Tây Ninh: 100% số xã có hạ tầng đáp ứng phát triển kinh tế - xã hội

(BKTO) - Giai đoạn 2021-2030, tỉnh Tây Ninh phấn đấu 100% số xã, ấp vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống có đủ cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; cơ bản hoàn thành chỉ tiêu đã đề ra trong mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030.

image00120240302112552.jpg
Tỉnh Tây Ninh phấn đấu 100% số xã, ấp vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống có đủ cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh sưu tầm

Nhờ sự tham gia tích cực của người dân, sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị chung tay xây dựng, sau 2 năm thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG), Tây Ninh đã đạt được kết quả thiết thực, có ý nghĩa chính trị, xã hội, góp phần làm thay đổi rõ rệt diện mạo vùng nông thôn, đời sống người dân được cải thiện, nâng cao; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng DTTS và nông thôn được ổn định, giữ vững.

Từ năm 2023, Tây Ninh tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu cho vùng đồng bào DTTS, như đầu tư nâng cấp trường học, chương trình hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và các chương trình bảo tồn văn hoá của đồng bào DTTS.

Ban Chỉ đạo các cấp đã phát huy hiệu quả hoạt động trong hoạt động, quản lý điều hành, điều phối, bảo đảm chương trình được triển khai thực hiện theo kế hoạch đề ra. Các địa phương, đơn vị thực hiện dự án cơ bản nắm được nội dung, phạm vi, đối tượng của từng dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần thuộc chương trình nên có sự chủ động trong việc triển khai thực hiện các nội dung được giao làm chủ đầu tư. Dự kiến đến cuối năm 2025, tỉnh sẽ hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu đã đề ra.

Toàn tỉnh có 21 dân tộc thiểu số với hơn 5.551 hộ/20.415 người, chiếm 1,73% dân số toàn tỉnh. Trong đó, đồng bào dân tộc Khmer chiếm 0,78% dân số toàn tỉnh, dân tộc Chăm 0,38%, Hoa 0,26%, người Tà Mun 0,15% và các DTTS khác chiếm khoảng 0,16%.

Mỗi dân tộc có truyền thống văn hóa riêng, tạo nên bản sắc đặc trưng của từng dân tộc. Các dân tộc sống gắn bó, đoàn kết; tuy nhiên, đa số sống ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn. Với những chính sách hỗ trợ của tỉnh, thời gian qua, kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã có nhiều khởi sắc, nhiều hộ vươn lên khá, giàu.

Qua kết quả giám sát, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm đánh giá cao tỉnh Tây Ninh trong quá trình triển khai thực hiện 3 CTMTQG, gồm xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Các CTMTQG có ý nghĩa nhân văn, có tác động lớn đến tình hình kinh tế - xã hội, đời sống của nhân dân, nhất là người nghèo, vùng dân tộc thiểu số. Với khoảng 1,73% dân số là đồng bào DTTS, tỉnh Tây Ninh đã ban hành các văn bản kịp thời, nội dung sát thực tiễn, khả thi, phù hợp với phong tục tập quán và tình hình thực tế, như đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS, phát triển giáo dục đào tạo, khuyến học, khuyến tài, hỗ trợ sinh kế, chăm sóc y tế, chăm lo phát triển văn hoá, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc của đồng bào DTTS.

Giai đoạn 2021-2030, chương trình đặt ra các mục tiêu cụ thể đối với vùng có đông đồng bào DTTS sinh sống như giảm còn dưới 10 hộ nghèo; 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; năng suất lao động xã hội tăng bình quân 6,5%/năm; 50% người DTTS (ít nhất 50% lao động nữ) trong độ tuổi lao động được đào tạo nghề, có thu nhập ổn định; trên 95% cán bộ, công chức cấp xã là người DTTS có trình độ chuyên môn; trên 90% cán bộ, công chức cấp xã được bồi dưỡng kiến thức về công tác dân tộc; 100% số xã, ấp vùng có đông đồng bào DTTS sinh sống có đủ cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của người dân; cơ bản hoàn thành chỉ tiêu đã đề ra trong mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030.

Để hoàn thành mục tiêu trên, giai đoạn 1 (2022-2025), tỉnh Tây Ninh triển khai thực hiện 7/10 dự án thành phần. Tổng nguồn vốn triển khai 42,406 tỷ đồng, gồm vốn đầu tư công 27,362 tỷ đồng, vốn sự nghiệp 15,044 tỷ đồng./.

Cùng chuyên mục
Tây Ninh: 100% số xã có hạ tầng đáp ứng phát triển kinh tế - xã hội