Thành phố Hồ Chí Minh: Kiến nghị thu hồi 404 tỷ đồng từ nhà, đất

(BKTO) - TP. Hồ Chí Minh kiến nghị thu hồi khoảng 404 tỷ đồng nộp ngân sách từ việc cho thuê nhà, đất.

20240223145637-40img_8807.jpeg
Thành phố Hồ Chí Minh tăng cường rà soát nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn. Ảnh sưu tầm

Nhằm tăng cường công tác quản lý, sử dụng nhà, đất và các tài sản khác gắn liền với đất thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn, Ban Thường vụ Thành ủy TP. Hồ Chí Minh đã ban hành Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 11/11/2019 của Ban Thường vụ Thành ủy về kiểm kê, rà soát quỹ đất, nhà, công trình và các tài sản khác gắn liền với đất thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.

Từ năm 2020 đến năm 2023, Thanh tra TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức 18 đoàn thanh tra trách nhiệm thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong việc chấp hành quản lý, sử dụng tài sản công là nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh. Qua đó, lực lượng thanh tra đã kiến nghị thu hồi khoảng 404 tỷ đồng nộp ngân sách từ việc cho thuê nhà, đất; thu hồi 9 mặt bằng và 1 giấy chứng nhận đầu tư, chấm dứt việc cho thuê không đúng mục đích và kiểm điểm trách nhiệm các cá nhân, đơn vị có liên quan để xảy ra sai phạm qua các thời kỳ.

Sau 4 năm thực hiện Chỉ thị 24, công tác quản lý nhà nước về quản lý, sử dụng nhà, đất, công trình và các tài sản gắn liền với đất thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn Thành phố đạt được một số kết quả và khắc phục những hạn chế trước đây. Trong đó, từng bước đưa việc quản lý, sử dụng nhà, đất công vào nề nếp, tách biệt được giữa nhà ở, đất ở với công sở. Đồng thời thông qua sắp xếp, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước, đã huy động nguồn lực lớn bổ sung nguồn vốn ngân sách cho đầu tư phát triển, góp phần chỉnh trang đô thị, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội và tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát của tổ chức Đảng, cơ quan chức năng về lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện việc quản lý, sử dụng nhà, đất và tài sản gắn liền với đất thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn Thành phố đã được tăng cường, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các hạn chế, đảm bảo kỷ luật, kỷ cương, tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực này.

Việc thực hiện Chỉ thị 24 đã phát huy vai trò giám sát của các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với công tác quản lý, sử dụng nhà, đất và tài sản gắn liền với đất thuộc sở hữu nhà nước; qua đó kịp thời phát hiện, phản ánh các hành vi vi phạm pháp luật, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với nhà, đất công./.

Cùng chuyên mục
Thành phố Hồ Chí Minh: Kiến nghị thu hồi 404 tỷ đồng từ nhà, đất