“Tháo khoán” cho các ngân hàng giải ngân nhanh, giá vàng tăng nhiệt

(BKTO) - Sự kiện tiền tệ đáng chú ý tuần qua là động thái “tháo khoán” của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho những ngân hàng có tăng trưởng tín dụng tốt để điều tiết tối ưu tín dụng cho nền kinh tế. Trong khi đó, giá vàng cũng là một tâm điểm đáng chú với sức nóng tiếp tục gia tăng.

"Tháo khoán" hạn mức tín dụng

Tuần qua, NHNN đã điều chỉnh việc phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng thương mại. Theo đó, NHNN cho phép các tổ chức tín dụng (TCTD) có dư nợ tín dụng đến nay đạt đến 80% chỉ tiêu tín dụng đã được chủ động bổ sung hạn mức tăng thêm dựa trên cơ sở xếp hạng năm 2022, đồng thời ưu tiên thêm cho những TCTD tập trung tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ và hạ lãi suất cho vay xuống mức thấp trong thời gian vừa qua. Việc bổ sung hạn mức này là sự chủ động của NHNN mà các TCTD không cần thiết phải đề nghị hoặc xin bổ sung.

Đồng thời, NHNN tiếp tục điều hành để tăng trưởng tín dụng trong năm 2023 không vượt quá chỉ tiêu đã xác định, song vẫn đảm bảo dư địa tăng trưởng đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng của nền kinh tế.

NHNN cũng yêu cầu các TCTD cấp tín dụng an toàn, lành mạnh, hỗ trợ doanh nghiệp, đảm bảo tăng trưởng tín dụng phù hợp với năng lực quản lý rủi ro, khả năng huy động vốn, cũng như cân đối đủ nguồn vốn để cấp tín dụng. Các ngân hàng phải tiếp tục duy trì ổn định mặt bằng lãi suất huy động và tích cực giảm lãi suất cho vay, hướng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của người dân, doanh nghiệp.

“Tháo khoán” cho các ngân hàng giải ngân nhanh, giá vàng tăng nhiệt
Việc điều tiết tín dụng được thực hiện linh hoạt hơn. Ảnh: T.L
Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng chấp hành nghiêm quy định về hoạt động đại lý bảo hiểm.

VNBA nói về vai trò phối hợp các hiệp hội ngành nghề

Tuần qua, lãnh đạo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cũng có các nội dung trao đổi cho biết, các tổ chức ngành nghề cần có sự phối hợp tốt hơn để hỗ trợ nhau cùng khắc phục khó khăn.

Theo VNBA, để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp nói chung - trong đó có các doanh nghiệp bất động sản - ngoài các giải pháp mà Chính phủ cùng các bộ, ngành đã và đang triển khai, thì các doanh nghiệp luôn phải tự chủ trong kinh doanh, lường trước mọi rủi ro có thể xảy đến.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thứ ký VNBA - cho biết, cần phát huy vai trò các hiệp hội ngành nghề để khi gặp khó khăn các tổ chức này sẽ thay mặt các doanh nghiệp làm việc với nhau để tìm cách tháo gỡ, tìm tiếng nói chung, đề xuất các giải pháp và kiến nghị lên các cơ quan quản lý.

Trường hợp không thể tháo gỡ được hoặc vượt thẩm quyền thì mới báo cáo Chính phủ, chứ không nên cứ gặp khó khăn là “kêu” lên Chính phủ.

“Nếu thực hiện được như trên sẽ phát huy được vai trò các hiệp hội ngành nghề, các tư lệnh ngành cùng vào cuộc và đưa ra quyết định trong thẩm quyền. Chính phủ được giảm tải trước khối lượng công việc quá nhiều như hiện nay” - ông Hùng nói.

Tỷ giá ổn định

Trong tuần qua, tỷ giá trung tâm do NHNN công bố diễn biến theo chiều hướng giảm trong khi diễn biến tỷ giá niêm yết của Vietcombank tăng. Tuy nhiên, mức biến động chung của tỷ giá trung tâm và của ngân hàng thương mại đều không lớn.

Tỷ giá trung tâm hôm đầu tuần ghi nhận ở mức 23.947 đồng/USD, nhưng đi vào xu hướng giảm trong các phiên sau đó, chốt phiên thứ sáu cuối tuần ở mức 23.923 đồng/USD.

