Thép Việt lấy lại đà tăng trưởng, vươn tầm thế giới

(BKTO) - Thép Việt Nam khẳng định vị thế Top 12 thế giới về sản xuất thép thô. Bên cạnh đó, 4 tháng đầu năm, xuất khẩu thép cũng tăng trưởng tích cực.

Thép Việt vào Top 12 thế giới về sản xuất thép thô

Tại Hội nghị và Triển lãm Thép Đông Nam Á 2024 (SEAISI Conference &Exhibition 2024) diễn ra từ ngày 13-16/5/2024 tại Đà Nẵng, Việt Nam đã chính thức “ghi danh” vào bản đồ thép thế giới khi ghi nhận con số đứng thứ 12 thế giới về sản xuất thép thô.

Ông Trần Chí Cường- Phó chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng - cho hay, từ năm 2015 đến nay, ngành thép đã có bước phát triển và trở thành một trong những nhà sản xuất hàng đầu ASEAN về sản xuất và tiêu thụ thép thành phẩm, đứng thứ 12 thế giới về sản xuất thép thô năm 2023 với sản lượng đạt 20 triệu tấn.

Phát triển ngành công nghiệp thép Đông Nam Á nói chung và ngành thép Việt Nam nói riêng hướng tới chiến lược tăng trưởng xanh có ý nghĩa rất quan trọng trong thực hiện các định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và chỉ đạo của Chính phủ nhằm thực hiện các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu - COP26.

Những năm gần đây, tuy khó khăn nhưng ngành thép Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc, khẳng định vị thế của mình trên bản đồ thép thế giới. Trước năm 2000, ngành thép Việt Nam còn nhỏ lẻ và lạc hậu. Các doanh nghiệp như Gang thép Thái Nguyên ở miền Bắc và Công ty Thép miền Nam là những đơn vị chủ lực, nhưng công nghệ và quy mô sản xuất còn hạn chế. Tổng sản lượng thép thô chỉ đạt khoảng 100.000 tấn mỗi năm, chủ yếu phục vụ nhu cầu trong nước.

thep-xay-dung.jpg
Việt Nam đã chính thức “ghi danh” vào bản đồ thép thế giới khi ghi nhận con số đứng thứ 12 thế giới về sản xuất thép thô. Ảnh: Nguyễn Duyên 

Bước vào những năm 2000, sự xuất hiện của các doanh nghiệp tư nhân như Thép Hòa Phát, Thép Hoa Sen, Thép Việt Đức và các liên doanh với Tổng Công ty Thép Việt Nam (Vinakyoei, SSSC, Vinausteel, v.v.) nhanh chóng tạo nên sự thay đổi đáng kể trong cơ cấu ngành thép. Các doanh nghiệp này đã cải thiện đáng kể năng lực sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và đa dạng hóa các loại hình sản phẩm thép trên thị trường. Khi đó, Việt Nam sản xuất được 0,5 triệu tấn thép thô và 2 triệu tấn sản phẩm thép mỗi năm.

Giai đoạn từ 2011 đến 2020 là thời kỳ bùng nổ của ngành thép Việt Nam. Những doanh nghiệp lớn như Thép Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh đã đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ và mở rộng quy mô sản xuất. Tại thời điểm đó, các dự án lớn của Tập đoàn Hòa Phát có công suất hiện tại 8,5 triệu tấn thép thô/năm và nhà máy Formosa Hà Tĩnh công suất 7,5 triệu tấn/ năm góp phần vào việc tăng sản lượng thép thô của Việt Nam.

Đến năm 2020, sản lượng thép thô của Việt Nam đạt 19,9 triệu tấn, giúp Việt Nam vươn lên vị trí thứ 14 trên thế giới và đứng đầu ASEAN về tiêu thụ thép thành phẩm với 23,3 triệu tấn.

