Từ năm 2015, tỷ trọng của khu vực nhà nước trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội giảm liên tục xuống chưa đầy 36% năm 2017 và được bù đắp bởi tăng tỷ trọng của khu vực kinh tế ngoài nhà nước. Tỷ trọng của đầu tư công cao trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội (giá thực tế) biến động rất mạnh trong giai đoạn 1995-2012 với mức thấp nhất là 1/3 vào năm 2008 do thắt chặt chính sách tài khoá để chống lạm phát và mức cao nhất tới 50-60% suốt những năm 1996-2005 nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế vượt qua khủng hoảng tài chính khu vực năm 1997-1998 rồi lại tiến về ngưỡng 1/3 do khó khăn trong bố trí nguồn vốn đầu tư.
Từ năm 2007, đầu tư công tương đối ổn định ở mức trên dưới 40% tổng vốn đầu tư toàn xã hội bất chấp chủ trương thắt chặt chi tiêu công kiềm chế lạm phát năm 2010-2011 và cả năm 2012-2014 hay tăng trưởng cao năm 2007. Quy mô đầu tư công tăng chậm hẳn lại trong giai đoạn 2012-2014. Quy mô đầu tư công liên tục tăng cao ở cả 3 bộ phận cấu thành đầu tư công. So với GDP (giá thực tế), đầu tư công bắt đầu tăng vọt từ năm 1996 lên đến đỉnh cao trên dưới 20% GDP giai đoạn 1999-2006 rồi giảm xuống dưới 18% GDP từ năm 2007. Đặc biệt, trùng với 2 năm 2008 và 2011 có lạm phát cao gần 20% thì tỷ trọng đầu tư công đột ngột giảm xuống mức thấp tương đương năm 1995 là dưới 14% GDP theo giá thực tế. Do khó khăn về kinh tế và NSNN nên quy mô đầu tư công năm 2013 rơi xuống mức thấp kỷ lục dưới 11% GDP trước khi phục hồi lên mức 12,36% GDP năm 2014 rồi lại giảm dần xuống còn chưa đầy 12% GDP năm 2017.
Trong suốt giai đoạn 1995-2012, tỷ trọng vốn đầu tư từ NSNN trong tổng vốn đầu tư công liên tục chiếm tỷ trọng lớn nhất với trên 40%. Đặc biệt, những năm 2005-2009 và 2011-2012, tỷ trọng vốn đầu tư từ NSNN chiếm tới trên 50%, thậm chí trên 60% tổng vốn đầu tư công chứng tỏ nỗ lực rất lớn trong tăng đầu tư công nói chung và đầu tư từ NSNN nói riêng. Đầu tư công còn trông cậy vào vốn vay tới trên dưới 30% giai đoạn 1998-2003 và đột ngột lên đến kỷ lục 36,6% năm 2010 và tới 42,5% năm 2014 rồi về 35-36% những năm 2016-2017, trong khi tỷ trọng vốn đầu tư của DNNN lại có xu hướng giảm liên tục suốt thời kỳ 1995-2005 trước khi đột ngột tăng vọt lên trên 30% vào năm 2006-2007 rồi lại giảm xuống mức dưới 20% kể từ năm 2010, thậm chí xuống gần 10% năm 2012 và xuống dưới 16% năm 2016-2017.
Để duy trì tỷ lệ đầu tư cao từ NSNN trong đầu tư công, Việt Nam thường xuyên dành khoảng 25% tổng chi NSNN cho đầu tư phát triển và khoảng 15% cho trả nợ trong khi chi thường xuyên duy trì khoảng 60% tổng chi cân đối NSNN. Tuy nhiên, tỷ trọng chi đầu tư phát triển trong tổng chi NSNN đã giảm mạnh xuống dưới 20% từ năm 2004 và xuống dưới 10% từ năm 2010 (thấp nhất là năm 2016 chỉ còn 7,2%) do phải ưu tiên chi thường xuyên và chi trả nợ.
Muốn cân đối NSNN, giảm thâm hụt NSNN và giảm nợ công thì không thể tiếp tục tăng thu NSNN mà chỉ có thể giảm chi NSNN, nhất là giảm chi đầu tư phát triển từ nguồn NSNN và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng của Nhà nước. Hơn nữa, kỷ luật chi NSNN cần được củng cố để chấm dứt tình trạng chi vượt quá cao so với dự toán trong khi dự toán NSNN đã có khoản chi dự phòng và dự trữ tài chính. Thời gian tới, cần tập trung khắc phục nhược điểm lớn nhất của chi NSNN hiện nay là chi vượt dự toán phổ biến và trầm trọng, chi NSNN một cách dàn trải, ôm đồm, lãng phí, quá nhiều đối tượng thụ hưởng trong khi định mức chi không hợp lý. Từ đó, cần có giải pháp khắc phục triệt để tình trạng này trong thời gian tới như: siết chặt kỷ luật chi NSNN, thực hiện kỷ luật “thép” trong quản lý chi NSNN theo đúng dự toán chứ không chỉ đơn thuần là tăng cường hay giữ vững đi đôi với biện pháp xử lý trường hợp chi vượt dự toán, hoặc kiên quyết cắt giảm một số đối tượng thụ hưởng NSNN không cần thiết, không hợp lý để chuyển sang sử dụng các nguồn lực tài chính khác ngoài NSNN.
TS. VŨ ĐÌNH ÁNH - Chuyên gia Kinh tế