Trên 200.000 tỷ đồng tín dụng đầu tư “chảy” vào nền kinh tế

(BKTO) - Với tổng lượng vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước cung ứng cho nền kinh tế đạt hơn 200.000 tỷ đồng, thời gian qua, Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) đã đáp ứng một phần quan trọng nhu cầu nguồn vốn cho phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội.

ngan-hang-phat-trien.jpg
VDB sẽ hỗ trợ các chủ dự án được sử dụng nguồn vốn có kỳ hạn dài và chi phí thấp theo chính sách của Nhà nước.
Ảnh minh họa

Chiều 05/3, tại Hà Nội, VDB đã tổ chức Hội nghị triển khai chính sách tín dụng đầu tư của Nhà nước.

Thông tin tại Hội nghị cho biết, ngày 07/11/2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 78/2023/NĐ-CP (Nghị định 78) sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 32/2017/NĐ-CP ngày 31/3/2017 của Chính phủ về tín dụng đầu tư của Nhà nước, có hiệu lực từ ngày 22/12/2023.

Theo Nghị định này, nhiều nội dung quan trọng (lãi suất cho vay, thời hạn cho vay, giới hạn tín dụng, xử lý rủi ro…) đã được điều chỉnh theo hướng giao quyền tự chủ nhiều hơn cho VDB.

Với những quy định cởi mở hơn về các điều kiện tín dụng cũng như thẩm quyền của cơ quan cho vay, chính sách tín dụng đầu tư của Nhà nước được kỳ vọng sẽ tạo ra một kênh cung ứng vốn đầu tư hấp dẫn đối với các chủ dự án có nhu cầu đầu tư vào các ngành nghề, lĩnh vực hoặc địa bàn được Chính phủ khuyến khích.

dao-quan-truong.jpg
Tổng Giám đốc VDB Đào Quang Trường phát biểu tại Hội nghị. Ảnh ST

Tổng Giám đốc VDB Đào Quang Trường cho biết, để triển khai Nghị định 78 một cách hiệu quả, VDB đã kịp thời sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các quy chế, quy trình nghiệp vụ liên quan đến hoạt động cho vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước, đồng thời nhanh chóng xác định và công bố lãi suất cho vay phù hợp với quy định của Chính phủ tại Nghị định này.

Cùng với đó, VDB cũng đã chỉ đạo các chi nhánh, sở giao dịch và các đơn vị chuyên môn tại Trụ sở chính phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, các doanh nghiệp... tìm kiếm dự án có nhu cầu sử dụng vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước để đầu tư.

Nhờ đó, đến nay, đã có 104 dự án thuộc danh mục được Chính phủ quy định tại Nghị định 78 đăng ký vay vốn tại VDB với số vốn vay dự kiến lên đến 67.430 tỷ đồng.

Với tổng lượng vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước cung ứng cho nền kinh tế đạt hơn 200.000 tỷ đồng, thời gian qua, VDB đã đáp ứng một phần quan trọng nhu cầu nguồn vốn cho phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội cũng như nâng cao năng lực sản xuất của các ngành kinh tế thông qua việc tài trợ, cho vay gần 200 dự án trọng điểm (nhóm A) trên phạm vi cả nước.

Các dự án có nhu cầu vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước tại VDB đa phần là dự án có tổng mức đầu tư lớn, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực phát triển hạ tầng, như: hạ tầng giao thông, hạ tầng khu công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao, các dự án an sinh xã hội, trường học, bệnh viện, nước sạch, năng lượng tái tạo (thủy điện, điện gió, điện mặt trời, điện khí)…

Không chỉ tập trung vốn tín dụng đầu tư phát triển kinh tế - xã hội trong nước, nguồn vốn tín dụng đầu tư cũng dành hỗ trợ các dự án đầu tư ra nước ngoài, góp phần khẳng định sự hợp tác chặt chẽ cùng có lợi trong phát triển kinh tế giữa Việt Nam và các quốc gia láng giềng, đồng thời bảo đảm an ninh- quốc phòng.

Để thiết thực hỗ trợ các chủ dự án được sử dụng nguồn vốn có kỳ hạn dài và chi phí thấp theo chính sách của Nhà nước, ông Đào Quang Trường cho biết, VDB sẽ tập trung nguồn nhân lực có kinh nghiệm và trình độ để tư vấn, hướng dẫn các chủ dự án hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án cũng như các hồ sơ vay vốn theo quy định của pháp luật để sớm được giải ngân vốn vay.

Bên cạnh đó, VDB sẽ tiếp tục nỗ lực tiết giảm chi phí để hạ lãi suất cho vay nhằm tạo điều kiện cho các chủ dự án tập trung nguồn lực tài chính, sớm hoàn thành dự án vay vốn đưa vào khai thác, vận hành.

Tổng Giám đốc VDB cho hay, với cơ chế hiện nay, chủ trương tăng trưởng tín dụng 3-5% thì lượng vốn cho vay tối đa của VDB có thể đến 15.000 tỷ đồng cho một khách hàng và 20.000 tỷ đồng cho nhóm khách hàng. Vốn giải ngân năm 2024 có thể đảm bảo nhu cầu từ 18.000-20.000 tỷ đồng.

VDB sẽ ưu tiên tập trung vào các dự án phát triển hạ tầng như các dự án năng lượng tái tạo, hạ tầng giao thông, phát triển hạ tầng khu công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao cùng các dự án an sinh xã hội…/.

Cùng chuyên mục
Trên 200.000 tỷ đồng tín dụng đầu tư “chảy” vào nền kinh tế