Thận trọng trong nới lỏng chính sách để kích thích tăng trưởng

(BKTO) - Năm 2017, Chính phủ dường như vẫn kiên định với mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% cả năm bằng việc phấn đấu tăng trưởng GDP đạt trên 7% trong 6 tháng cuối để bù lại tốc độ tăng trưởng nửa đầu năm không như kỳ vọng. Để hoàn thành mục tiêu này, một số biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ và tài khóa đã được áp dụng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia trong nước và quốc tế, Chính phủ vẫn nên thận trọng khi thực hiện động thái này.



Kích thích tăng trưởng kinh tế

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Hiệu - Chủ nhiệm bộ môn Tài chính công (Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội) - để phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng, một trong các giải pháp mà Chính phủ gợi ý là đẩy mạnh khai khoáng. Cụ thể, tại cuộc họp ngày 01/6, Chính phủ đã yêu cầu các Bộ, ngành rà soát lại các sản phẩm chủ lực. Trong đó, ngành Dầu khí khẳng định sẽ phấn đấu khai thác thêm 1 triệu tấn dầu và 1 tỷ m3 khí, qua đó nâng mức khai thác cả năm lên 13,28 triệu tấn dầu và 10,6 tỷ m3 khí. Theo tính toán, tăng sản lượng khai thác 2 loại nguyên liệu này sẽ đóng góp thêm khoảng 0,25% trong mức tăng GDP.

Bên cạnh đó, dưới quan sát của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), sau một thời gian dài ổn định, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã áp dụng các biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ để “cứu cánh” cho mục tiêu tăng trưởng. Cụ thể, ngày 10/7, cơ quan này đã quyết định giảm lãi suất chính sách thêm 25 điểm cơ bản, giảm lãi suất tái cấp vốn xuống 6,25% và lãi suất chiết khấu là 4,25%. Như vậy, các mức lãi suất đang ở mức thấp kỷ lục kể từ giữa năm 2015; việc cắt giảm lãi suất là nhằm tăng thanh khoản, khuyến khích cho vay và hỗ trợ kinh tế tăng trưởng nhanh hơn.

Cùng với động thái giảm lãi suất, ngày 12/8, chủ trì cuộc họp Chính phủ với một số Bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty để bàn giải pháp hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, Thống đốc NHNN có kế hoạch, lộ trình bảo đảm tăng trưởng tín dụng cả năm đạt khoảng 21-22%.

Không chỉ nới lỏng tiền tệ, theo phân tích của GS.TS Nguyễn Công Nghiệp - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài chính - các biện pháp nới lỏng tài khóa cũng đã được áp dụng trong những năm qua. Minh chứng là quy mô NSNN tăng cao hơn tốc độ tăng của GDP, chi NSNN tăng cao hơn thu NSNN, bội chi và nợ công đều tăng, đặc biệt là nợ công tăng gấp nhiều lần so với mức tăng trưởng GDP. Điều khiến GS.TS Nguyễn Công Nghiệp trăn trở là “nới lỏng chính sách nhưng chưa tạo ra nhiều động lực cho tăng trưởng”. Nguyên nhân là do chúng ta miễn giảm thuế cho DN nhưng số miễn giảm đó không bù đắp chi phí tăng thêm của DN. Mặt khác, tăng chi chủ yếu là tăng chi thường xuyên, tập trung cho an sinh xã hội, vượt quá khả năng, nguồn lực hiện có.

Vẫn nên thận trọng

Trong báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam mà ADB công bố ngày 26/9, mặc dù Ngân hàng này đã giảm mức dự báo tăng trưởng kinh tế xuống còn 6,3% trong năm 2017 và 6,5% trong năm 2018 nhưng các chuyên gia vẫn kỳ vọng, kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng tốt trong 6 tháng cuối năm. Kỳ vọng này là có cơ sở khi dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ngày càng gia tăng, đạt mức giải ngân 10,3 tỷ USD trong 8 tháng của năm 2017. Bên cạnh đó, xuất khẩu và tín dụng tăng, khả năng phục hồi mạnh mẽ hơn của nông nghiệp và việc đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn chi tiêu đầu tư cơ bản cho các chương trình cơ sở hạ tầng quốc gia cũng tạo động lực để kích thích tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, để có thể đạt được mục tiêu trên và đảm bảo tăng trưởng kinh tế một cách bền vững, các chuyên gia của ADB khuyến cáo, Việt Nam vẫn nên thận trọng khi thực hiện các động thái nới lỏng chính sách. Bởi, việc hạ lãi suất xuống mức thấp kỷ lục, nâng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng có thể làm gia tăng rủi ro trong lĩnh vực tài chính, nhất là khi khối lượng lớn các khoản nợ xấu vẫn còn tồn đọng. Việc nới lỏng chính sách tiền tệ có thể thúc đẩy tăng trưởng tín dụng nhưng lại làm gia tăng lạm phát.

