Trong đó, thu tiền sử dụng đất đạt 653 tỷ đồng, đạt 26,1% dự toán, bằng 91,7% cùng kỳ năm 2022; thu từ thuế, phí (trừ tiền sử dụng đất) thực hiện 1.243 tỷ đồng, đạt 16,2% dự toán, bằng 83,8% cùng kỳ năm 2022.
Nhiều chỉ tiêu thu chiếm tỷ trọng lớn nhưng đạt thấp hơn bình quân chung như: Thu từ doanh nghiệp nhà nước trung ương đạt 16,3% dự toán, thuế bảo vệ môi trường đạt 2,1% dự toán...
Ông Nguyễn Quang Hưng - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo thu ngân sách nhà nước tỉnh Thái Bình khẳng định: Mặc dù Ban Chỉ đạo thu ngân sách nhà nước tỉnh và ngành thuế đã triển khai ngay từ đầu năm các giải pháp thu nhưng kết quả thu vẫn còn thấp, chưa bảo đảm yêu cầu.
Với mục tiêu phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức dự toán được giao, ông Hưng yêu cầu các cấp, ngành, ban chỉ đạo thu ngân sách nhà nước các huyện, thành phố đặc biệt là ngành thuế và hải quan triển khai quyết liệt hơn nữa các giải pháp; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, dự án và cơ sở sản xuất, kinh doanh, từ đó sớm đưa các dự án đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Ngành thuế cần chủ động phối hợp với các cấp, ngành rà soát lại các khoản thu mới phát sinh để tham mưu giải pháp thu ngân sách kịp thời; duy trì công tác tuyên truyền, hướng dẫn thủ tục hồ sơ cho người nộp thuế; rà soát các khoản nợ đọng để có giải pháp thu phù hợp; giáo dục nâng cao ý thức trách nhiệm phục vụ công vụ, cải cách thủ tục hành chính, phân công cụ thể cán bộ theo dõi, giám sát số thu để đôn đốc nộp kịp thời số phát sinh vào ngân sách nhà nước; tiếp tục triển khai chỉ đạo của các cấp, ngành về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế đặc biệt là các cơ chế, chính sách hỗ trợ người nộp thuế; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chống thất thu thuế.
Các huyện, thành phố phối hợp với ngành tài nguyên - môi trường và các ngành liên quan rà soát các khu đất, quỹ đất để tổ chức đấu giá; phối hợp với ngành thuế và cơ quan chức năng của huyện, thành phố trong công tác thu ngân sách nhằm bảo đảm dự toán thu ngân sách được giao./.