TS. Vũ Đình Ánh
Theo thống kê chưa đầy đủ, ở nước ta hiện có khoảng 5 triệu hộ kinh doanh hoạt động trong các lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ, đóng góp một phần đáng kể vào khu vực kinh tế cá thể đang chiếm tới gần 1/3 GDP hằng năm. Nhờ sự phát triển kinh tế - xã hội nên có một bộ phận hộ kinh doanh có quy mô không hề thua kém DN với doanh thu mỗi năm lên đến hàng tỷ đồng, thậm chí hàng chục tỷ đồng song lại không muốn chuyển đổi sang hình thức DN mà một trong những lý do cơ bản là quản lý thuế đối với hộ kinh doanh “dễ thở” hơn nhiều so với quản lý thuế đối với DN.
Chính vì vậy, một mặt, để đạt mục tiêu đến năm 2020 cả nước có ít nhất 1 triệu DN hoạt động thì cần tạo điều kiện, trong đó có điều kiện liên quan đến quản lý thuế để hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi và đăng ký hoạt động theo Luật DN. Mặt khác, cải cách quản lý thuế đối với hộ gia đình kinh doanh còn tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, công bằng và chống thất thoát, tăng số thu cho NSNN. Muốn vậy, quản lý thuế đối với kinh doanh hộ gia đình cần cải cách theo những định hướng sau:
Thứ nhất, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, thủ tục tài chính - kế toán, trong đó có thủ tục hành chính thuế và kế toán thuế, đối với DN nói chung, DN nhỏ và vừa nói riêng để hộ gia đình kinh doanh có điều kiện giảm chi phí khi chuyển đổi từ mô hình hộ kinh doanh sang mô hình DN. Theo khảo sát thì chính chi phí hữu hình và vô hình tăng lên khi chuyển sang DN là rào cản lớn nhất khiến không ít hộ gia đình kinh doanh e ngại.
Thứ hai, siết chặt các quy định về hóa đơn, chứng từ trong sản xuất kinh doanh nhằm khắc phục các khe hở thường được các hộ kinh doanh lợi dụng để trốn, lậu thuế. Tình trạng mua bán không hóa đơn, chứng từ đi đôi với thanh toán bằng tiền mặt không chỉ khiến cho việc quản lý thuế đối với hộ gia đình kinh doanh khó khăn mà còn vi phạm lợi ích của khách hàng, đặc biệt khi có các khiếu nại và tranh chấp liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh do thiếu các căn cứ để phân xử tại cơ quan chức năng. Việc sử dụng hóa đơn, chứng từ trong hoạt động sản xuất kinh doanh cần được thực hiện thông qua các công cụ pháp lý cũng như công cụ tuyên truyền, vận động.
Thứ ba, thu hẹp khoảng cách giữa quản lý thuế đối với hộ kinh doanh và đối với DN theo hướng đơn giản hóa, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho DN, đồng thời siết chặt hơn quản lý thuế đối với hộ gia đình kinh doanh. Trước hết cần khắc phục tình trạng có tới 70% hộ kinh doanh thường có thỏa thuận về mức thuế khoán với cơ quan Thuế do quy định về mức thuế khoán cố định đối với hộ kinh doanh. Mặc dù cơ quan Thuế đã có một số biện pháp nhằm hạn chế tình trạng này như việc ấn định doanh thu để tính mức thuế khoán của các hộ kinh doanh hằng năm được thực hiện theo sự khảo sát của cơ quan Thuế, tham vấn ý kiến của Hội đồng Tư vấn thuế cấp xã, được lấy ý kiến người dân và công bố công khai để các hộ kinh doanh tự giám sát lẫn nhau song do phần lớn hộ kinh doanh thường không có hóa đơn, chứng từ mua bán, được tự kê khai đóng thuế nên thất thu thuế là khó tránh khỏi, đặc biệt khi có sự thỏa thuận ngầm với cán bộ thuế. Rõ ràng, ngành thuế cần hoàn thiện quy trình quản lý thuế khoán đối với hộ gia đình kinh doanh nhằm xây dựng mức thuế khoán sát với thực tế hơn nữa, tránh bệnh hình thức, chống thất thu NSNN, đồng thời tăng cường chế tài đối với những trường hợp thỏa thuận giữa hộ kinh doanh với cán bộ thuế nhằm trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế.
Thứ tư, mặc dù đã có quy định song trong thực tế việc công khai, minh bạch trong quản lý thuế đối với hộ gia đình kinh doanh còn rất hạn chế. Đó chính là môi trường dung dưỡng cho sự thỏa thuận phi pháp giữa hộ kinh doanh với cán bộ thuế thoái hóa biến chất, đồng thời làm giảm hiệu quả của sự giám sát lẫn nhau giữa các hộ kinh doanh và giám sát của xã hội. Vì vậy, đẩy mạnh công khai, minh bạch trong quản lý thuế đối với hộ kinh doanh là vô cùng cần thiết và cấp bách.
Tóm lại, trên cơ sở các định hướng nêu trên, KTNN có thể thiết kế chương trình kiểm toán hoạt động nhằm góp phần tăng cường quản lý thuế đối với hộ kinh doanh một cách đơn giản, công khai, minh bạch, hạn chế hiện tượng thỏa thuận mức thuế khoán giữa cán bộ thuế với hộ gia đình kinh doanh.