Thí điểm điện gió ngoài khơi: Phương án lựa chọn nhà đầu tư nào được Bộ Công Thương đề xuất?

(BKTO) - Liên quan đến việc thực hiện Đề án nghiên cứu thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi, Bộ Công Thương vừa có báo cáo trình Chính phủ, trong đó đề xuất 3 phương án lựa chọn nhà đầu tư.

Việt Nam có năng lượng gió lớn nhất trong 4 nước của khu vực

Đề án nghiên cứu thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi phục vụ nhu cầu điện tại Việt Nam kèm theo Báo cáo số 181/BC-BCT ngày 15/7/2024 của Bộ Công Thương cho thấy: Theo nghiên cứu mới đây của Ngân hàng Thế giới, năng lượng gió ở Việt Nam có tiềm năng lớn nhất trong 4 nước của khu vực, với hơn 39% tổng diện tích của Việt Nam được ước tính là có tốc độ gió trung bình hằng năm lớn hơn 6 m/s ở độ cao 65m, tương đương công suất 512 GW.

Tại Việt Nam, đối với lĩnh vực điện, Quy hoạch điện VIII được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 đã đặt mục tiêu công suất điện gió ngoài khơi phục vụ nhu cầu điện trong nước đến năm 2030 đạt 6.000 MW, định hướng đến năm 2050 đạt từ 70.000 MW đến 91.500 MW.

Trước đó, tại Văn bản số 4286/VPCP-CN ngày 10/6/2023 của Văn phòng Chính phủ về việc thực hiện một số nhiệm vụ để triển khai đồng bộ, hiệu quả Quy hoạch điện VIII, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu: “Khẩn trương xây dựng Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII theo quy định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6/2023; trong đó có nội dung nghiên cứu thí điểm giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam và doanh nghiệp trong nước có đủ điều kiện triển khai dự án điện gió ngoài khơi theo kết luận của Thường trực Chính phủ tại Thông báo số 64/TB-VPCP ngày 01/5/2023 của Văn phòng Chính phủ”.

diengio-1681985523080221865154.jpg
Với năng lượng gió đứng đầu trong 4 nước của khu vực, Việt Nam có tiềm năng lớn về điện gió ngoài khơi.

Sau chỉ đạo này, Chính phủ đã có nhiều cuộc họp dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, yêu cầu: Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan nghiên cứu xây dựng Đề án thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi, trong đó đánh giá đầy đủ các khó khăn, vướng mắc; đề xuất các giải pháp, cơ chế chính sách, quy định pháp luật cần thiết, nghiên cứu việc giao các Tập đoàn kinh tế nhà nước (PVN, EVN) hoặc Bộ Quốc phòng triển khai các dự án thí điểm; thẩm quyền và cơ sở pháp lý quyết định để triển khai có hiệu quả các dự án điện gió ngoài khơi trong Quy hoạch điện VIII, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định...

Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương cho rằng việc thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu xây dựng “Đề án nghiên cứu thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam” là cần thiết.

Nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng việc thí điểm điện gió ngoài khơi

Đối với Việt Nam, điện gió ngoài khơi là lĩnh vực mới, có liên quan đến an ninh, chủ quyền biển đảo và còn nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến chức năng nhiệm vụ của nhiều Bộ, cơ quan.

Bên cạnh đó, đối với lĩnh vực này, hiện chúng ta vẫn còn thiếu các cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật đồng bộ để thực hiện nên các mục tiêu nêu trong Quy hoạch điện VIII đặt ra nhiều thách thức.

Vì vậy, Đề án chỉ tập trung nghiên cứu phát triển điện gió ngoài khơi để phục vụ nhu cầu điện trong nước đến năm 2030 theo Quy hoạch điện VIII đã được phê duyệt, trọng tâm là nghiên cứu các vướng mắc về pháp luật trong việc triển khai thực hiện nguồn điện này; không nghiên cứu nội dung liên quan tới điện gió ngoài khơi phục vụ nhu cầu xuất khẩu và loại hình khác.

