Chú trọng chất lượng, tính thực chất của danh hiệu nghệ nhân

(BKTO) – Đây là vấn đề được các đại biểu tập trung trao đổi tại Hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Nghị định quy định về xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân (NNND), Nghệ nhân ưu tú (NNƯT) trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) tổ chức ngày 22/6.

1b-168742124188737726500-1687427560530-1687427560608339736551.jpg
Các ý kiến góp ý việc xây dựng quy định mới cần chú trọng chất lượng, tính thực chất của danh hiệu nghệ nhân.
Ảnh: Bộ VH,TT&DL

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ VH,TT&DL) Nghiêm Thị Thanh Nguyệt, dự thảo Nghị định quy định về xét tặng danh hiệu NNND, NNƯT trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể được xây dựng nhằm hoàn thiện, khắc phục những vấn đề còn bất cập của Nghị định số 62/2014/NĐ-CP quy định về xét tặng danh hiệu NNND, NNƯT trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể; mang lại cơ sở pháp lý đầy đủ hơn trong việc xét tặng danh hiệu NNND, NNƯT trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về thi đua, khen thưởng nói chung và pháp luật về thi đua, khen thưởng đối với lĩnh vực di sản văn hóa nói riêng.

Dự thảo Nghị định quy định về xét tặng danh hiệu NNND, NNƯT trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể được xây dựng trên cơ sở bám sát quy định của Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 và kế thừa các quy định đang phù hợp với thực tiễn công tác xét tặng danh hiệu NNND, NNƯT trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể về đối tượng, tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục, hồ sơ quy định tại Nghị định số 62/2014/NĐ-CP.

Dự thảo Nghị định quy định về xét tặng danh hiệu NNND, NNƯT trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể có nhiều điểm mới, khắc phục những bất cập và sát thực tiễn hơn, như việc bỏ quy định trong một kỳ xét tặng, thành viên Hội đồng cấp tỉnh không đồng thời là thành viên Hội đồng chuyên ngành cấp Bộ, Hội đồng cấp Nhà nước; quy định chi tiết về thành phần, cơ cấu Hội đồng các cấp theo hướng giảm bớt đại diện các cơ quan hành chính; tăng thành phần các nhà chuyên môn, chuyên gia đạt 2/3 trong tổng số thành viên Hội đồng để đảm bảo chất lượng của công tác xét tặng danh hiệu và chất lượng hoạt động của Hội đồng...

Tại hội nghị, TS. Phạm Cao Quý (Cục Di sản Văn hóa, Bộ VH,TT&DL) cho rằng, cần chú trọng chất lượng, tính thực chất của danh hiệu. Quá trình xét tặng cần chặt chẽ, khách quan, tránh việc danh hiệu vinh dự sau khi được trao tặng chỉ để… mang về treo trên tường. "Điều quan trọng nhất là phải phát huy những đóng góp, sức ảnh hưởng của nghệ nhân được trao tặng danh hiệu, để họ đóng góp tri thức, trí tuệ và nguồn lực cho chính mình và cho văn hóa cộng đồng, cũng như cho quá trình phát triển đất nước" - TS. Phạm Cao Quý nhấn mạnh.

Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Bắc Ninh Nguyễn Văn Đáp lưu ý, những quy định sửa đổi, bổ sung cần đảm bảo tính chặt chẽ, tôn vinh và trân trọng những "báu vật nhân văn sống", những nghệ nhân có nhiều cống hiến trong quá trình gìn giữ, truyền dạy cho thế hệ trẻ những giá trị di sản phi vật thể mà họ nắm giữ.

Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL tỉnh Lạng Sơn Phan Văn Hòa đề xuất, cần có quy định phân tách cá nhân nắm giữ các loại hình di sản có tham gia và không tham gia các hội nghề nghiệp nhằm đảm bảo tính thống nhất, không gây khó khăn trong quá trình thẩm định ở các cấp tiếp theo. 

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Trịnh Thị ThủyThứ trưởng đề nghị các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân tiếp tục nghiên cứu, có những đóng góp cụ thể cho dự thảo Nghị định.

Trên cơ sở các ý kiến góp ý, Bộ VH,TT&DL sẽ hoàn thiện dự thảo Nghị định trên tinh thần cầu thị, khách quan, ngày càng chú trọng chất lượng, tính thực chất của danh hiệu NNND, NNƯT, tránh bỏ sót việc tôn vinh các nghệ nhân có nhiều cống hiến trong quá trình gìn giữ và quan trọng hơn là truyền dạy cho thế hệ trẻ những giá trị di sản văn hóa phi vật thể mà họ đang nắm giữ, góp phần quan trọng vào sự nghiệp gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, bản sắc văn hóa của dân tộc; đồng thời nâng cao nhận thức của toàn xã hội đối với công tác bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể nói riêng, di sản văn hóa nói chung.

Cùng chuyên mục
Chú trọng chất lượng, tính thực chất của danh hiệu nghệ nhân