Tháo gỡ dứt điểm vướng mắc trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia

(BKTO) - Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan tháo gỡ dứt điểm vướng mắc về cơ chế, chính sách, quản lý và thực hiện đồng bộ các chương trình mục tiêu quốc gia, nhằm đẩy nhanh tiến độ, tạo đột phá và chuyển biến căn bản trong thực hiện các chương trình này.

hau-a-lenh-pham-thang.jpg
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5. Ảnh: PHẠM THẮNG

Khẩn trương hoàn thành và triển khai Đề án phân định miền núi, vùng cao

Trên cơ sở kết quả phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với lĩnh vực dân tộc, tại Nghị quyết về hoạt động chất vấn của Kỳ họp thứ 5, Quốc hội nêu rõ yêu cầu cần quyết liệt triển khai thực hiện hiệu quả các chủ trương của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc.

Theo đó, trong năm 2023, nghiên cứu, đề xuất, trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh một số mục tiêu, chỉ tiêu, nội dung của các chương trình mục tiêu quốc gia để triển khai thực hiện, bảo đảm hiệu quả, khả thi, phù hợp với tình hình thực tiễn, tránh lãng phí, tiêu cực.

Đồng thời, đôn đốc triển khai các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần của các chương trình, bảo đảm hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra trong giai đoạn 2021-2025; nghiên cứu, đề xuất thực hiện thí điểm việc phân cấp cho cấp huyện chủ động quyết định, điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn, danh mục dự án đầu tư thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn, báo cáo Quốc hội khi tiến hành giám sát tối cao chuyên đề về 03 chương trình mục tiêu quốc gia tại Kỳ họp thứ 6.

Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật về công tác dân tộc; tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách về quy hoạch, khuyến khích đầu tư, thúc đẩy khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; cải cách thủ tục hành chính để thu hút, huy động nguồn lực đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Trong đó, ưu tiên địa bàn đặc biệt khó khăn, nhóm dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù, đối tượng nghèo là phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số; khẩn trương triển khai hợp phần “Cải thiện dinh dưỡng” cho trẻ em và “Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, tập trung nguồn lực đầu tư các dự án quan trọng quốc gia, các dự án liên kết có tác động lan tỏa về phát triển kinh tế - xã hội của vùng.

Nghị quyết của Quốc hội cũng nêu rõ yêu cầu Chính phủ sớm hoàn thành việc rà soát, tổng hợp, sửa đổi, bổ sung danh sách thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực I, II, III giai đoạn 2021-2025. Trong năm 2023, ban hành và triển khai thực hiện các quy định về cơ chế, chính sách đặc thù, giải quyết ngay những khó khăn, vướng mắc từ việc phân định lại các thôn đặc biệt khó khăn, xã thuộc khu vực I, II, III và các xã khó khăn, đặc biệt khó khăn được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới từ năm 2021 đến nay bị dừng thụ hưởng các chính sách hỗ trợ an sinh xã hội.

Cùng với đó, khẩn trương hoàn thành và triển khai Đề án về phân định miền núi, vùng cao, bảo đảm chất lượng, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 9/2023.

Tính toán cơ chế hỗ trợ nhà ở, đất ở sát thực tiễn

Trong việc triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, Quốc hội yêu cầu Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan khẩn trương rà soát, ban hành đầy đủ các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, quan tâm hướng dẫn nguyên tắc đối với các địa phương tự cân đối ngân sách để thực hiện Chương trình này.

rung-21-.jpg
Quốc hội yêu cầu hoàn thành việc giao đất, giao rừng, cho thuê rừng gắn với cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp vào năm 2026. Ảnh sưu tầm

Đặc biệt, tháo gỡ dứt điểm vướng mắc về cơ chế, chính sách, quản lý và thực hiện đồng bộ các chương trình mục tiêu quốc gia từ trung ương tới địa phương; trong đó, tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn để khắc phục sự chậm trễ, chồng chéo, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ, tạo đột phá và chuyển biến căn bản trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là cơ chế lồng ghép nguồn lực, phân cấp, phân quyền trong quản lý đầu tư và cơ chế đặc thù trong triển khai các dự án có quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp.

Quốc hội cũng yêu cầu, thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất; hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, chuyển đổi nghề cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số chưa có hoặc thiếu đất ở, đất sản xuất. Trong đó, cần chủ động nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh nguồn vốn giữa các dự án, tiểu dự án phù hợp với điều kiện của địa phương, tính toán cơ chế hỗ trợ nhà ở, đất ở sát với thực tiễn.

Đến năm 2025, phấn đấu giải quyết đất ở cho hơn 17.400 hộ, giải quyết đất sản xuất cho hơn 47.200 hộ, giải quyết sinh kế cho 271.800 hộ đồng bào dân tộc thiểu số; cơ bản không còn tình trạng dân di cư tự do, hoàn thành công tác sắp xếp, bố trí ổn định số hộ di cư.” 

Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV

Nghị quyết nêu rõ: Hạn chế tối đa việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tự nhiên ở các khu vực cần bảo vệ nghiêm ngặt sang mục đích ngoài lâm nghiệp; hoàn thành việc giao đất, giao rừng, cho thuê rừng gắn với cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp vào năm 2026, bảo đảm tất cả diện tích rừng và đất được quy hoạch cho phát triển lâm nghiệp phải được giao, cho thuê đến những chủ rừng thực sự. Đồng thời, tháo gỡ kịp thời các vướng mắc về cơ chế, chính sách đầu tư trồng rừng, giao khoán bảo vệ rừng, sản xuất nuôi trồng dưới tán rừng. Phấn đấu từ năm 2024, nâng mức hỗ trợ phù hợp từ ngân sách nhà nước để khuyến khích, hỗ trợ đồng bào, tạo việc làm, tăng thu nhập từ rừng, gắn bó hơn với rừng…/.

Cùng chuyên mục
Tháo gỡ dứt điểm vướng mắc trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia