Thách thức an ninh nguồn nước

(BKTO) - Nguy cơ mất an ninh nguồn nước ngày càng tăng cả về mức độ, quy mô và là thách thức lớn đối với Việt Nam hiện nay. Điều này đòi hỏi Việt Nam phải tăng cường công tác quản lý tài nguyên nước và có biện pháp kiểm soát kịp thời.



Báo động nguy cơ thiếu nước

Mặc dù là một quốc gia có mạng lưới sông ngòi dày đặc nhưng Việt Nam hiện thuộc nhóm quốc gia “thiếu nước” do lượng nước mặt bình quân đầu người mỗi năm chỉ đạt 3.840 m3, thấp hơn chỉ tiêu 4.000 m3/người của Hội Tài nguyên nước quốc tế (IWRA).

Theo thống kê của Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường (Bộ Y tế), Việt Nam hiện có trên 17,2 triệu người đang sử dụng nguồn nước sinh hoạt từ giếng khoan, chưa được kiểm nghiệm hay qua xử lý. Tuy tài nguyên nước bề mặt của nước ta tương đối dồi dào nhưng đó không phải là nước sạch để dùng cho ăn uống, sinh hoạt vì nước sông, suối, ao hồ, nước ngầm… đều đang bị ô nhiễm do nhiều nguyên nhân.

Trong những năm qua, cùng với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, sự gia tăng dân số, tốc độ đô thị hóa đòi hỏi nhu cầu nước cho sản xuất và dân sinh ngày càng tăng cả về số lượng cũng như chất lượng. Nhu cầu về nước ngày càng tăng dẫn đến việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước ngày càng nhiều. Theo tính toán, nhu cầu sử dụng nước ở nước ta sẽ lên đến khoảng 130 - 150 tỷ m3/năm, chiếm tới gần 50% lượng nước sản sinh trên lãnh thổ. Điều đó cho thấy, nguy cơ thiếu nước là rõ ràng và ở mức nghiêm trọng.

Cùng với đó, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước mặt, nước ngầm, thiếu nước, khan hiếm nước trở nên phổ biến hơn. Cạnh tranh giữa sử dụng nước cho thủy điện và các nhu cầu tiêu thụ nước khác, đặc biệt cho sản xuất nông nghiệp ở hạ du một số lưu vực sông lớn, đã xảy ra, nhất là trong mùa khô.

Nhận định về vấn đề này, ông Kamal Malhotra - Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam - cho biết: Phát triển kinh tế và tăng trưởng dân số, cùng với biến đổi khí hậu ngày càng gây áp lực lên tài nguyên nước tại Việt Nam. Nhu cầu sử dụng nước tiếp tục gia tăng trong sản xuất và đời sống là một nguyên nhân gây ô nhiễm do xả nước thải. Hiện tại, vẫn còn hơn 4,5 triệu người ở Việt Nam không được tiếp cận trực tiếp với nguồn nước sạch.

Tăng cường quản lý tài nguyên nước, bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên

Theo Cục Quản lý Tài nguyên nước, một trong những nguyên nhân của thực trạng trên là do công tác quản lý nước vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, công tác lập quy hoạch tài nguyên nước còn chậm; việc điều hòa, phân bổ nguồn nước giữa các ngành, địa phương đòi hỏi phải có sự tính toán cụ thể và sự đồng thuận cao, trong khi đó, tổ chức lưu vực sông chưa thành lập được.

Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn chưa kiểm soát được yếu tố gây ô nhiễm nguồn nước trên các lưu vực sông quan trọng, khu vực đô thị, vùng phát triển kinh tế trọng điểm. Công tác kiểm tra việc thi hành pháp luật về tài nguyên nước chưa được thường xuyên.

Hơn nữa, bộ máy quản lý nhà nước về tài nguyên nước ở địa phương còn nhiều bất cập. Đến nay, hầu hết tổ chức bộ máy quản lý tài nguyên nước ở cấp sở cũng như cấp huyện chưa đáp ứng yêu cầu thực hiện các nhiệm vụ quản lý tài nguyên nước theo quy định của Luật Tài nguyên nước năm 2012 và hệ thống các văn bản hướng dẫn thi hành Luật. Thiếu cán bộ và cán bộ có chuyên môn về tài nguyên nước là tình trạng phổ biến ở các quận, huyện, thị xã, thành phố hiện nay.

