Việc xóa bỏ những rào cản sẽ tạo động lực cho KTTN phát triển. Ảnh: TTXVN
Kinh tế tư nhân đang dần lớn mạnh nhưng vẫn đối mặt với nhiều rào cản
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 10 năm trở lại đây, khu vực KTTN chiếm khoảng 40% GDP và đang có dấu hiệu tăng lên nữa. Riêng năm 2018, mức đóng góp của KTTN vào GDP khoảng 42,1%. Bên cạnh đó, KTTN còn góp phần giải quyết công ăn việc làm cho xã hội. Năm 2019, số lao động đang làm việc trong khu vực KTTN chiếm 83,3% tổng số lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc của cả nước (khoảng 45,2 triệu người). Thêm nữa, trong khi tỷ trọng vốn đầu tư từ kinh tế nhà nước ngày càng giảm mạnh thì tỷ trọng này của khu vực KTTN trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng nhanh và vượt qua mức 40% trong hai năm 2017 và 2018. Cùng với đó, thu NSNN từ khu vực KTTN ngày càng tăng, đặc biệt, năm 2018 là năm đầu tiên thu NSNN từ sản xuất kinh doanh của khu vực này vượt qua khu vực FDI và DNNN. Theo các chuyên gia, đây là những tín hiệu phản ánh sự lớn mạnh về quy mô, số lượng chủ thể và hiệu quả của KTTN. Đồng thời, xu hướng này sẽ tiếp tục được duy trì cùng với quá trình tái cơ cấu các DNNN.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, KTTN vẫn gặp nhiều rào cản trong quá trình phát triển. Tại Hội thảo “Phát triển kinh tế và kinh doanh bền vững trong điều kiện toàn cầu hóa” diễn ra mới đây, PGS,TS. Bùi Văn Vần - Trưởng Khoa Tài chính DN, Học viện Tài chính - cho biết: Mặc dù chủ trương xây dựng nền kinh tế thị trường bao gồm nhiều thành phần kinh tế đã được xác định từ lâu nhưng trong quá trình triển khai các văn bản pháp lý liên quan, vẫn có nhiều quan điểm e ngại DN tư nhân phát triển sẽ làm xói mòn vai trò của kinh tế nhà nước và DNNN. Điều này đã dẫn tới sự sai lệch trong việc triển khai xây dựng môi trường kinh doanh bình đẳng, thúc đẩy KTTN phát triển.
Mặt khác, các quy định của pháp luật hiện nay chưa đồng bộ để điều chỉnh hoạt động trên thị trường. Thực tế, DNNN vẫn được hưởng nhiều ưu đãi về điều kiện tiếp cận các nguồn vốn vay, được NSNN cấp vốn, ưu tiên tiếp cận đất đai, độc quyền trong lĩnh vực điện, nước, xăng dầu... Các DN có vốn đầu tư nước ngoài cũng đang được hưởng nhiều ưu đãi riêng. Trong khi đó, DN tư nhân trong nước lại không được hưởng nhiều ưu đãi như vậy, thậm chí còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn, thuê mặt bằng sản xuất kinh doanh.
Một rào cản nữa là mặc dù Luật DN và Luật Đầu tư đã có nhiều cải cách theo hướng tích cực nhưng trong thực tế, vẫn còn khoảng cách khá lớn giữa quy định và thực hiện. Cụ thể, nhiều rào cản dưới hình thức “giấy phép con” vẫn còn tồn tại; các cơ quan quản lý nhà nước thiếu thống nhất trong việc ban hành quy định về điều kiện kinh doanh; các quy định về quản lý và thanh tra, kiểm tra chuyên ngành còn gây phiền hà cho hoạt động của DN.
Về phía nội tại của DN, theo PGS,TS. Bùi Văn Vần, các DN tư nhân chủ yếu là DN nhỏ và vừa với nhiều hạn chế về: nguồn lực tài chính, trang thiết bị và năng lực cạnh tranh, chất lượng nguồn nhân lực, khả năng tiếp cận thông tin thị trường, chiến lược và văn hoá kinh doanh… Những hạn chế này đã ảnh hưởng xấu đến quá trình phát triển của khu vực KTTN.
Để kinh tế tư nhân thực sự là động lực quan trọng của nền kinh tế
Đưa ra khuyến nghị tháo gỡ rào cản để KTTN phát triển, PGS,TS. Bùi Văn Vần cho rằng, trước hết, Nhà nước cần sớm hoàn thiện lý luận, tạo cơ sở cho việc thống nhất nhận thức về vai trò của KTTN trong nền kinh tế thị trường. Đặc biệt, cần nhấn mạnh “kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, KTTN là động lực quan trọng của nền kinh tế” và xác định đúng vị trí, vai trò của mỗi khu vực trong nền kinh tế.
Thứ hai, các quy định pháp luật cần được nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện theo hướng xoá bỏ các thủ tục phiền nhiễu trong việc xúc tiến đầu tư, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư yên tâm bỏ vốn kinh doanh. Đặc biệt, Nhà nước cần xem xét việc xoá bỏ các ưu đãi theo thành phần kinh tế để xây dựng một môi trường kinh doanh bình đẳng; xoá bỏ các rào chắn ngăn cản quá trình tự do hoá đi vào thị trường, bảo đảm quyền sở hữu tư nhân. Bên cạnh đó, KTTN cũng cần được bình đẳng trong việc tiếp cận các nguồn vốn tín dụng, sử dụng các nguồn tài nguyên của quốc gia như các thành phần kinh tế khác.
Thứ ba, thực hiện đúng tinh thần “những gì mà pháp luật không cấm thì các DN đều có thể được làm”, đặc biệt là cần hỗ trợ các DN tư nhân tiếp cận thông tin thị trường, khuyến khích đầu tư nghiên cứu đổi mới kỹ thuật, công nghệ, vận dụng các tiến bộ kỹ thuật công nghệ vào trong sản xuất kinh doanh và quản trị DN.
Thứ tư, bản thân các DN cần chủ động xây dựng và phát triển văn hoá DN lành mạnh, hình thành đội ngũ doanh nhân có trách nhiệm với xã hội, sống và làm việc tuân thủ những chuẩn mực do DN xây dựng, đảm bảo sự minh bạch trong hoạt động, từ đó thay đổi thái độ mặc cảm đối với các DN và doanh nhân thuộc khu vực KTTN.
Còn theo ThS. Lưu Huyền Trang - Khoa Kinh tế, Học viện Tài chính, Nhà nước cần có chính sách khẳng định rõ các DN tư nhân trong nước sẽ là trụ cột của nền kinh tế quốc dân và năng lực cạnh tranh quốc gia. Ngoài ra, cần có các biện pháp thích hợp để phát huy tiềm năng của hộ kinh doanh như: khuyến khích hộ kinh doanh đăng ký thành lập DN; cải cách các quy định pháp luật nhằm xây dựng khuôn khổ pháp lý phù hợp nhất để hộ kinh doanh có thể chuyển đổi thành DN.
Một vấn đề quan trọng nữa hiện nay là chính sách phát triển DN cần ưu tiên vào việc nâng cao trình độ công nghệ. Các DN tư nhân cần được hỗ trợ để đảm bảo việc ứng dụng công nghệ và kiến thức sẽ dẫn đến năng suất cao hơn, tăng trưởng mạnh mẽ hơn.
THÙY LÊ