Các quy định pháp luật liên quan tới bất động sản condotel ven biển chưa thật sự đầy đủ, Ảnh:TK
Condotel là thuật ngữ dùng để chỉ dạng khách sạn chung cư hoặc khách sạn căn hộ mà tại đó mỗi đơn vị nhà ở có chủ sở hữu riêng. Condotel cho phép khách hàng mua hoàn toàn quyền sở hữu và sử dụng căn hộ, hoặc đăng ký chương trình cho thuê căn hộ với chủ đầu tư. Có đơn vị quản lý vận hành và bảo dưỡng chuyên nghiệp, hoạt động theo mô hình chia sẻ lợi nhuận ưu đãi, các căn hộ và dự án Condotel thường ở phân khúc BĐS nghỉ dưỡng và phát triển mạnh ở các thành phố có tiềm năng về du lịch; kết hợp với các tiện ích chung của toàn hệ thống và luôn có yếu tố đầu tư sinh lời hấp dẫn với khả năng tăng giá cao.
Condotel bắt đầu xuất hiện ở Miami (Mỹ) vào đầu năm 1980, kể từ đó cho đến nay, condotel đã phát triển và có mặt tại hơn 100 quốc gia trên thế giới. Ở Việt Nam, tuy xuất hiện muộn, nhưng đến nay thị trường condotel nhanh chóng phát triển, đặc biệt vào năm 2016, với sự ra đời của rất nhiều dự án như Cocobay, Ariyana, Ocean Suites (Đà Nẵng), Vinpearl Empire (Nha Trang), Movenpick Resort Cam Ranh Bay (Khánh Hoà)...
Theo GS. Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường: Condotel là một phương thức giải quyết rất tốt bài toán tìm vốn đầu tư từ dân. Một điểm mạnh nữa, là cơ chế khai thác chung BĐS giữa chủ đầu tư dự án và các chủ sở hữu BĐS, bảo đảm BĐS luôn được quản lý tốt và khai thác với công suất rất cao, tạo lợi ích phù hợp cho cả hai bên. Mặt khác, cơ chế khai thác như vậy làm cho cung về BĐS du lịch, nghỉ dưỡng sẽ tăng khá nhanh để đáp ứng cho cầu ngày càng tăng.
Nhận định về phân khúc condotel, bà Đỗ Thu Hằng - Phó Giám đốc, Trưởng Bộ phận nghiên cứu Savills Hà Nội - cho rằng: Năm 2017, bức tranh thanh khoản condotel sẽ rõ nét hơn khi mà rất nhiều dự án dự kiến bàn giao trong năm. Theo dự báo của Savills, những sản phẩm có giá từ 1,5 tỷ - 3 tỷ đồng với diện tích linh hoạt từ khoảng 40 đến gần 80 m2 sẽ được săn đón nhiều nhất do hợp túi tiền người mua.
Vướng mắc từ pháp luật
Theo pháp luật đất đai từ 2004 tới nay, đất đai để phát triển BĐS du lịch, nghỉ dưỡng là đất thuộc loại đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp với thời hạn sử dụng bình thường là 50 năm, trong một số trường hợp đặc biệt có thể kéo dài tới 70 năm. Hết thời hạn này, nhà đầu tư có thể xin gia hạn thêm vài năm nếu chưa khấu hao hết tài sản đã đầu tư, hoặc gia hạn sang một chu kỳ đầu tư mới. Quy định như vậy là bình thường và phù hợp với phương thức đầu tư dự án truyền thống. Tuy nhiên nó lại là lực cản đối với hình thức condotel vì các nhà đầu tư cá nhân muốn có các đơn vị BĐS thuộc sở hữu của mình được sử dụng lâu dài, tương đương như đất ở.
Theo GS. Đặng Hùng Võ: Vì những vướng mắc như vậy, nên khá nhiều địa phương phải dùng phương thức giải quyết bằng cách "lách", quy hoạch là đất ở, giao đất ở, thu tiền sử dụng đất ở rồi sau đó cho phép chuyển sang đất kinh doanh dịch vụ phi nông nghiệp. Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng có nhiều nhà đầu tư dự án du lịch, nghỉ dưỡng chưa đưa được đất dự án sang chế độ sử dụng lâu dài. Để phân khúc BĐS du lịch, nghỉ dưỡng nói chung phát triển tốt, đáp ứng được nhu cầu phát triển du lịch của đất nước thì chế độ sử dụng đất để phát triển BĐS du lịch, nghỉ dưỡng cần được điều chỉnh theo hướng mở rộng thời hạn sử dụng tương đương như đất ở. Như vậy sẽ làm cho sức hút vốn với phân khúc này tăng rất nhanh và không phải giải quyết các phức tạp kéo theo.
Ông Đoàn Văn Bình - Phó Chủ tịch, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn C.E.O - cho rằng: Để đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người có tài sản, pháp luật cần có hướng dẫn cụ thể về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu căn hộ khách sạn cho loại hình BĐS này theo hướng cá nhân, tổ chức có thể mua căn hộ condotel ven biển và được cấp Giấy chứng nhận, dù Dự án condotel ven biển đó được xây dựng trên đất thương mại dịch vụ hay đất ở không hình thành đơn vị ở. Điều này cũng giúp chủ sở hữu căn hộ tiếp cận được với các nguồn tín dụng khi đầu tư.
HOÀNG LONG