Năm 2023, Việt Nam vươn lên vị trí thứ 12 thế giới về sản xuất thép thô với sản lượng đạt 20 triệu tấn. Các doanh nghiệp thép tiếp tục đầu tư vào công nghệ hiện đại, nâng cao chất lượng sản phẩm và mở rộng thị trường xuất khẩu. Việc duy trì tốc độ tăng trưởng sản lượng từ 10-15% mỗi năm trong giai đoạn này đã chứng tỏ sự vững mạnh và tiềm năng phát triển của ngành thép Việt Nam.

Thép Việt ngày càng lấy lại “phong độ”

Từ đầu năm 2024 đến nay, ngành thép từ đầu năm 2024 đến nay ghi nhận tín hiệu khả quan với các đơn hàng xuất khẩu sang EU tăng trưởng mạnh.

Cụ thể, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong năm 2023, thị trường 27 nước thành viên EU đã chi gần 1,9 tỷ USD để nhập thép từ các nhà cung ứng Việt Nam. Con số này tăng 86,2% về lượng và 29,0% về trị giá, là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của thép Việt, sau ASEAN.

Theo Báo cáo Xuất nhập khẩu 2023, kim ngạch xuất khẩu thép năm 2023 đạt 11,1 triệu tấn, trị giá 8,35 tỷ USD, tăng 32,6% về lượng và 4,5% về trị giá so với năm 2022.

Theo số liệu của Bộ Công Thương, đơn hàng xuất khẩu thép từ đầu năm 2024 đến nay duy trì đà phục hồi tốt. 4 tháng đầu năm, xuất khẩu thép thu về hơn 3 tỷ USD với hơn 4 triệu tấn, tăng 25,8% về lượng và tăng 20,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.

Một trong những “ông lớn” ngành thép là Hòa Phát cũng đang có dấu hiệu phục hồi tốt. Năm 2024, Hòa Phát đặt mục tiêu đạt doanh thu 140.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 10.000 tỷ đồng. Như vậy, hết quý I, công ty đã thực hiện được 22% kế hoạch doanh thu và 28,7% chỉ tiêu lợi nhuận.

thep-hoa-phat.jpg
"Ông lớn" trong ngành thé - Hòa Phát đặt mục tiêu doanh thu 140.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 10.000 tỷ đồng năm 2024. Ảnh: Thép Hòa Phát 

Chỉ riêng trong quý I/2024, Hòa Phát đã sản xuất 2,1 triệu tấn thép thô, tăng 70% so với cùng kỳ 2023. Sản lượng bán hàng thép xây dựng, phôi thép và HRC đạt 1,85 triệu tấn, tăng 34%.

Quý đầu năm, thép xây dựng, thép chất lượng cao của Hòa Phát đạt sản lượng 956.000 tấn, tăng 10%. Thép cuộn cán nóng đạt 805.000 tấn, tăng 67% so với 3 tháng đầu năm ngoái. Hòa Phát còn cung cấp trên 87.000 tấn phôi thép cho các nhà máy cán thép khác của Việt Nam và phục vụ xuất khẩu.

Đến cuối quý I/2024, Hòa Phát đã mạnh tay đầu tư 26.800 tỷ đồng cho dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 (Quảng Ngãi). Đến tháng 3/2024, dự án Dung Quất 2 đã đạt trên 50% toàn bộ các hạng mục chính.

Theo kế hoạch, giai đoạn 1 sẽ được hoạt động vào quý đầu năm 2025. Giai đoạn 2 hoàn thiện và hoạt động vào quý IV/2025. Dự kiến, khi Dung Quất 2 hoàn thành sẽ đưa Hòa Phát vào Top 30 doanh nghiệp thép lớn nhất thế giới.

