng Kiểm toán nhà nước giao Văn phòng KTNN, các vụ tham mưu tiếp thu ý kiến, tham mưu, trình Tổng Kiểm toán nhà nước xem xét, phê duyệt./.