Thanh toán qua QR code tăng mạnh

(BKTO) - Thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục có những chuyển biến tích cực, trong đó, phương thức thanh toán QR code tăng 892,95% về số lượng và 1.062,01% về giá trị trong tháng 01/2024.

thanh-toan-qua-qr.jpg
Thanh toán qua QR code tăng 892,95% về số lượng và 1.062,01% về giá trị trong tháng 01/2024. Ảnh minh họa

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, trong tháng 01/2024 so với cùng kỳ năm 2023, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 63,3% về số lượng và 41,45% về giá trị; qua kênh Internet tăng 57,85% về số lượng và 32,43% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng 68,54% về số lượng và 41,12% về giá trị; qua phương thức QR code tăng 892,95% về số lượng và 1.062,01% về giá trị; qua POS tăng 16,87% về số lượng và tăng 13,65% về giá trị.

Trong khi đó, giao dịch qua ATM giảm 15,14% về số lượng và giảm 18,76% về giá trị. Như vậy, thanh toán bằng tiền mặt đang có sự dịch chuyển mạch sang thanh toán không dùng tiền mặt.

Trong tháng 01/2024 so với cùng kỳ năm 2023, giao dịch qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng (TTĐTLNH) tăng 6,02% về số lượng và tăng 54,42% về giá trị; qua Hệ thống bù trừ, chuyển mạch giao dịch tài chính tăng 51,0% về số lượng và 34,96% về giá trị.

Đến cuối tháng 01/2024, thị trường có 20.986 ATM, giảm 1,7% so với cùng kỳ năm 2023 và có 554.580 POS, tăng 32,68% so với cùng kỳ năm 2023.

Với xu hướng ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số vào hoạt động ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước đã khuyến khích các tổ chức tín dụng (TCTD) triển khai chuyển đổi số, kết nối, hợp tác với các ngành, lĩnh vực khác nhau để hình thành và mở rộng hệ sinh thái số cung ứng sản phẩm dịch vụ lấy khách hàng làm trung tâm, cung cấp trải nghiệm giao dịch liền mạch, cá nhân hóa.

Các TCTD, tổ chức trung gian thanh toán (TGTT) đã ứng dụng các công nghệ tiên tiến để tối ưu hóa, đơn giản hóa quy trình nghiệp vụ, nâng cao hiệu quả hoạt động và trải nghiệm giao dịch khách hàng; đồng thời, đánh giá, phân loại khách hàng, quyết định giải ngân và tích hợp với nhiều hệ sinh thái đối tác khác nhau trong các lĩnh vực.

Nhiều nghiệp vụ cơ bản đã được số hóa hoàn toàn 100% (tiền gửi tiết kiệm, tiền gửi có kỳ hạn, mở và sử dụng tài khoản thanh toán, mở thẻ ngân hàng, ví điện tử, chuyển tiền,...), nhiều ngân hàng Việt Nam có tỷ lệ trên 90% giao dịch thực hiện trên kênh số.

Đến cuối năm 2023, có khoảng 40 ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mở tài khoản thanh toán bằng phương thức điện tử (eKYC) với hơn 35 triệu tài khoản thanh toán mở bằng eKYC đang hoạt động./.

Cùng chuyên mục
Thanh toán qua QR code tăng mạnh