Thành công nhờ bản lĩnh và trí tuệ



Năm 2018 - Kinh tế cả nướcthành công toàn diệnvà đỉnh cao

Năm 2018 là năm thứ hai liên tiếp Việt Nam đạt nhiều kỷ lục và thành công toàn diện: Cả nước đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức toàn bộ 12 chỉ tiêu cơ bản kế hoạch đề ra, với GDP tăng 7,08% (mức tăng cao nhất kể từ năm 2011 trở về đây, vượt qua mọi dự báo lạc quan nhất; với khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,76%; công nghiệp và xây dựng tăng 8,85%; dịch vụ tăng 7,03%); bình quân đầu người lên khoảng 2.580 USD/người, tăng thêm gần 200 USD so với năm 2017. Lạm phát được kiểm soát; chỉ số giá tiêu dùng duy trì ở mức 3,54%. Các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm; bội chi ngân sách ở mức thấp 3,67% GDP; nợ công có xu hướng giảm. Thị trường tiền tệ ổn định; cán cân thanh toán quốc tế tiếp tục được cải thiện.

Xuất khẩu hàng hóa đạt 245 tỷ USD, tăng 13,8% so với năm 2017; xuất siêu hàng hóa (7,2 tỷ USD); dự trữ ngoại hối trên 60 tỷ USD; thu hút hơn 15,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế; giá trị IPO trên thị trường chứng khoán Việt Nam đứng đầu Đông Nam Á, vượt cả thị trường Singapo… Lãi suất và mức tín dụng phù hợp thị trường; nợ xấu và nợ công tiếp tục giảm tỷ trọng; giá trị đồng tiền ổn định và niềm tin chính sách, niềm tin thị trường được giữ vững; vị thế và uy tín quốc tế được nâng cao. Việt Nam đã ký, thông qua Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và lần đầu tiên được bầu là thành viên Ủy ban Luật Thương mại quốc tế của Liên Hợp Quốc. Hiện đã có 71 nước công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Cả nước đã có gần 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, vượt tiến độ đề ra. Thiệt hại từ thiên tai cả năm cũng giảm 50% so với năm trước… Ngoài ra, thành công trong các giải bóng đá khu vực, cùng những vị trí cao nhất từ trước đến nay mà Việt Nam có được trong các giải thi hoa hậu khu vực và quốc tế, đang làm nức lòng người hâm mộ trong nước và quốc tế.

Chất lượng tăng trưởng được cải thiện, kinh tế tư nhân đóng vai trò tích cực trong đầu tư xã hội: Năm 2018, tốc độ tăng năng suất lao động tiếp tục được cải thiện, đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GDP đạt 43,5%, bình quân 3 năm 2016-2018 đạt 43,29%, cao hơn nhiều so với mức bình quân 33,58% của giai đoạn 2011-2015. Năng suất lao động của toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2018 ước tính đạt 102 triệu đồng/lao động (tương đương 4.512 USD/lao động, tăng 346 USD so với năm 2017). Chỉ số hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (hệ số ICOR) giảm từ mức 6,42 năm 2016 xuống 6,11 năm 2017 và 5,97 năm 2018, bình quân giai đoạn 2016-2018 hệ số ICOR ở mức 6,17, thấp hơn so với hệ số 6,25 của giai đoạn 2011-2015.

Hơn nữa, chất lượng tăng trưởng kinh tế được cải thiện còn thể hiện rõ nét ở các chỉ số vĩ mô tích cực, động lực tăng trưởng bền vững được củng cố, như: Tốc độ tăng trưởng kinh tế cao kỷ lục, nhưng tăng trưởng tín dụng chỉ đạt dưới 14% so với 17 - 18% của các năm trước; công nghiệp khai khoáng giảm gần 4%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng lên trên 12%. Dự trữ ngoại hối tăng mạnh; thu NSNN tăng và nợ công, nợ xấu giảm sâu về tỷ trọng; giá vàng trong nước biến động theo giá vàng thế giới. Chỉ số giá đô la Mỹ bình quân năm 2018 tăng 1,29% so với năm 2017.

Đặc biệt, khu vực kinh tế tư nhân ngày càng trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế, với đầu tư khu vực tư nhân tăng 18,5% so với năm trước, chiếm tới 43,3% tổng đầu tư xã hội (tính theo giá hiện hành ước tính đạt hơn 1,85 triệu tỷ đồng, tăng 11,2% so với năm trước và bằng 33,5% GDP). Tăng trưởng xuất khẩu của khu vực trong nước đạt 17%, cao hơn mức 14% của khu vực FDI. Năm 2018, cả nước có 131.275 DN đăng ký thành lập mới và tăng 14,1% về số vốn đăng ký so với năm 2017; có 34.010 DN quay trở lại hoạt động, tăng 28,6% so với năm trước. Cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam đang trở nên tinh hơn và ngày càng đa dạng hóa; Việt Nam hiện có 36 mặt hàng chủ lực có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD. Bên cạnh đó, FDI thực hiện đạt 19,1 tỷ USD, tăng 9,1% so với năm 2017; Nhật Bản là nhà đầu tư lớn nhất chiếm 36,7% tổng vốn đăng ký cấp mới.

Chất lượng tăng trưởng còn thể hiện qua tổng đầu tư trực tiếp của Việt Nam ra nước ngoài trong năm 2018 đạt 432,2 triệu USD. Lào là nước dẫn đầu 38 quốc gia, vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam, chiếm 18,9%.

Môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện: Ngoài Chỉ số đổi mới sáng tạo tiếp tục tăng 2 bậc so với năm trước, trong Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF ASEAN) 2018, diễn ra ngày 12/9/2018, Việt Nam đã được Viện Nghiên cứu toàn cầu McKinsey xếp vào nhóm 18 nước “đạt hiệu quả vượt trội hơn” trong tổng số 71 nền kinh tế mới nổi toàn cầu (với một trong các tiêu chí là nước có số lượng DN quy mô lớn nhiều gần gấp đôi so với các quốc gia đang phát triển khác).

Theo Báo cáo Môi trường kinh doanh (Doing Business 2019) vừa được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố, Việt Nam đạt 68,36 điểm, cao hơn 1,59 điểm trong Doing Business 2018 (66,77 điểm) và có 6/10 chỉ số môi trường đầu tư được cải thiện, đồng thời đứng đầu Đông Nam Á vì thực hiện 18 cải cách trong 5 năm qua. Năm 2018, các Bộ, ngành đã cắt giảm 6.776/9.956 thủ tục hành chính liên quan đến kiểm tra chuyên ngành và cắt giảm 3.346/6.191 điều kiện kinh doanh. Qua đó, giảm hơn 17,5 triệu ngày công, tiết kiệm hơn 6.279 tỷ đồng chi phí tuân thủ cho DN. Việt Nam đã có 71 đối tác công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường.

An sinh xã hội được quan tâm, thị trường xuất khẩu lao động mở rộng: Tỷ lệ hộ nghèo, người nghèo và thất nghiệp trong xã hội đều giảm... Tính chung năm 2018, tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi ước tính là 1,46%; tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức ngoài hộ nông, lâm nghiệp, thủy sản ước tính là 56,3%. Hơn 140.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2018, tăng 7% so với năm 2017. Tỷ lệ hộ nghèo theo tiếp cận đa chiều năm 2018 ước tính 6,8%, giảm 1,1 điểm phần trăm so với năm 2017. Cả nước có 105.000 lượt hộ thiếu đói, giảm 42,1%; gần 23,6 triệu thẻ bảo hiểm y tế, sổ/thẻ khám, chữa bệnh miễn phí được phát tặng cho các đối tượng chính sách trên địa bàn cả nước.

