Tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh và đẩy mạnh xuất khẩu

(BKTO) - Chủ trì Hội nghị “Tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh và đẩy mạnh xuất khẩu” ngày 25/4, tại TP.HCM, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh những nỗ lực, trách nhiệm của Ngành trước tình hình kinh tế đất nước và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

b.jpg
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì Hội nghị. Ảnh: BCT

Theo Báo cáo kinh tế - xã hội quý I/2023, tăng trưởng GDP của cả nước chỉ đạt 3,32%. Nhiều địa phương đầu tàu kinh tế cũng ghi nhận mức tăng trưởng rất thấp.

Đây là kết quả đáng báo động đối với việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế đề ra cho năm 2023 và giai đoạn 5 năm, 10 năm tiếp theo nếu chúng ta không tìm được các giải pháp khắc phục kịp thời - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhận định.

Thời gian qua, Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương đã có nhiều hoạt động nhằm gỡ khó cho doanh nghiệp, như gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp; đẩy mạnh cải cách hành chính; tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp….

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo, công điện và chỉ thị về việc đẩy mạnh sản xuất, thúc đẩy tiêu dùng nội địa, đẩy mạnh xuất khẩu…

Đơn cử, ngày 19/4 vừa qua, Thủ tướng đã ký Công điện số 280/CĐ-TTg ngày 19/4/2023 về chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các Bộ, cơ quan, địa phương và ngay trước đó, ngày 10/4/2023, Thủ tướng đã ký Công điện số 238/CĐ-TTg về thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng và xuất nhập khẩu.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã trao đổi thẳng thắn, đánh giá thực trạng tình hình sản xuất kinh doanh, xuất khẩu; chỉ rõ những khó khăn, vướng mắc và phân tích nguyên nhân; đưa ra những dự báo và đề xuất những giải pháp thiết thực, khả thi… nhằm kịp thời khắc phục những yếu kém, lấy lại đà tăng trưởng, phấn đấu đạt được mục tiêu đã đề ra.

Để tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh và đẩy mạnh xuất khẩu, góp phần hoàn thành mục tiêu kế hoạch năm 2023, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã có một số đề nghị đối với các đơn vị của Bộ Công Thương, các Bộ, ngành liên quan và các Hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp.

Theo đó, đối với các Hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp, Bộ trưởng yêu cầu triệt để khai thác các thị trường mà Việt Nam đã ký kết Hiệp định Thương mại tự do (FTA) để đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu.

Từ thực tiễn hoạt động, cần khẩn trương kiến nghị, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các cơ chế, chính sách phù hợp, khả thi; vừa chú trọng khai thác thị trường truyền thống, vừa quan tâm khai mở thị trường mới, có tiềm năng để xuất khẩu hàng hóa và thúc đẩy sản xuất trong nước.

Đồng thời, các Hiệp hội cần làm tốt công tác thông tin thị trường, tổ chức các khóa tập huấn, đào tạo về kỹ năng thâm nhập, khai thác thị trường và điều chỉnh chiến lược sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.

Cùng với việc tập trung nghiên cứu và tăng cường nắm bắt cơ chế chính sách của các nước nhập khẩu, cần chú trọng nghiên cứu luật pháp quốc tế, luật pháp nước sở tại để làm tốt chức năng phòng vệ thương mại trong các vụ việc có tranh chấp giữa các doanh nghiệp Việt Nam và các đối tác khác, nhất là doanh nghiệp nước ngoài.

Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu cần tái cơ cấu mạnh mẽ về quản trị, tổ chức sản xuất, tiết giảm chi phí; đẩy mạnh liên kết sản xuất và chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm để xuất khẩu bền vững.

Đối với các đơn vị thuộc Bộ Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu phải tập trung tháo gỡ khó khăn một cách thực chất cho doanh nghiệp; làm tốt chức năng tư vấn, kết nối giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI để tăng cường nội địa hóa sản phẩm; tiếp thu công nghệ và quản trị, từng bước tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu.

Ngoài ra, cần tham mưu xây dựng, tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình hỗ trợ sản xuất, xuất khẩu, mở rộng thị trường và thúc đẩy tiêu dùng nội địa.

Trong đó, các đơn vị thuộc Bộ cần đổi mới, nâng cao hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, đặc biệt là thương mại điện tử xuyên biên giới nhằm thúc đẩy các chuỗi cung ứng, liên thông, mở rộng thị trường và đẩy mạnh xuất khẩu.

Cùng chuyên mục
Tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh và đẩy mạnh xuất khẩu