Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị nhiều giải pháp triển khai về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông

(BKTO) - Ngày 18/3, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có buổi làm việc với Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh về thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

toan-canh-buoi-lam-viec(1).jpg
Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: Nguồn sggp.org.vn

Tại buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa cho biết, hoạt động giám sát nhằm đánh giá lại hiệu quả triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông một cách thực tế.

TP. Hồ Chí Minh là địa phương có nhiều mô hình triển khai sáng tạo, đồng thời cũng có nhiều vấn đề đang đặt ra, tồn tại và vướng mắc cần được đánh giá bài bản, thấu đáo để từ đó tìm ra giải pháp tháo gỡ.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, lộ trình triển khai chương trình mới theo hướng cuốn chiếu một mặt giúp rút ngắn thời gian thực hiện (12 khối lớp phổ thông) nhưng cũng đặt ra bài toán học sinh lớp dưới học chương trình cũ nhưng khi lên các lớp cao hơn lại tiếp cận chương trình và phương pháp dạy mới đặt ra vấn đề về công bằng giáo dục, quyền lợi học sinh.

sach-giao-khoa-theo-chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-moi..jpg
Sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông mới. Ảnh minh họa

Yêu cầu dạy học 2 buổi/ngày ở bậc tiểu học của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đang khiến các địa phương “gồng mình” xây dựng cơ sở vật chất trường lớp trong bối cảnh thiếu quỹ đất, khó khăn về vốn, thủ tục đầu tư. Đây là sức ép vô cùng lớn đặt lên vai các địa phương.

Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Đỗ Chí Nghĩa, Đoàn giám sát đã tìm hiểu thực tế tại đơn vị có điều kiện dạy học khó khăn, ở khu vực ngoại thành và trường quốc tế, tư thục có điều kiện dạy học tiên tiến, hiện đại.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đặt câu hỏi: “Phải chăng khó khăn không nằm ở chương trình, sách giáo khoa mới mà ở khâu chuẩn bị và cơ chế hiện nay của chúng ta, từ vấn đề biên chế giáo viên, đấu thầu, sử dụng ngân sách. Rõ ràng đây là cuộc tổng duyệt nhìn lại cơ chế cho giáo dục đã ổn hay chưa”.

Trong đó, loại hình giáo dục thường xuyên đang gặp nhiều khó khăn khi triển khai chương trình, sách giáo khoa mới. Mặc dù các đơn vị đã có nhiều nỗ lực khắc phục khó khăn nhưng do vướng mắc về cơ chế nên còn khó khăn trong thực hiện.

Cần quan tâm nhiều hơn đến khu vực còn khó khăn, các điểm yếu để tạo công bằng chung trong đổi mới giáo dục. Ngoài việc rút kinh nghiệm, cần làm rõ vấn đề đang gặp phải nằm ở đâu trong công tác chuẩn bị để từ đó tháo gỡ một cách sát sườn.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Bùi Hoài Sơn cho rằng, một trong những yếu tố quyết định hiệu quả triển khai chương trình là vấn đề nguồn lực thực hiện.

TP. Hồ Chí Minh với đặc thù của một thành phố lớn cần có nguồn lực riêng để triển khai chương trình mới, từ tập huấn giáo viên đến công tác tư vấn cho học sinh, chuẩn bị cơ sở vật chất, tránh để tình trạng các trường sử dụng ngân sách chi thường xuyên của đơn vị.

Đề cập vấn đề thiếu giáo viên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Đinh Công Sỹ cho rằng, thừa thiếu cục bộ giáo viên hiện nay là vấn đề khó tránh khỏi. Vì vậy, công tác xây dựng đội ngũ cần tính toán độ mở, tạo điều kiện cho các trường bổ sung đội ngũ giảng dạy.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh Văn Thị Bạch Tuyết cho biết, các cơ sở giáo dục trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đang nỗ lực bồi dưỡng giáo viên giảng dạy các môn tích hợp thực hiện chương trình mới.

“Việc này tạo áp lực lớn đối với không chỉ giáo viên mà cả tổ bộ môn, ban giám hiệu các đơn vị trường học. Do vậy, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ GD&ĐT và các bộ ngành liên quan có văn bản hướng dẫn liên bộ về ngân sách nhà nước đảm bảo kinh phí cho công tác tập huấn, bồi dưỡng giáo viên triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 để Sở GD&ĐT có căn cứ đề nghị các quận, huyện cấp bổ sung kinh phí cho cơ sở giáo dục”.

