Thanh khoản thông suốt, tín dụng và thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục tăng trưởng

(BKTO) - Đến ngày 15/6, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 5,1% so với cuối năm 2020. Cũng trong 6 tháng đầu năm 2021, thanh khoản ngân hàng luôn thông suốt, thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) tiếp tục tăng trưởng khá...



                
   

NHNN cho biết, chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt đã giúp kiểm soát lạm phát, hỗ trợ ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần phục hồi tăng trưởng kinh tế Ảnh: NHNN cung cấp

   

Ngày 21/6, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã thông tin về điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2021.

Theo đó, 6 tháng qua, NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu, hỗ trợ ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần phục hồi tăng trưởng kinh tế, duy trì ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối.

Đến ngày 15/6, tổng phương tiện thanh toán M2 tăng 3,96% so với cuối năm 2020 và tăng 14,27% so với cùng kỳ năm 2020. Thanh khoản của hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) thông suốt.

Về lãi suất, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay tháng 4/2021 giảm khoảng 0,3%/năm so với tháng 12/2020. Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND thuộc một số ngành, lĩnh vực ưu tiên ở mức 4,5%/năm. Lãi suất cho vay USD bình quân ở mức 3-6%/năm.

Thị trường ngoại tệ ổn định, thanh khoản thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ, kịp thời.

Với các giải pháp điều hành đồng bộ, đến ngày 15/6, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 5,1% so với cuối năm 2020 (cùng kỳ năm 2020 tăng 2,26%).

Nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19, đến ngày 31/5, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 257.602 khách hàng với dư nợ 336.663 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho 676.690 khách hàng với dư nợ 1.277.831 tỷ đồng; cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ ngày 23/01/2020 đến nay đạt 3.508.415 tỷ đồng cho 480.839 khách hàng.

Ngoài ra, đến ngày 31/5, Ngân hàng Chính sách xã hội đã gia hạn nợ cho 174.871 khách hàng với dư nợ 4.363 tỷ đồng, cho vay mới đối với 3.052.262 khách hàng với số tiền 111.256 tỷ đồng.

Trong những tháng đầu năm 2021, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid, hoạt động thanh toán trong nền kinh tế vẫn diễn ra an toàn, hiệu quả, thông suốt. Các chương trình miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán vẫn tiếp tục được NHNN và các TCTD triển khai nhằm phục vụ tốt nhất cho nhu cầu thanh toán trực tuyến và góp phần hỗ trợ người dân, DN đối phó với dịch bệnh, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và đời sống nhân dân.

Đến cuối tháng 4/2021, cả nước có trên 79 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán triển khai thanh toán qua internet và 44 tổ chức thanh toán qua điện thoại di động. So với cùng kỳ 4 tháng đầu năm 2020, giao dịch qua kênh internet tăng tương ứng 65,9% về số lượng, 31,2% về giá trị; giao dịch qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 86,3% về số lượng, 123,1% về giá trị; giao dịch qua kênh QR Code tăng tương ứng 95,7% về số lượng, 181,5% về giá trị.

NHNN đã chỉ đạo các TCTD tích cực nâng cao chất lượng tài sản, kiểm soát chất lượng tín dụng, hạn chế phát sinh nợ xấu mới; tự xử lý nợ xấu bằng các biện pháp đôn đốc khách hàng trả nợ; bán, phát mại tài sản bảo đảm của khoản nợ; sử dụng dự phòng rủi ro, có kế hoạch xử lý nợ xấu để bảo đảm phù hợp với diễn biến dịch Covid-19...

Trên cơ sở mục tiêu của Quốc hội, Chính phủ về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, NHNN sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát; duy trì ổn định vĩ mô, thị trường, hỗ trợ phục hồi nhanh kinh tế.

Trong đó, trọng tâm là các giải pháp: Đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 phục hồi sản xuất kinh doanh; tiếp tục phối hợp với Bộ, ngành liên quan đề xuất, triển khai chính sách cho vay hỗ trợ trả lương cho người lao động bị ngừng việc, gián đoạn sản xuất do chịu ảnh hưởng của Covid-19; kiểm soát chặt tín dụng trong lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro...

NHNN cũng sẽ triển khai Nghị định mới về TTKDTM và xây dựng Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án Phát triển TTKDTM giai đoạn 2021-2025; phối hợp với các Bộ, ngành liên quan triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile-Money); triển khai Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030…/.

THÀNH ĐỨC
Cùng chuyên mục
Thanh khoản thông suốt, tín dụng và thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục tăng trưởng