Tây Ninh: Đầu tư phát triển giáo dục nghề nghiệp

(BKTO) - Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh đã ban hành Đề án đẩy mạnh phát triển giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

tn_gio-hoc-tai-trung-tam-gdnn-gdtx-chau-thanh-thoi-diem-truoc-khi-sap-nhap-.jpg
Tây Ninh đẩy mạnh đầu tư phát triển giáo dục nghề nghiệp. Ảnh sưu tầm

Tổng kinh phí thực hiện Đề án đẩy mạnh phát triển giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2024 - 2030 là 190,12 tỷ đồng. Trong đó, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư thành lập mới 2 trường tư thục 150 tỷ đồng; ngân sách tỉnh đầu tư cho các trường công lập 24,53 tỷ đồng; quỹ phát triển nhà trường, quỹ phát triển nghề nghiệp 4,68 tỷ đồng; cơ sở đào tạo ngoài công lập 10,913 tỷ đồng.

Mục tiêu của Đề án đến năm 2030, tỉnh phấn đấu tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 80%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35%. Tuyển mới đào tạo cho khoảng 13.000 người/năm, trong đó, trình độ cao đẳng chiếm khoảng 10%, trung cấp khoảng 25%, sơ cấp khoảng 65%; đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho khoảng 50% lực lượng lao động.

Các cơ sở đào tạo liên kết đào tạo các ngành, nghề trình độ từ cao đẳng trở lên cho khoảng 500 người/năm. Phấn đấu 100% nhà giáo đạt chuẩn, khoảng 90% cán bộ quản lý được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng quản lý - quản trị hiện đại. Phấn đấu ít nhất 45% học sinh tốt nghiệp Trung học cơ sở tiếp tục học tập tại các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; 50% học sinh tốt nghiệp Trung học phổ thông tiếp tục học tập tại các cơ sở GDNN đào tạo trình độ cao đẳng.

90% ngành, nghề đào tạo được xây dựng, cập nhật chuẩn đầu ra theo Khung trình độ quốc gia. Có 100% chương trình đào tạo các ngành, nghề trọng điểm quốc gia của Trường cao đẳng nghề Tây Ninh đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng (dự kiến 5 ngành, nghề trọng điểm). Các ngành, nghề trọng điểm quốc gia trên địa bàn tỉnh được đầu tư đồng bộ, đáp ứng tổ chức đào tạo, trong đó 1-2 ngành nghề, lĩnh vực có năng lực cạnh tranh vượt trội trong nước.

Đến năm 2030, lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong các ngành kinh tế ước đạt khoảng 780.000 người (tăng 80.000 người so với năm 2025); lao động từ 15 tuổi trở lên có bằng cấp, chứng chỉ đạt khoảng 273.000 người (tăng 63.000 người so với năm 2025). Nhu cầu lao động qua đào tạo đến năm 2030 là 85.466 lao động, bình quân mỗi năm các cơ sở đào tạo cung ứng cho thị trường lao động là 12.209 (hiện đạt 10.312 người).

Đến năm 2045, giáo dục nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề cao; trở thành địa phương phát triển về giáo dục nghề nghiệp trong khu vực và cả nước, bắt kịp trình độ tiên tiến của thế giới, có năng lực cạnh tranh ở một số lĩnh vực, ngành, nghề đào tạo./.

Cùng chuyên mục
Tây Ninh: Đầu tư phát triển giáo dục nghề nghiệp