Thanh Hóa: Các chỉ tiêu kinh tế - xã hội tăng trưởng ổn định

(BKTO) - 6 tháng đầu năm 2023, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, thách thức song kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa tiếp tục chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực.

1ed.png
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ký kết Biên bản ghi nhớ với Tập đoàn Sumitomo Corporation, Nhật Bản về việc nghiên cứu dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp phía Tây TP. Thanh Hóa. Ảnh: thanhhoa.gov.vn

Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023 của UBND tỉnh Thanh Hóa, tốc độ tăng trưởng GRDP 6 tháng ước đạt 7%. Lĩnh vực nông nghiệp phát triển ổn định, không để xảy ra dịch bệnh lớn trên cây trồng, vật nuôi; năng suất lúa vụ chiêm Xuân ước đạt 67 tạ/ha, cao nhất từ trước đến nay; sản lượng thủy sản tăng 4,6% so với cùng kỳ.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 7,49%, có 18/25 sản phẩm công nghiệp chủ yếu có sản lượng bằng hoặc tăng so với cùng kỳ. Doanh thu bán lẻ hàng hóa và một số ngành dịch vụ tăng 14,1%, tổng lượng khách du lịch tăng 13%, tổng thu du lịch tăng 16,7%, vận chuyển hàng hóa tăng 20,6%, vận chuyển hành khách tăng 53%, doanh thu vận tải tăng 34,5%.

Công tác đối ngoại, xúc tiến đầu tư đạt được nhiều kết quả tích cực, tổng vốn đầu tư thu hút tăng cao so với cùng kỳ. Chất lượng các hoạt động văn hóa - xã hội tiếp tục được nâng lên; các chính sách an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đời sống Nhân dân được cải thiện. Thanh Hóa có thêm 4 Di sản văn hóa phi vật thể được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Các chỉ số về cải cách hành chính của tỉnh đạt kết quả tích cực, trong đó: Chỉ số PAPI đứng thứ 3 cả nước, Chỉ số SIPAS đứng thứ 5, Chỉ số PAR INDEX đứng thứ 10; ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính được triển khai đồng bộ, quyết liệt. Thanh Hóa là một trong những tỉnh đầu tiên trên cả nước thực hiện việc kết nối, chia sẻ, trao đổi văn bản điện tử giữa chính quyền và doanh nghiệp. 

Trong 6 tháng cuối năm 2023, toàn Tỉnh đặt mục tiêu: Tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 14,59% trở lên để đạt mục tiêu tăng trưởng GRDP cả năm là 11,0% trở lên. Sản lượng lương thực đạt 611,4 nghìn tấn. Kim ngạch xuất khẩu đạt 3.069 triệu USD. Huy động vốn đầu tư toàn xã hội đạt 73.910 tỷ đồng (KH 140.000 tỷ đồng). Thu ngân sách nhà nước đạt 14.763 tỷ đồng (dự toán Trung ương giao 35.340 tỷ đồng).

Tích tụ, tập trung đất đai để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao tăng thêm 2.825 ha. Thêm 1 huyện, 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Số doanh nghiệp thành lập mới 1.713 doanh nghiệp.

Để đạt được các mục tiêu trên, Thanh Hóa sẽ tập trung ưu tiên hoàn thiện công tác quy hoạch, thể chế làm việc; tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho sản xuất kinh doanh; thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp thu ngân sách nhà nước; rà soát, đánh giá, phân tích cụ thể từng địa bàn thu, khu vực thu, từng sắc thuế để có phương án chỉ đạo, điều hành kịp thời, bảo đảm thu đúng, thu đủ, không để lọt, sót các nguồn thu./.

Cùng chuyên mục
Thanh Hóa: Các chỉ tiêu kinh tế - xã hội tăng trưởng ổn định