Không những thế, hiện Việt Nam chưa có một dự án điện gió ngoài khơi nào nên không có kinh nghiệm về dự án điện gió ngoài khơi. Chính vì thế, Bộ Công Thương nhận định, có thể chưa lường trước được hết những xung đột giữa các ngành, lĩnh vực trong việc sử dụng chung không gian biển; những khó khăn, vướng mắc trong các quy định pháp luật; những khó khăn về mặt kỹ thuật liên quan đến phát triển và vận hành dự án điện gió ngoài khơi.

Mặt khác, Việt Nam chưa có bộ cơ sở dữ liệu đầy đủ, chính xác về khảo sát tốc độ gió và tiềm năng gió từng vùng, địa phương cũng như tổng thể toàn quốc; hiện trạng địa hình, độ sâu đáy biển.

Chính vì vậy, Bộ Công Thương đặt ra quan điểm trong đề án là việc triển khai thực hiện cần nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng. Giai đoạn đầu tập trung giao Tập đoàn kinh tế nhà nước làm dự án thí điểm, tạo tiền đề để hoàn thiện quy định pháp luật. Bên cạnh đó, việc giao nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư tư nhân chỉ thực hiện sau khi có đánh giá toàn diện dự án thí điểm và hệ thống văn bản pháp luật đã hoàn thiện.

Đồng thời, do điện gió ngoài khơi có liên quan tới phạm vi quản lý, chức năng, nhiệm vụ của nhiều Bộ, ngành nên việc nghiên cứu xây dựng và triển khai Đề án, dự án thí điểm cần có sự tham gia, phối hợp chặt chẽ của nhiều Bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Tư pháp và Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Đề xuất 3 phương án lựa chọn nhà đầu tư

Từ thực tế trên, Bộ Công Thương đã đề xuất phương án về lựa chọn nhà đầu tư cho lĩnh vực còn rất mới mẻ này. Cụ thể là tổ chức lựa chọn nhà đầu tư quốc tế hoặc giao cho Tập đoàn kinh tế tư nhân

Đối với phương án tổ chức lựa chọn nhà đầu tư quốc tế. Bộ Công Thương đánh giá, việc chọn nhà đầu tư quốc tế thí điểm dự án điện gió ngoài khơi sẽ thiếu khả thi do hiện còn có những vướng mắc về khung pháp lý.

Với phương án giao cho Tập đoàn kinh tế tư nhân, Bộ Công Thương cho biết, chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà là : “Nghiên cứu việc giao các Tập đoàn kinh tế nhà nước (PVN, EVN) hoặc Bộ Quốc phòng triển khai các dự án thí điểm”.

Như vậy, có 3 phương án giao Tập đoàn kinh tế nhà nước triển khai dự án thí điểm.

Đối với phương án 1 - giao Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN): Bộ Công Thương cho rằng, với việc sẽ có một số hạng mục, công trình tương đồng với các dự án dầu khí ngoài khơi cùng cơ sở dữ liệu (địa kỹ thuật, địa vật lý) sẵn có của ngành dầu khí, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực dồi dào, có chất lượng, PVN và các đơn vị thành viên sẽ có những lợi thế nhất định trong triển khai điện gió ngoài khơi; góp phần đem lại hiệu quả trong sử dụng tài sản hiện hữu, góp phần vào công tác bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia, thực hiện quyền chủ quyền trên biển.

Tuy nhiên, việc giao PVN đầu tư điện gió ngoài khơi cũng cần được đánh giá phù hợp với chủ trương của Đảng về định hướng ngành, nghề, lĩnh vực kinh doanh của PVN. Nội dung này cần tiếp tục được làm rõ sau khi nhận được ý kiến góp ý của Bộ, ngành, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và PVN.

Đối với phương án 2 - giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Bộ Công Thương nêu quan điểm: EVN là Tập đoàn có nhiều kinh nghiệm trong việc đầu tư, quản lý vận hành các nhà máy điện và hệ thống truyền tải điện. Do vậy, EVN sẽ có những lợi thế nhất định khi tận dụng kinh nghiệm, năng lực đã có trong triển khai điện gió ngoài khơi. Tuy nhiên, đây là lĩnh vực mới nên có những đòi hỏi khác so với các dự án điện truyền thống. Ngoài ra, việc giao EVN đầu tư thí điểm cũng có ưu điểm nhất định do không phải tiến hành đàm phán giá điện (do EVN đồng thời là đơn vị mua điện và bán điện).

