Ảnh minh họa - Nguồn: sưu tầm. |
Năm của những kỷ lục
Thị trường chứng khoán năm 2020 đạt nhiều kỷ lục mới. Rõ nhất là chỉ số VN-Index tính đến cuối năm 2020, tuy còn thấp hơn mức đỉnh vào tháng 4/2018 (1199,96 điểm) nhưng là kỷ lục cao nhất từ trước đến nay tính đến thời điểm cuối năm. Sau kỷ lục tăng 6 năm liên tiếp (từ 2012 đến 2017), năm 2018 bị giảm so với 2017 nhưng đến 2019 đã tăng lên và năm 2020 đã tăng liên tiếp. Không chỉ VN-Index mà cả 2 chỉ số khác là HNX và UPCOM năm 2020 cũng cao hơn năm 2019. Năm 2020 so với năm 2019, VN-Index tăng 14,87%, tốc độ tăng khá cao so với nhiều thị trường. Nhiều cổ phiếu còn có tốc độ tăng cao hơn nhiều so với chỉ số chung. Nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng tới 1.280,8 nghìn cổ phiếu, với giá trị 13.578 tỷ đồng.
Một kỷ lục mới khác là cùng với số nhà đầu tư cũ tiếp tục đầu tư và tăng mua, số nhà đầu tư mới tham gia khá đông đảo. Chỉ tính riêng thời gian từ tháng 3, thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, đến hết tháng 11, đã có 302.000 tài khoản mới được mở; trong đó riêng trong tháng 11 có 41,2 nghìn, nhiều nhất trong các tháng của thị trường chứng khoán Việt Nam từ năm 2000 đến nay.
Một kỷ lục mới quan trọng là giá trị giao dịch bình quân một phiên thị trường chứng khoán đã đạt quy mô lớn. Bình quân 1 phiên trong cả năm đạt khoảng 7.000 tỷ đồng, trong đó tháng 11, tháng 12 đạt 10.000 - 14.800 tỷ đồng. Quy mô trên cao gấp đôi thời gian trước, thể hiện tính thanh khoản thị trường cổ phiếu Việt Nam.
Một kỷ lục mới quan trọng khác là tỷ lệ vốn hóa thị trường/GDP đã đạt 84,3% - cao nhất từ trước đến nay. Một kỷ lục nữa là số vốn huy động qua thị trường chứng khoán đạt 384.000 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2019.
Với những kết quả trên, thị trường chứng khoán Việt Nam được ghi nhận là một trong những nơi có mức chống chịu và phục hồi tốt nhất thế giới. Những kết quả này càng có ý nghĩa và vượt nhiều dự báo không chỉ của nhà đầu tư mà cả các chuyên gia trong, ngoài nước, khi đạt được trong điều kiện năm 2020 có những diễn biến phức tạp.
Năm 2021 liệu sẽ giữ đà tăng trưởng
Trao đổi với báo chí về câu chuyện TTCK vẫn tăng trưởng mạnh trong năm 2020 bất chấp đại dịch Covid-19, Chủ tịch UBCKNN Trần Văn Dũng cho biết, TTCK nước ta trong năm qua phát triển rất tốt cả về thanh khoản và chỉ số. Đặc biệt là từ tháng 7 đến nay, thị trường tăng đến 26 - 27% và đã vượt mức đầu năm khoảng hơn 9%.
Tuy nhiên sự tăng trưởng mạnh của TTCK Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế toàn cầu. Nhìn sang nước Mỹ, mặc dù bị đại dịch Covid hoành hành và bị ảnh hưởng của cuộc bầu cử Tổng thống, nhưng TTCK Mỹ cũng phát triển khá thăng hoa. Trong khi TTCK Việt Nam còn có thêm nhiều yếu tố hỗ trợ tích cực như đại dịch trong nước hiện đang được kiểm soát khá tốt, nền kinh tế vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng dương, kinh tế vĩ mô ổn định…
Có được kết quả đó là nhờ những chính sách hợp lý của Chính phủ khi vừa bảo đảm được an toàn cho nhân dân trước dịch bệnh, nhưng cũng không để ảnh hưởng quá nhiều đến phát triển kinh tế.