Tại Vietcombank, tỷ giá bán ra hôm đầu tuần là 24.415 đồng/USD, các phiên tiếp sau có diễn biến tăng nhẹ và cuối tuần ghi nhận mức 24.450 đồng/USD, tăng 35 đồng mỗi USD so với phiên đầu tuần.

Tháng 11 tiếp tục xuất siêu
Theo Tổng cục Thống kê, cán cân thương mại hàng hóa tháng 11/2023 xuất siêu 1,28 tỷ USD. Tính chung 11 tháng năm 2023, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 25,83 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 10,3 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 19,99 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 45,82 tỷ USD.

Trong tuần qua, Tổng cục Thống kê cũng công bố các số liệu kinh tế vĩ mô tháng 11 cho biết, chỉ số giá USD tháng 11/2023 tăng 0,05% so với tháng trước; tăng 1,61% so với tháng 12/2022; giảm 1,03% so với cùng kỳ năm trước.

Hiện nay, các diễn biến kinh tế trong và ngoài nước đều có xu hướng có lợi có thẻ giá. Chỉ số DXY đo lường sức mạnh của đồng USD vẫn ở mức thấp chỉ khoảng hơn 103 điểm, trong khi diễn biến hoạt động động thương mại của Việt Nam tiếp tục xuất siêu đang hỗ trợ làm tăng nguồn cung USD trong nước.

Ngoài ra, theo đánh giá của TS. Châu Đình Linh - Giảng viên Đại học Ngân hàng TP.Hồ Chí Minh, giai đoạn từ nay đến Tết thì nguồn cung ngoại tệ còn sẽ được bổ sung từ nguồn kiều hối.

“Tháo khoán” cho các ngân hàng giải ngân nhanh, giá vàng tăng nhiệt
Giá vàng thế giới và trong nước đều tăng mạnh trong tuần qua. Ảnh: T.L

Giá vàng kỷ lục

Tuần qua ghi nhận kỷ lục mới giá vàng khi vàng SJC 9999 bán ra đã vượt qua mốc lịch sử 74 triệu đồng/lượng. Vàng thời điểm cuối tuần, giá vàng đã đảo chiều giảm, nhưng vẫn ở mặt bằng giá khá cao. Cụ thể, giá vàng SJC 9999 hôm 01/12 ghi nhận giao dịch ở mức 72,3 triệu đồng/lượng mua vào và 73,5 triệu đồng/lượng bán ra.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia kinh tế, vàng hiện đang là một kênh trú ẩn an toàn và hấp dẫn tại thời điểm này. Tuy nhiên, các nhà đầu tư cũng cần hết sức cẩn trọng, do giá vàng có thể biến động nhanh chóng trong thời gian ngắn. Giai đoạn này, các nhà đầu tư phải theo dõi diễn biến thị trường vàng liên tục.

Giá vàng tăng một phần do diễn biến lãi suất trong nước giảm mạnh thời gian qua, hiện lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng tại một số ngân hàng thậm chí đã giảm xuống dưới 5%/năm, thấp hơn cả mức lãi suất giai đoạn trước dịch Covid-19. Trong khi đó, giá vàng thế giới cũng bước vào giai đoạn thăng hoa tăng mạnh cũng là yếu tố gây ảnh hưởng đến giá vàng trong nước tuần qua.

Chiều ngày 01/12 theo giờ Việt Nam, vàng thế giới vẫn tiếp tục đang giao dịch ở mặt bằng giá khá cao với khoảng 2.041 USD/ounce.

Điều tiết để tổng mức tăng trưởng không vượt quá chỉ tiêu chung
Theo NHNN, đến ngày 22/11/2023, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống mới đạt 8,21%, thấp hơn so với chỉ tiêu định hướng đầu năm. Mức tăng trưởng tín dụng của hệ thống TCTD không đồng đều, nên NHNN thực hiện điều hòa chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong toàn hệ thống từ TCTD không sử dụng hết chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng sang các TCTD cần được tiếp tục mở rộng tăng trưởng tín dụng.


Cùng chuyên mục
“Tháo khoán” cho các ngân hàng giải ngân nhanh, giá vàng tăng nhiệt