Ông Aaoron Batten - Chuyên gia kinh tế của Ngân hàng ADB - nhận định, việc cắt giảm thâm hụt ngân sách là đáng khen ngợi, song điều này cũng làm giảm chi tiêu cho đầu tư cơ bản. Nếu vấn đề chi tiêu đó không được cân đối thì nó có khả năng ảnh hưởng tới hiệu quả tăng trưởng của Việt Nam trong dài hạn. Để tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế, các cơ quan chức năng có thể tập trung áp dụng các biện pháp bổ sung nhằm tăng nguồn thu từ thuế và cắt giảm các khoản chi tiêu công không thiết yếu như chi phí hành chính - khoản chi vốn đang lấn át chi phát triển cơ sở hạ tầng những năm gần đây.

GS. TS Nguyễn Công Nghiệp cũng khuyến nghị, thời gian tới, chúng ta cần chặn đà tăng chi thường xuyên bằng cách tính toán phù hợp các khoản chi về an sinh xã hội và chi cho con người. Hơn nữa, trong bối cảnh nguồn lực còn hạn chế, Nhà nước phải xem lại cơ chế, phương thức phân cấp đảm bảo nguồn lực tập trung cho đầu tư phát triển.

THÀNH ĐỨC
Theo Tuần Báo ra ngày 28-9-2017
Cùng chuyên mục
  • Cải cách chính sách thuế để tăng tỷ lệ động viên vào ngân sách
    7 năm trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Chính sách động viên NSNN được coi là công cụ đắc lực, đòn bẩy để thúc đẩy phát triển kinh tế; góp phần xây dựng nền tài chính quốc gia lành mạnh, bền vững. Trong điều kiện thu ngân sách gặp nhiều khó khăn, cơ cấu chi chưa phù hợp, bội chi và nợ công tăng cao, nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam phải sớm xây dựng chính sách động viên NSNN phù hợp với thực tế của đất nước và thông lệ quốc tế.
  • CPH, thoái vốn DNNN vẫn chậm
    7 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Từ kết quả 9 tháng qua mới có 11/44 DNNN thuộc diện cổ phần hoá (CPH) trong năm 2017 được phê duyệt phương án CPH, ông Đặng Quyết Tiến - Phó Cục trưởng Cục tài chính DN (Bộ Tài chính) nhận định, tiến độ CPH và thoái vốn vẫn chưa được như mong đợi!
  • Hướng tới việc khai thác bền vững tài nguyên khoáng sản
    7 năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Kể từ khi Luật Khoáng sản năm 2010 có hiệu lực, hoạt động khai khoáng đã đi vào nề nếp. Tuy nhiên, bên cạnh các yếu tố tích cực, chính sách, pháp luật về khoáng sản cũng đã bộc lộ nhiều hạn chế cần phải sửa đổi cho phù hợp.
  • Sửa đổi 5 luật thuế:  Tác động thế nào tới cộng đồng doanh nghiệp?
    7 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Với 30 chính sách thuế được sửa đổi có tác động lớn đến nhiều ngành, nghề khác nhau, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT), Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và Luật Thuế tài nguyên tiếp tục thu hút sự quan tâm góp ý của nhiều DN và chuyên gia.
  • Tăng cường hiệu quả công tác phát hiện và xử lý tham nhũng
    7 năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Cho ý kiến về các báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2017 của Chính phủ, tại phiên họp ngày 19/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực song tình hình tham nhũng vẫn diễn ra nghiêm trọng, tinh vi, phức tạp. Đặc biệt, việc tự phát hiện tham nhũng vẫn là khâu rất yếu, công tác xử lý, thu hồi sau thanh tra còn hạn chế...
Thận trọng trong nới lỏng chính sách để kích thích tăng trưởng