Tháo gỡ điểm nghẽn nguồn nhân lực, tạo bước đột phá để phát triển kinh tế

(BKTO) – Nguồn nhân lực được coi là nhân tố vô cùng quan trọng giúp thúc đẩy khôi phục, phát triển kinh tế, nhưng cũng đồng thời tạo ra lực cản, khi số lao động đã qua đào tạo còn thấp. Do đó, để phục hồi kinh tế và phát triển bền vững trong bối cảnh dịch bệnh, các chuyên gia trong lĩnh vực lao động cho rằng, quan trọng nhất vẫn là phát triển nguồn nhân lực có chất lượng, kỹ năng và hiệu quả cao.



“Điểm nghẽn” về chất lượng nhân lực

Qua 2 tháng thực hiệnNghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ, tình hình kinh tế - xã hội trong nước đã khởi sắc với nhiều điểm sáng. Trong đó, thị trường lao động đã cơ bản mở cửa trở lại, người lao động hào hứng tham gia trực tiếp vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy khôi phục, phát triển kinh tế.

Dưới góc nhìn của cơ quan được giao quản lý nhà nước về lao động, ông Trương Anh Dũng – Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, thị trường lao động vẫn tồn tại nhiều bất cập, gây cản trở quá trình phục hồi, phát triển kinh tế.
                
   

Thị trường lao động cần sớm khắc phục những bất cập như lao động thiếu kỹ năng, tay nghề; chưa được đào tạo... Ảnh tư liệu

   

Theo ông Dũng, Việt Nam đang có lợi thế cơ cấu dân số vàng với 55 triệu lao động, nhưng điểm nghẽn lại chính là chất lượng nguồn nhân lực bởi tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ mới đạt 24,6% tổng số lao động, chỉ số kỹ năng và chất lượng đào tạo nghề tuy tăng ấn tượng nhưng vẫn có khoảng cách xa so với các nước Đông Bắc Á và ASEAN.

Bên cạnh đó, tỷ lệ người lao động có trình độ đại học trở lên nhưng lại làm những vị trí công việc chỉ yêu cầu trình độ cao đẳng trở xuống tăng nhanh trong 10 năm qua (từ 12% lên 25%). Đây là một trong những nguyên nhân dẫn tới năng suất lao động thấp, dù tăng trưởng kinh tế khá cao trong hai thập kỷ rưỡi qua.

“Chúng ta sẽ hết cơ hội để tranh thủ thời cơ dân số vàng và bắt kịp với các nền kinh tế mới nổi trong khu vực nếu không tăng tốc phát triển nhân lực có kỹ năng, nhất là nhân lực có tay nghề cao nhằm góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia” - ông Trương Anh Dũng nói.
         
Hiện nay, hệ thống GDNN có 1.908 trường và trung tâm đào tạo. Trong đó, có khoảng 900 trường cao đẳng và trung cấp, còn lại là hơn 1.000 trung tâm GDNN - giáo dục thường xuyên. Về quy mô đào tạo, hiện nay mỗi năm tuyển sinh mới 2,2 triệu người, nhưng trong số đó mới chỉ có 1/4 là trình độ cao đẳng và trung cấp đào tạo chính quy trong các nhà trường; 3/4 còn lại là diện đào tạo thường xuyên, đào tạo trình độ sơ cấp,...
Đặc biệt, khi nối lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thì nhu cầu lao động có kỹ năng cao tăng trong khi nhu cầu đối với người lao động ít được đào tạo và kỹ năng thấp giảm, nguy cơ thiếu hụt nguồn cung lao động, thậm chí đứt gãy chuỗi cung ứng lao động có kỹ năng nghề sẽ hiện hữu nếu như chậm tiến độ bao phủ vắc xin, các cơ sở đào tạo chưa được mở cửa trở lại.

Tăng cường đào tạo nghề, chú trọng các nghề mới

Để phục hồi kinh tế và phát triển bền vững trong bối cảnh dịch bệnh, bên cạnh tiến độ bao phủ vắc xin và các trụ cột quan trọng như: phục hồi chuỗi cung ứng, bảo đảm lưu thông hàng hóa; triển khai các chương trình đầu tư quy mô lớn có tác động lan toả, tạo động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế; nâng cao chất lượng thể chế; có chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa đồng bộ, hiệu quả… các chuyên gia trong lĩnh vực lao động cho rằng, quan trọng nhất vẫn là phát triển nguồn nhân lực có chất lượng, kỹ năng và hiệu quả cao.

Theo đó, trước mắt, cần kéo dài thêm ít nhất 1 năm nữa việc thực hiện chính sách hỗ trợ DN đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng cho người lao động từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ. Đồng thời, cần bổ sung thêm chính sách và nguồn lực để đặt hàng đào tạo kỹ năng, tay nghề ngắn hạn cho học sinh, sinh viên và người lao động không thuộc đối tượng đào tạo từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề của thị trường, nhất là khu vực, địa bàn thành thị tập trung nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất...
                
   

Hệ thống GDNN đang tính tới đào tạo khoảng 20 nghề mới, theo xu hướng của thị trường việc làm. Ảnh tư liệu

   

Chính sách này, sẽ thu hút được lượng lớn lao động đã về quê do mất việc, thất nghiệp… tham gia đào tạo, để quay lại các khu công nghiệp, các thành phố lớn đang thiếu hụt nhân lực trong thời gian ngắn nhất. Chính sách này cũng sẽ giúp đáp ứng nhu cầu tuyển dụng lao động có kỹ năng nghề lại ngày tăng cao khi đón nhận làn sóng đầu tư nước ngoài mới dịch chuyển vào Việt Nam, DN thay đổi cơ cấu sản xuất, có thêm nhiều đơn hàng mới...

Nói về định hướng phát triển GDNN trong thời gian tới, đại diện lãnh đạo Tổng cục GDNN cho biết, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đặt mục tiêu quy mô GDNN nâng lên gấp 2 - 3 lần so với hiện nay; đồng thời phân tầng chất lượng, trong đó sẽ có một nhóm chất lượng cao.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, TS. Vũ Xuân Hùng - Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy (Tổng cục GDNN) cho biết, trong bối cảnh hiện nay, điều mà hệ thống GDNN hướng tới không chỉ là theo kịp các nước mà phải có một số lĩnh vực, ngành nghề đi trước. “Để tăng năng lực cạnh tranh quốc gia, hệ thống GDNN đang tính tới khoảng 20 nghề mới, chưa có trong danh mục nghề hiện nay mà xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn, đặc biệt là sự phát triển của khoa học công nghệ đặt ra” - ông Hùng nói, đồng thời nhấn mạnh đến vai trò kết nối với DN, bởi đây chính là động lực, là đích đến để đào tạo lao động.

N.LỘC
Cùng chuyên mục
Tháo gỡ điểm nghẽn nguồn nhân lực, tạo bước đột phá để phát triển kinh tế