Ông Nghiêm Xuân Đa - Chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam (VSA) - nhận định: Ngành thép Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc trong việc tự chủ sản xuất nhiều loại thép chất lượng cao, dần thay thế hàng nhập khẩu. Sự đa dạng trong chủng loại sản phẩm đã giúp ngành thép Việt Nam bổ sung đủ các dải sản phẩm còn thiếu, đáp ứng nhu cầu trong nước và cải thiện vị thế trong khu vực Đông Nam Á. Nhờ những nỗ lực này, ngành thép Việt Nam đã khẳng định vai trò ngày càng quan trọng trong ngành công nghiệp thép thế giới.

Các doanh nghiệp tư nhân trong ngành thép Việt Nam đã đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ hiện đại, nâng cao chất lượng sản phẩm thép. Nhờ đó, Việt Nam không chỉ tự chủ hơn trong sản xuất thép mà còn thay thế dần hàng nhập khẩu. Các sản phẩm như thép rút dây, thép cuộn cán nóng và thép dự ứng lực được sản xuất trong nước đã đáp ứng tốt nhu cầu nội địa và xuất khẩu.

Việc đầu tư vào các dự án thép quy mô lớn và hiện đại đã thúc đẩy năng lực sản xuất thép thô của Việt Nam, thu hút sự quan tâm từ các ngành trọng điểm như cơ khí, xây dựng và quốc phòng. Điều này không chỉ giúp ngành thép Việt Nam nâng cao vị thế trên thị trường quốc tế mà còn góp phần quan trọng vào tiến trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước./.

Cùng chuyên mục
  • Quảng Ninh tạo động lực cho thời kỳ phát triển mới
    3 tháng trước Địa phương
    (BKTO) - Với tư duy năng động, sáng tạo, vì lợi ích chung, tỉnh Quảng Ninh luôn bám sát định hướng của Đảng để từng bước phát triển nhanh và bền vững với nhiều mô hình mới, cách làm đột phá. Việc vận hành hiệu quả bộ máy tinh gọn, năng động, nội lực vững vàng giúp Quảng Ninh sẵn sàng cho mục tiêu cao hơn trong giai đoạn tiếp theo, đưa tỉnh trở thành một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện ở khu vực phía bắc.
  • Cần thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp trọng tâm để đạt được mục tiêu tăng trưởng
    3 tháng trước Tài chính
    (BKTO) - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh một số trọng tâm ưu tiên trong điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế và các nhiệm vụ khác trong năm 2024.
  • Nâng cao hiệu quả công tác quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên
    3 tháng trước Địa phương
    (BKTO) - Trong suốt tiến trình phát triển, nhất là sau gần 27 năm tái lập tỉnh, Vĩnh Phúc luôn đặc biệt quan tâm đến công tác quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên, bởi tài nguyên là đối tượng khai thác, sử dụng, sản xuất để tạo ra của cải vật chất, giúp tỉnh sớm hiện thực hóa mục tiêu trở thành nhóm địa phương dẫn đầu cả nước về tăng trưởng GRDP bình quân đầu người; có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, cơ bản đáp ứng các tiêu chí đô thị loại I và người dân có cuộc sống chất lượng cao, no âm, hạnh phúc, môi trường sinh thái trong lành, đáng sống vào năm 2030.
  • Ngành linh kiện điện tử - động lực chính cho tăng trưởng kinh tế Vĩnh Phúc
    3 tháng trước Địa phương
    (BKTO) - 4 tháng đầu năm 2024, sản xuất linh kiện điện tử trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục khởi sắc khi một số nhà đầu tư đã di chuyển công đoạn sản xuất linh kiện điện tử từ Hàn Quốc và Trung Quốc vào Việt Nam.
  • Đốc thúc giải ngân vốn đầu tư công một số dự án trọng điểm
    3 tháng trước Kinh tế
    (BKTO) - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng vừa dẫn đầu đoàn công tác thăm và đốc thúc giải ngân vốn đầu tư công một số dự án trọng điểm tại tỉnh Nghệ An.
Thép Việt lấy lại đà tăng trưởng, vươn tầm thế giới