Thành phố Hồ Chí Minh: Thu hút FDI đạt trên 3 tỷ USD

(BKTO) - Theo thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh, tính từ đầu năm đến nay, thu hút FDI của Thành phố đạt trên 3 tỷ USD.

mh_tphcm_san-xuat-linh-kien-dien-tu-ky-thuat-cao-tai-mot-cong-ty-trong-khu-cong-nghe-cao-tp-ho-chi-minh.png
Thành phố Hồ Chí Minh thu hút FDI đạt trên 3 tỷ USD. Ảnh minh họa

Trong đó, dẫn đầu là các nhà đầu tư từ Singapore với tỷ trọng vốn góp chiếm 43,4%; tiếp đó là Nhật Bản, Hàn Quốc, Hà Lan, British Virgin Island… cũng là những quốc gia có nhiều doanh nghiệp đang đầu tư tại TP. Hồ Chí Minh.

Nhiều doanh nghiệp FDI đề nghị TP. Hồ Chí Minh sớm cải thiện cơ sở hạ tầng và cách vận hành Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Theo đó, cần áp dụng công nghệ kiểm soát tự động để giảm thời gian chờ đợi khi thông quan xuất nhập cảnh. Sớm điều chỉnh cho phù hợp với thực tế những vấn đề khác liên quan đến hoàn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân, việc xem xét lại giới hạn trần về số giờ làm thêm, giấy phép lao động và di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp FDI cho rằng, Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh được thông qua là cơ hội rất lớn cho doanh nghiệp tham gia đầu tư nhiều lĩnh vực của Thành phố; doanh nghiệp rất cần sự chia sẻ minh bạch danh mục dự án, chính sách thu hút đầu tư đi kèm để thúc đẩy doanh nghiệp tham gia đầu tư trong thời gian tới.

Chính quyền Thành phố cam kết luôn nỗ lực đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp trong và ngoài nước phục hồi và mở rộng sản xuất kinh doanh. Hiện nay, Thành phố đang tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn, gắn chương trình phục hồi kinh tế với các chương trình phát triển đô thị, cải thiện môi trường sống đô thị, chương trình nhà ở; cải thiện hạ tầng giao thông, nối kết phát triển vùng, tạo nền tảng phát triển bền vững; đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính, giải quyết từng vấn đề doanh nghiệp quan tâm, như giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài, đơn giản thủ tục hành chính liên quan đến thuế, hải quan, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy phép đầu tư, xây dựng.

Thành phố giải quyết nhanh những vấn đề tồn đọng của hệ thống metro để có thể đưa vào hoạt động từ tháng 7/2024, đồng thời thúc đẩy đầu tư mạng lưới 200km metro còn lại, góp phần cải thiện tình trạng giao thông trên địa bàn Thành phố.

Quan tâm hơn nữa các vấn đề đầu tư hạ tầng xử lý rác thải, nước thải, khí thải. Các lĩnh vực y tế, giáo dục, hạ tầng số, công nghệ hỗ trợ công nghệ cao, sinh học, dược phẩm… đang có chủ trương đẩy mạnh thu hút đầu tư từ nguồn lực xã hội.

Mở rộng hợp tác liên kết vùng, kết hợp chuyển tải một số ngành không phù hợp, tạo dư địa thu hút thêm ngành công nghiệp có lợi thế tiềm năng phát triển kinh tế cho Thành phố. Trong ngắn hạn, sự chuyển đổi này sẽ chưa phát huy tác dụng rõ rệt, nhưng về lâu dài có thể tạo sức bật cho tăng trưởng kinh tế Thành phố đạt mức 8%/năm. Với việc mở rộng liên kết vùng, doanh nghiệp FDI sẽ có cơ hội khai thác thị trường rộng lớn hơn trong thời gian tới./.

Cùng chuyên mục
Thành phố Hồ Chí Minh: Thu hút FDI đạt trên 3 tỷ USD