Mặt khác, ông Kamal Malhotra cho rằng, các hệ sinh thái tự nhiên của Việt Nam đang có sự mất mát và suy thoái liên tục; đặc biệt là các khu rừng, dòng chảy tự do và đất ngập nước tự nhiên đang chịu ảnh hưởng bởi nông nghiệp thương mại, nuôi trồng thủy sản, khu công nghiệp và đô thị hóa. Chính vì vậy, các dịch vụ có lợi và quan trọng đối với người dân cần được duy trì bằng cách đẩy mạnh cơ sở hạ tầng tự nhiên của đất nước, sử dụng các giải pháp dựa trên thiên nhiên.

Đưa ra những giải pháp của Việt Nam trong việc đảm bảo an ninh nguồn nước, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên nhấn mạnh: Quản lý tài nguyên nước phải được thực hiện theo phương thức tổng hợp và thống nhất trên cơ sở lưu vực sông. Cơ cấu sử dụng nước phải phù hợp với sự dịch chuyển cơ cấu kinh tế trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Đồng thời, tài nguyên nước phải được phát triển bền vững; khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, tổng hợp và đa mục tiêu. Phải coi sản phẩm nước là hàng hóa; sớm xóa bỏ cơ chế bao cấp, thực hiện xã hội hóa các hoạt động bảo vệ, phát triển nguồn nước và cung ứng dịch vụ nước.

NAM SƠN
Theo Báo Kiểm toán số 11 ra ngày 15-3-2018
Cùng chuyên mục
  • Gia tăng thất nghiệp, rối bời hướng nghiệp
    6 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Tình trạng thất nghiệp của nhóm lao động có trình độ đại học gia tăng và chiếm tỷ lệ cao nhất trong nhóm lao động thất nghiệp của năm 2017; sinh viên ra trường thiếu năng lực khi ứng tuyển vị trí việc làm, chậm nắm bắt công việc… Theo các chuyên gia, đây chính là hệ quả của những bất cập trong công tác phân luồng, định hướng nghề nghiệp hiện nay.
  • Ngăn chặn việc “cài cắm” lợi ích riêng trong văn bản pháp luật
    6 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Trong tháng 02/2018, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã tiến hành kiểm tra 16 Bộ, cơ quan trong việc cắt giảm danh mục sản phẩm, hàng hóa, đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành (KTCN) và cắt giảm điều kiện kinh doanh. Kết quả cho thấy, bên cạnh những chuyển biến tích cực, việc đơn giản hóa thủ tục KTCN chưa đạt yêu cầu về tiến độ; nhiều thủ tục không cần thiết vẫn chưa được loại bỏ, gây khó khăn, tốn kém cho người dân, DN.
  • Già hóa dân số thách thức chính sách bảo hiểm xã hội
    6 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Việt Nam là quốc gia có thu nhập trung bình thấp, nhưng lại nằm trong các quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới. Trong khi đó, số người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) còn hạn chế, hơn 70% số người cao tuổi vẫn phải lao động kiếm sống... Đây là những thách thách thức đòi hỏi hệ thống an sinh xã hội Việt Nam phải có những cải cách, điều chỉnh chính sách phù hợp nhằm đáp ứng những yêu cầu của già hóa dân số.
  • Hồi Sinh
    6 năm trước Xã hội
  • Đừng để Tết cổ truyền bị cuốn trôi trong dòng chảy của thời công nghệ
    6 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Cách mạng công nghiệp 4.0 đang là cụm từ được nhắc đến nhiều trong các diễn đàn kinh tế, xã hội, khoa học công nghệ vừa qua. Tác động của cuộc cách mạng này đối với Tết cổ truyền được chuyên gia văn hóa, GS.TS Tô Ngọc Thanh - Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian chia sẻ với Đặc san Kiểm toán nhân dịp Xuân mới.
Thách thức an ninh nguồn nước