TP. Hồ Chí Minh kiến nghị Bộ GD&ĐT, Bộ Nội vụ điều chỉnh vị trí việc làm trong trường phổ thông, cụ thể là bổ sung vị trí việc làm đối với giáo viên 2 môn tiếng Anh và Tin học, đồng thời có văn bản hướng dẫn về tuyển dụng, xây dựng cơ chế và chế độ riêng cho giáo viên hai môn này để thu hút và giữ chân đội ngũ.

giam-doc-so-gd-dt-tphcm-nguyen-van-hieu-thong-tin-ve-ke-hoach-boi-duong-giao-vien-trien-khai-chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-2018.jpg
Giám đốc Sở GD&ĐT TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Hiếu thông tin về kế hoạch bồi dưỡng giáo viên triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Ảnh: Nguồn sggp.org.vn

Giám đốc Sở GD&ĐT TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Hiếu thông tin, việc bồi dưỡng giáo viên dạy 2 môn tích hợp (gồm Khoa học Tự nhiên và Lịch sử - Địa lý) ở bậc trung học cơ sở (THCS) đang được TP. Hồ Chí Minh triển khai theo tinh thần là cung cấp kiến thức khoa học cơ bản nhằm tạo nền tảng cho học sinh bậc THCS tiếp tục phân hóa chuyên sâu hơn ở bậc trung học phổ thông.

Hiện nay, Sở GD&ĐT TP. Hồ Chí Minh đang phối hợp với hai trường đại học là Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh và Đại học Sài Gòn bồi dưỡng 100% giáo viên triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Giám đốc Sở GD&ĐT TP. Hồ Chí Minh cho biết, năm 2024, thế hệ giáo viên đầu tiên được đào tạo hai chuyên ngành Khoa học Tự nhiên và Lịch sử - Địa lý của hai trường đại học sư phạm sẽ tốt nghiệp. Đây là nguồn giáo viên lý tưởng đáp ứng yêu cầu giảng dạy của các môn tích hợp, song số lượng đào tạo không nhiều. Vì vậy, Thành phố sẽ sử dụng đội ngũ này làm nòng cốt để triển khai hiệu quả chương trình mới, song song với việc tiếp tục bồi dưỡng giáo viên các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý dạy môn tích hợp.

l_dai-dien-so-noi-vu-tphcm-tran-tro-ve-van-de-thu-nhap-cho-giao-vien.jpg
Đại diện Sở Nội vụ TP.Hồ Chí Minh trăn trở về vấn đề thu nhập cho giáo viên. Ảnh: Nguồn sggp.org.vn

Phó trưởng Phòng Tổ chức biên chế sự nghiệp, Sở Nội vụ TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Hải Hiệu chia sẻ, với tốc độ tăng dân số cơ học khá cao, số lượng học sinh, phòng học, trường học tăng hàng năm, yêu cầu sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập, tinh gọn bộ máy thật sự là thách thức lớn đối với Thành phố.

Sở Nội vụ phối hợp với Sở GD&ĐT TP. Hồ Chí Minh tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố mỗi năm, giao biên chế giáo viên theo đề án vị trí việc làm theo tinh thần “ở đâu có học sinh, ở đó phải có giáo viên”, đảm bảo yêu cầu dạy học của các đơn vị.

Tuy nhiên, đối với vấn đề chính sách tiền lương, thu nhập của giáo viên, đại diện Sở Nội vụ TP. Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay giáo viên trình độ đại học được tuyển dụng chính thức vào các đơn vị trường học có hệ số lương 2,34.

Như vậy nếu được hưởng 100% lương thì giáo viên mới ra trường có thu nhập 3.486.000 đồng/tháng, chưa tính thời gian tập sự chỉ được hưởng 85% lương và trừ đi các khoản đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

TP. Hồ Chí Minh mong muốn trước thực tế khó khăn của đội ngũ giáo viên, Chính phủ tạo thêm điều kiện về cơ chế đặc thù, phân cấp cho Thành phố để chủ động các nguồn lực, trong đó có việc tăng thu nhập cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ khẳng định, Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 là cuộc cách mạng toàn diện giáo dục, thay đổi cả hệ thống từ mục tiêu đến nội dung, phương pháp triển khai thực hiện. Cần có nhận thức đúng đắn và quyết tâm thực hiện, để chương trình triển khai hiệu quả trong thực tế./.

Cùng chuyên mục
Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị nhiều giải pháp triển khai về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông