Tỷ lệ nội địa hoá thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra
Số liệu của Cục Công nghiệp - Bộ Công Thương cho thấy, cả nước hiện có 377 doanh nghiệp ô tô, trong đó có 169 doanh nghiệp FDI, chiếm tỷ lệ 46,43%. Số lượng nhà sản xuất, cung ứng trong nước cho ngành công nghiệp ô tô còn khá khiêm tốn. Tổng số sản phẩm trong ngành này là 1.221, trong đó đa số là sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, hàm lượng công nghệ trung bình và thấp, có giá trị nhỏ trong cơ cấu giá trị của một chiếc ô tô.
Về tỷ lệ nội địa hóa, Bộ Công Thương cũng cho biết, tỷ lệ nội địa hoá đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi còn thấp. Mục tiêu đề ra là 30 - 40% vào năm 2020, 40 - 45% vào năm 2025 và 50 - 55% vào năm 2030. Nhưng con số thực tế hiện nay mới đạt bình quân khoảng 7-10%. Cụ thể, theo thông tin được cung cấp từ doanh nghiệp, hiện có Thaco đạt khoảng 15-18%, Toyota Việt Nam đạt 37% đối với riêng dòng xe Innova. Con số này thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu đề ra và so với các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Indonesia và Malaysia.
Bên cạnh tỷ lệ nội địa hóa thấp, ô tô trong nước còn chịu chi phí sản xuất lắp ráp cao hơn các nước trong khu vực. Cụ thể, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho biết, nguyên nhân do linh kiện sản xuất trong nước còn ít khiến cho chi phí sản xuất lắp ráp xe tại Việt Nam cao hơn từ 10 - 20%, đẩy giá bán xe lắp ráp trong nước cao hơn khoảng 20% so với các nước trong khu vực.
Về phụ tùng, linh kiện, hiện Việt Nam mới chủ yếu là các phụ tùng với công nghệ giản đơn, như ghế ngồi, kính, săm lốp, bánh xe… Những linh kiện quan trọng, có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao như hệ thống phanh, ly hợp, hộp số, hệ thống lái... vẫn phải nhập khẩu hoàn toàn.
Cục Công nghiệp cũng nhận định, hiện tỷ lệ sở hữu ôtô của Việt Nam ở mức 23 chiếc/1.000 người dân, chỉ bằng 1/10 của Thái Lan và 1/20 của Malaysia. Tuy nhiên, thị trường ô tô Việt Nam lại có tốc độ tăng trưởng xếp thứ hai Đông Nam Á. Chính vì thế, ngành công nghiệp ôtô tại Việt Nam được nhận định vẫn còn rất nhiều dư địa, tiềm năng để phát triển.
Nhiều kỳ vọng vào Chiến lược phát triển ngành ô tô Việt Nam đến năm 2030
Với dự báo nhu cầu ô tô của nước ta, năm 2025 theo phương án trung bình khoảng 800 - 900 nghìn xe và năm 2030 khoảng 1,5 - 1,8 triệu xe, nếu không phát triển ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, toàn bộ thị trường xe con là xe nhập khẩu; xe khách và xe tải nhập khẩu 50%, 50% sản xuất trong nước với tỷ lệ nội địa hóa 50%, thì kim ngạch nhập khẩu năm 2025 dự kiến khoảng 12 tỷ USD và năm 2030 là 21 tỷ USD.
Như vậy, nếu không sớm có giải pháp, chính sách hỗ trợ ngành sản xuất, lắp ráp ô tô và công nghiệp cơ khí và công nghiệp hỗ trợ ô tô trong nước phát triển thì nước ta sẽ trở thành thị trường tiêu thụ ô tô cho các hãng FDI tại Việt Nam.
Để làm được điều này, các doanh nghiệp cần liên kết, hỗ trợ lẫn nhau, tiến tới xây dựng một mạng lưới sản xuất, cung ứng sản phẩm trên phạm vi toàn quốc và xuất khẩu.
Ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp cho biết, trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã có nhiều giải pháp thực hiện quản lý, phát triển cụm công nghiệp theo Nghị định số 68/2017/NĐ-CP của Chính phủ, trong đó nhấn mạnh vai trò của các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giữa các doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Tiềm năng của ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam đã được bạn bè quốc tế nhìn nhận. Các chính sách hỗ trợ của Chính phủ ngày càng sát sườn hơn với doanh nghiệp. Đó là những lý do một số hãng xe lớn trên thế giới gần đây có xu hướng chuyển dịch từ nhập khẩu nguyên chiếc sang lắp ráp ôtô tại Việt Nam.
Cũng theo đại diện Cục Công nghiệp, sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp đầu chuỗi như Thaco, Vinfast có vai trò quan trọng giúp thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô phát triển. Bởi lẽ, đây là cơ hội để các đơn vị cung ứng linh kiện thứ cấp có điều kiện giao lưu, nghiên cứu, nâng cao tay nghề, chất lượng sản phẩm.
Bên cạnh sự hỗ trợ của các doanh nghiệp đầu tàu, ngành công nghiệp ô tô cũng cần những chính sách đủ mạnh để giải quyết các vấn đề như chi phí đầu tư lớn trong khi sản lượng nhỏ và chưa có công nghiệp vật liệu chất lượng cao… để nhanh chóng thu hẹp khoảng cách chi phí, mở rộng được mạng lưới linh kiện nội địa, thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ trong tương lai.
Kỳ vọng vào Chiến lược phát triển ngành ô tô Việt Nam đến năm 2030
Một tín hiệu tích cực nữa đến từ Bộ Công Thương cho ngành công nghiệp ô tô trong năm 2024 được Bộ này cho biết, sẽ sớm xây dựng và ban hành Chiến lược phát triển ngành ô tô Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Chiến lược này thay thế Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 được phê duyệt tại Quyết định số 1168/QĐ-TTg ngày 16/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ trước đó với nhiều điểm mới.
Cụ thể, Chiến lược phát triển ngành ô tô Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 sẽ cập nhật, đề xuất xu hướng, lộ trình phát triển các dòng xe thế hệ mới, xe thân thiện với môi trường, góp phần thực hiện mục tiêu giảm phát thải CO2 theo cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26, hướng tới mục tiêu sản xuất để vươn ra thị trường xuất khẩu.
Năm 2024 dự báo sẽ tiếp tục là một năm khó khăn của ngành ô tô trong nước. Chính vì thế, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho ngành (như về lệ phí trước bạ, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu linh phụ kiện phục vụ sản xuất lắp ráp ô tô trong nước…) để duy trì hoạt động của các doanh nghiệp ô tô nội địa trong trường hợp sản lượng tiêu thụ của ngành ô tô tiếp tục giảm.
Tiếp tục hỗ trợ các địa phương tìm kiếm, thu hút đầu tư FDI các Tập đoàn sản xuất ô tô và linh kiện ô tô lớn trên thế giới. Thu hút đầu tư các nhà sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh và các nhà cung cấp cụm linh kiện, linh kiện lớn trong ngành ô tô trên thế giới, đặc biệt là các doanh nghiệp đa quốc gia đầu tư vào Việt Nam với mục tiêu phục vụ thị trường trong nước và thị trường ASEAN hơn là định hướng xuất khẩu, phục vụ thị trường toàn cầu. Có các chính sách ưu đãi, hỗ trợ cụ thể để khuyến khích các doanh nghiệp chế xuất lớn bán hàng vào nội địa, tìm kiếm cơ hội tại thị trường trong nước và phát triển chuỗi cung ứng ngành ô tô tại Việt Nam.
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương cũng sẽ phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về ưu đãi, hỗ trợ cho các dòng xe ô tô điện theo nguyên tắc áp dụng các mức ưu đãi khác nhau cho mỗi dòng xe điện hóa trên cơ sở mức phát thải CO2 ra môi trường.
Ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn trong ngành ô tô - đặc biệt là ô tô điện và linh kiện, phụ tùng cùng hệ thống hạ tầng cho ngành ô tô điện như trạm sạc, cổng sạc…
Mặt khác, thúc đẩy các dự án lớn về công nghiệp vật liệu, đặc biệt là các dự án sản xuất thép cán nóng, thép chế tạo... của các nhà đầu tư trong nước để bảo đảm nguồn vật liệu đầu vào cho công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô. Thu hút đầu tư vào các phân ngành chế tạo cơ bản (tạo phôi, gia công áp lực, gia công chính xác, nhiệt luyện, xử lý bề mặt và sản xuất khuôn mẫu). Đẩy mạnh việc hợp tác với các ngành công nghiệp vật liệu đầu vào cho sản xuất linh kiện, phụ tùng ngành ô tô./.