Nội dung này tiếp tục được làm rõ sau khi nhận được ý kiến của Bộ, ngành, Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và EVN.

Đối với phương án 3 - giao đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công Thương cho rằng: Phương án này cần được đánh giá về sự phù hợp với chủ trương của Đảng cũng như việc đánh giá tính khả thi sau khi xem xét năng lực của đơn vị cụ thể thuộc Bộ Quốc phòng. Phương án này sẽ tiếp tục được làm rõ sau khi Bộ Công Thương nhận được ý kiến góp ý của Bộ Quốc phòng và các Bộ, ngành liên quan.

Bên cạnh 3 phương án này, Bộ Công Thương cũng đề xuất giao cho tư nhân trong nước thực hiện. Về phương án này, Bộ Công Thương đánh giá, mặc dù thời gian qua, tư nhân đã tham gia nhiều vào đầu tư trong lĩnh vực điện. Tuy nhiên, các dự án do tư nhân đầu tư thường là các dự án điện truyền thống, các dự án điện mặt trời và điện gió có quy mô không lớn. Điện gió ngoài khơi là lĩnh vực hoàn toàn với, còn nhiều vướng mắc về pháp luật, có liên quan tới quốc phòng, an ninh... Chính vì thế, Bộ Công Thương cho rằng chưa nên giao tư nhân đầu tư thí điểm trong khi chưa đánh giá hết được các vấn đề về quốc phòng, an ninh, giá, vướng mắc pháp luật.

Cùng chuyên mục
  • Gỡ “rào cản” để thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao
    một tháng trước Kinh tế
    (BKTO) - Phát triển nông nghiệp công nghệ cao là hướng đi giúp tăng hiệu quả sản xuất và góp phần mang lại diện mạo mới cho ngành nông nghiệp. Mặc dù vậy, việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao của Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức và chưa đạt được như kỳ vọng.
  • Cục Thuế Hải Phòng xử lý gần 390 tỷ đồng qua hoạt động thanh tra, kiểm tra
    một tháng trước Địa phương
    (BKTO) - Trong 6 tháng đầu năm 2024, công tác thanh tra, kiểm tra, chống thất thu ngân sách được Cục Thuế Hải Phòng tập trung triển khai và đã hoàn thành 1.004 cuộc thanh tra, kiểm tra, bằng 52% kế hoạch được giao, tăng 29% so cùng kỳ với tổng số tiền xử lý qua thanh tra, kiểm tra là 387 tỷ đồng.
  • Cảnh báo hình thức lừa đảo mạo danh các giải chạy của Vietcombank
    một tháng trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Theo ghi nhận của Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), trong những tháng gần đây, trên mạng xã hội đã xuất hiện một số fanpage giả mạo các giải chạy Marathon do Vietcombank tổ chức nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người có nhu cầu tham gia đăng ký.
  • Vướng mắc trong đấu giá đất
    một tháng trước Kinh tế
    (BKTO) - Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai cho biết, vướng mắc lớn nhất trong quá trình thực hiện thủ tục để đấu giá đất là công tác xác định giá khởi điểm của các khu đất và việc xử lý tài sản trên đất khiến tiến độ hoàn thiện thủ tục để đấu giá các khu đất trên địa bàn bị chậm trễ.
  • Bà Rịa - Vũng Tàu tăng cường quản lý hoạt động đấu giá
    một tháng trước Kinh tế
    (BKTO) - Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ vừa ký văn bản yêu cầu các sở, ban, ngành và đơn vị liên quan tăng cường công tác quản lý nhà nước trong hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất, đấu giá cơ sở nhà, đất trên địa bàn tỉnh.
Thí điểm điện gió ngoài khơi: Phương án lựa chọn nhà đầu tư nào được Bộ Công Thương đề xuất?