Qua khảo sát cho thấy, ở các khu du lịch mặc dù nó có ảnh hưởng nhưng khách du lịch nội địa vẫn khá đông và có những thời điểm việc đặt phòng ở một số danh lam thắng cảnh tương đối khó. Bên cạnh đó, xuất khẩu của Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá và thặng dư thương mại kỷ lục, cộng thêm nguồn giải ngân vốn FDI, dòng kiều hối… đã giúp dự trữ ngoại hối tăng cao cũng như góp phần ổn định cán cân vĩ mô, từ tỷ giá, lạm phát và những chỉ tiêu rất quan trọng khác...
Ngoài ra theo ông Dũng, việc mặt bằng lãi suất giảm thấp cũng là một nguyên nhân khiến cho số NĐT lần đầu tiên tham gia TTCK tăng lên, nhiều NĐT thì tăng lượng tiền đầu tư vào chứng khoán. “Trong bối cảnh lãi suất giảm thì có lượng tiền đầu tư vào chứng khoán có tăng hơn và tôi nghĩ điều đó phù hợp với quy luật”, ông Dũng cho hay.
Vấn đề đặt ra là liệu TTCK có duy trì được đà tăng trưởng này trong năm 2021? Liên quan đến định giá và triển vọng lợi nhuận năm 2021, theo đánh giá củaCông ty Chứng khoán SSI, ước tính tăng trưởng lợi nhuận năm 2021 của các công ty niêm yết là 23% sau khi giảm 17% trong năm nay. Nếu lấy các chỉ số thị trường ngày 28/12/2020 làm cơ sở để tính toán thì hệ số P/E (Price to Earning ratio - chỉ số đánh giá mối quan hệ giữa giá thị trường của cổ phiếu và thu nhập trên một cổ phiếu) thị trường năm 2021 sẽ ở mức 16,03 lần. Với hệ số P/E thị trường là 16,03 lần, định giá hiện tại của hầu hết các ngành đã quay trở lại mức trước Covid, ngay cả khi tính đến lợi nhuận phục hồi mạnh mẽ năm 2021. Tuy nhiên, SSI thừa nhận rằng năm 2020-2021 có thể sẽ khác, đặc biệt khi tính đến thanh khoản dồi dào và vai trò của NĐT cá nhân, đặc biệt là nhà đầu tư mới ngày càng tăng.
Ngoài ra, định giá thị trường Việt Nam vẫn còn thấp hơn tương đối so với các nước khác trong khu vực. Trong kịch bản tốt nhất, dòng vốn đầu tư vào TTCK sẽ là động lực giúp P/E thị trường năm 2021 đạt mức cao kỷ lục như mức đã đạt được trong vòng 3 năm qua.
Trong kịch bản cơ sở, SSI sử dụng mức hệ số P/E 18 lần cho chỉ số VN-Index trong năm 2021 (tương đương với triển vọng tăng giá là 12,3%). Ngân hàng và bất động sản là hai ngành lớn nhất trong VN-Index, với tỷ trọng lần lượt là 27% và 26%. Cả hai lĩnh vực này đều được cho là hưởng lợi trong đại dịch do môi trường lãi suất thấp và thanh khoản dồi dào giúp cải thiện NIM (Net Interest Margin - sự chênh lệch phần trăm giữa thu nhập lãi và chi phí lãi phải trả) của các ngân hàng niêm yết, trong khi rủi ro hình thành nợ xấu là hạn chế do đợt bùng phát dịch Covid thứ hai và thứ ba diễn ra rất ngắn. Trong khi với bất động sản, giá bất động sản tiếp tục tăng trong bối cảnh nguồn cung tại TP.HCM ở mức hạn chế.
Đại diện SSI cũng dự báo, ngành năng lượng, tiêu dùng không thiết yếu và bất động sản là 3 lĩnh vực có thể đạt mức tăng trưởng mạnh nhất vào năm 2021.
NAM SƠN (Tổng hợp)