Bước tiến đối ngoại mớicủa Kiểm toán Nhà nước

Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước về công tác năm 2018, năm 2018, KTNN thực hiện 232 cuộc tổng hợp kết quả kiến nghị xử lý tài chính đến ngày 31/12/2018 là 89.600 tỷ đồng (trong đó, thu về NSNN 20.518 tỷ đồng, giảm chi NSNN 23.948 tỷ đồng, kiến nghị xử lý khác 45.134 tỷ đồng), trong đó tăng thu, giảm chi NSNN (44.466 tỷ đồng) tăng 18,39% so với năm 2017 (37.556 tỷ đồng). Đồng thời, qua kiểm toán đã kiến nghị sửa đổi, hủy bỏ 115 văn bản pháp luật (2 luật, 4 nghị định; 15 thông tư; 15 nghị quyết; 28 quyết định; 51 văn bản khác) nhằm bịt lỗ hổng về cơ chế, tổ chức thực hiện quy định của Nhà nước tránh thất thoát, lãng phí; kiến nghị xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với hàng chục tập thể và cá nhân. Trong đó, có nhiều kiến nghị quan trọng nhằm chấn chỉnh những thiếu sót, bất cập trong: quản lý hoàn thuế GTGT, thuế xuất khẩu; công tác quản lý tài nguyên, khoáng sản; thực hiện hợp đồng BT, BOT; cơ chế quản lý, hoạt động của các khu kinh tế, khu công nghệ cao; việc quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA;...

Đặc biệt, Đại hội Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á lần thứ 14 (Đại hội ASOSAI 14) diễn ra từ ngày 19 - 22/9/2018 tại Hà Nội là một sự kiện quốc tế cấp cao có quy mô lớn nhất của ASOSAI, với sự tham gia của 46 quốc gia. Kể từ năm 1997 trở thành thành viên của ASOSAI, đây là lần đầu tiên KTNN Việt Nam được tín nhiệm đăng cai tổ chức Đại hội ASOSAI 14 năm 2018. Tổ chức thành công Đại hội ASOSAI 14 là minh chứng khẳng định mạnh mẽ sự trưởng thành trong công tác đối ngoại của KTNN từ sau khi đảm nhận vai trò thành viên Ban Điều hành ASOSAI 12. Đồng thời, cũng đồng nghĩa với việc KTNN trở thành Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021 và là thành viên Ban Điều hành ASOSAI trong 3 nhiệm kỳ liên tiếp từ năm 2015-2024. Điều này thể hiện sự tín nhiệm cao của cộng đồng quốc tế đối với KTNN, khẳng định tầm nhìn chiến lược về hội nhập và hợp tác quốc tế của KTNN đến năm 2020 và là vinh dự, trách nhiệm lớn lao đối với KTNN trong phát triển và nâng cao vai trò của các cơ quan kiểm toán tối cao nhằm minh bạch hóa nền tài chính quốc gia; nâng cao vị thế, hình ảnh, uy tín của KTNN và đất nước Việt Nam trên trường quốc tế.

Với bản lĩnh và trí tuệ của một cơ quan do Quốc hội bầu và chỉ tuân thủ theo pháp luật, qua thực tiễn hoạt động, KTNN ngày càng khẳng định mình và đã cung cấp những thông tin kịp thời, có độ tin cậy và tính thuyết phục cao cho Nhà nước về thực trạng cơ chế và thể chế quản lý. Qua đó, đóng góp tích cực vào công việc thẩm tra quyết toán ngân sách hằng năm; từng bước đi sâu giải quyết những vấn đề đặt ra trong công tác quản lý của Nhà nước, góp phần tăng thu cho ngân sách và giảm được các khoản chi tiêu bất hợp lý; đồng thời, năm 2018 là năm bước ngoặt khẳng định mình của KTNN trên hành trình không ngừng củng cố vị thế và uy tín trong quá trình phát triển của tổ chức, nâng cao năng lực của các cơ quan kiểm toán tối cao thành viên trong cộng đồng ASOSAI; góp phần tăng cường tình hữu nghị, sự hiểu biết lẫn nhau giữa Việt Nam với các quốc gia trong khu vực...

TS. NGUYỄN MINH PHONG
Theo Báo Kiểm toán số Xuân 2019
Cùng chuyên mục
Thành công nhờ bản lĩnh và trí tuệ