Tháo gỡ các nút thắt đã được nhận diện

(BKTO) - “Để hoàn thành chỉ tiêu theo kế hoạch thì các Quý còn lại của năm 2023 phải tăng trưởng bình quân 7,5-8%. Đây là thách thức rất lớn trong điều hành, do vậy, Chính phủ cần phải có các giải pháp mạnh mẽ, tháo gỡ các nút thắt hiện nay đã được nhận diện” - đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Sơn - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phát biểu tại phiên thảo luận tại tổ sáng 25/5.

anh-son.jpg
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Minh Sơn phát biểu thảo luận tại tổ sáng 25/5. Ảnh: MINH THƯ

Chất lượng tăng trưởng thấp

Phát biểu thảo luận về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) và ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022; tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2023, đại biểu Nguyễn Minh Sơn đánh giá, năm 2022, dù đối mặt nhiều khó khăn nhưng kinh tế nước ta ghi nhận sự phục hồi ấn tượng khi tăng trưởng kinh tế đạt 8,02%, là mức tăng cao nhất trong khối các nước ASEAN và Trung Quốc.

Đặc biệt, những tháng cuối năm 2022, quốc tế và trong nước gặp nhiều khó khăn, khi tốc độ tăng trưởng GDP quý 4/2022 giảm mạnh (tăng 5,9% so với cùng kỳ), chậm lại đáng kể nhưng nước ta vẫn giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định lạm phát, tỷ giá, các cân đối lớn của nền kinh tế nhìn chung được bảo đảm.

Tuy nhiên, ngoài 02/15 chỉ tiêu chủ yếu không đạt mục tiêu đề ra đã được Chính phủ báo cáo, đại biểu lưu ý, năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) tiếp tục sụt giảm ở mức 0,2%; mức đóng góp vốn tài sản công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) vào tăng trưởng sụt giảm ở mức 1,36% so với năm 2021. So với các nước trong khu vực, mức đóng góp của vốn tài sản ICT của Việt Nam ở mức rất thấp.

Thêm đó, tính đổi mới sáng tạo của Việt Nam xếp thứ 48/132 quốc gia, cho thấy dấu hiệu thiếu tích cực của Việt Nam trong đổi mới sáng tạo, tuột 4 bậc so với năm 2021. Chỉ số hiệu quả môi trường (EPI) của Việt Nam sụt giảm nghiêm trọng từ 33,4 điểm năm 2020 xuống còn 20,1 điểm năm 2022.

"Đây đều là những chỉ tiêu phản ánh chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế còn thấp. Đề nghị Chính phủ cần làm rõ hơn những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân khách quan, chủ quan" - đại biểu chỉ rõ.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng chỉ ra, vốn đầu tư toàn xã hội năm 2022 thực hiện theo giá hiện hành đạt 3.219,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 33,85% GDP, tăng 11,2% so với năm trước.

Trong đó, tỷ trọng đầu tư khu vực Nhà nước gia tăng từ 24,7% năm 2021 lên 25,6% năm 2022; khu vực ngoài Nhà nước có mức tăng đầu tư còn rất thấp so với các khu vực khác của nền kinh tế (chỉ tăng 8,9%) và thấp hơn nhiều so với giai đoạn trước đại dịch Covid-19 (trung bình tăng 13,4% trong giai đoạn 2015-2019); theo đó tỷ trọng đầu tư khu vực ngoài Nhà nước giảm từ 59,5% năm 2021 xuống còn 58,2% năm 2022.

Đồng thời, vốn đăng ký trung bình của một doanh nghiệp thành lập mới là 10,7 tỷ đồng, thấp hơn mức 13,8 tỷ đồng năm 2021.
Điều này phản ánh những khó khăn vẫn còn rất lớn của khu vực tư nhân, của nền kinh tế, tập trung vào các nguyên nhân chủ yếu như: đơn hàng giảm sút; chi phí đầu vào gia tăng; doanh nghiệp thiếu vốn; biến động thị trường bất động sản ảnh hưởng đến các nhà đầu tư…

Cần những giải pháp mạnh mẽ

Về kết quả thực hiện những tháng đầu và nhiệm vụ, giải pháp trong những tháng còn lại năm 2023, đại biểu Nguyễn Minh Sơn phân tích: GDP Quý I tăng 3,32% so với cùng kỳ năm trước và thấp hơn nhiều so với kịch bản tại Nghị quyết số 01/NQ-CP (5,6%).

“Để hoàn thành chỉ tiêu theo kế hoạch thì các Quý còn lại của năm 2023 phải tăng trưởng bình quân 7,5-8%. Đây là thách thức rất lớn trong điều hành. Do vậy, Chính phủ cần phải có các giải pháp mạnh mẽ, tháo gỡ các nút thắt hiện nay đã được nhận diện” - đại biểu nói.

Theo đó, ngoài các giải pháp đã được đề cập tại báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, đại biểu đề nghị Chính phủ tập trung thêm 3 nhóm giải pháp.

Thứ nhất, trong đầu tư công, cần nâng cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu trong việc giải ngân đầu tư công; tổng hợp phương án cắt giảm vốn của các Bộ, ngành có tỷ lệ giải ngân thấp để điều chuyển cho các dự án quan trọng, cần đẩy nhanh tiến độ các dự án có khả năng giải ngân nhanh vốn đầu tư từ ngân sách trung ương và các dự án khẩn cấp như ứng phó với biến đổi khí hậu, chống sạt lở bờ sông, bờ biển…

Đồng thời, xử lý nhanh, dứt điểm vấn đề giải phóng mặt bằng; cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc xử lý thủ tục về đầu tư; hình thành cơ chế giám sát thực hiện giải ngân vốn đầu tư công để gia tăng nhanh nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, tránh lãng phí...

Thứ hai, về hỗ trợ sản xuất, xuất khẩu, đại biểu cho rằng, cần theo dõi chặt chẽ thị trường, giá cả hàng hóa để có chính sách, giải pháp kịp thời đảm bảo cân đối cung - cầu, điều hành, bình ổn giá phù hợp.

Cùng với đó cần rà soát, tháo gỡ ngay các rào cản liên quan đến môi trường đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp, rà soát, cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính.

Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm các thị trường, đối tác mới, bên cạnh đó đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, kho bãi... nhằm tiết giảm dịch vụ logistics qua đó nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Thứ ba, liên quan đến chính sách tài chính, ngân sách, theo đại đề nghị, cần kiểm soát chặt chẽ tăng trưởng nóng ở các thị trường tài sản; kiểm soát chặt chẽ rủi ro tín dụng đối với hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư kinh doanh chứng khoán, bất động sản; tăng cường công tác thanh tra, giám sát nhằm chấn chỉnh và xử lý nghiêm các vi phạm trên thị trường chứng khoán, bảo đảm thị trường hoạt động an toàn, minh bạch, bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư; tăng cường đôn đốc, kịp thời nộp các khoản thu vào NSNN mà cơ quan thanh tra, kiểm toán đã có kết luận, kiến nghị; tăng cường quản lý các nguồn thu từ đất đai, từ cổ phần hoá, các khoản thu từ thuế, phí, chống thất thu, ẩn, lậu, trốn thuế.

Cùng chuyên mục
Tháo gỡ các nút thắt đã được nhận diện