Thị trường nước sạch Việt Nam thu hút mạnh mẽ nguồn vốn đầu tư từ các “đại gia”

(BKTO) - Theo đánh giá, thị trường nước sạch Việt Nam có giá trị rất lớn, tuy nhiên, việc khai thác mới chỉ ở mức sơ khai. Bởi vậy, tiềm năng từ thị trường này được dự báo sẽ tiếp tục thu hút mạnh mẽ các nguồn vốn đầu tư trong thời gian tới.




Thị trường nước sạch Việt Nam đang lọt vào tầm ngắm của nhiều nhà đầu tư. Ảnh: TTXVN

Tiềm năng thị trường còn lớn

Nước sạch là một trong những nhu cầu cơ bản và cấp thiết nhất của đời sống con người. Trước bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng nhanh, dân cư đông đúc, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, nhu cầu về nước sạch ngày càng gia tăng. Trong khi đó, theo đánh giá của Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam Cao Lại Quang, ngành nước vẫn đang đối mặt với nhiều hạn chế, bất cập như: phạm vi cấp nước, nhất là khu vực nông thôn còn thấp; tỷ lệ thất thoát, thất thu cao (>20%); chất lượng nước và chất lượng dịch vụ còn nhiều hạn chế…

Báo cáo môi trường quốc gia do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố cũng cho thấy, nước ngầm chiếm 35 - 50% tổng lượng nước cấp sinh hoạt cho các đô thị tại Việt Nam, nhưng một số khu vực đã và đang xảy ra hiện tượng ô nhiễm với thông số kim loại nặng như chì, asen, mangan vượt quy chuẩn. Trong khi đó, công nghệ, năng lực và quy trình xử lý nước sạch của nhiều cơ sở cung cấp nước vẫn hạn chế, nhất là ở nông thôn, vùng sâu vùng xa. Việc áp dụng công nghệ hiện đại để xử lý triệt để vấn đề ô nhiễm nguồn nước ngầm, cung cấp nước sạch cho sản xuất và sinh hoạt đang là đòi hỏi cấp bách từ thực tiễn.

Ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội - cho biết, nhu cầu sử dụng nước sạch của Thủ đô hiện rất lớn, dự kiến đến năm 2020 là khoảng 2 triệu m3/ngày đêm, năm 2030 khoảng 3 triệu m3/ngày đêm và năm 2050 khoảng 3,5 triệu m3/ngày đêm. Đến năm 2020, Thành phố phấn đấu đạt mục tiêu tỷ lệ người dân nông thôn có nước sạch 100%. Để hoàn thành chỉ tiêu về nước sạch cho nhân dân Thủ đô, Thành phố kêu gọi các nhà đầu tư, DN tham gia đầu tư các dự án cấp nước theo hình thức xã hội hóa.

Theo quy hoạch về phát triển cấp nước cho các khu đô thị và công nghiệp đến năm 2025, Việt Nam hướng tới các mục tiêu tỷ lệ tiếp cận nước sạch được cung cấp tập trung ở khu đô thị là 100% với tiêu chuẩn tiêu thụ 120 lít/người/ngày. Trong khi đó, tỷ lệ tiếp cận nước sạch an toàn ở nông thôn đạt 75%. Đây là cơ hội lớn cho các DN đầu tư vào ngành này. Chưa kể, một dự báo từ năm 2017 cho thấy, trong vòng 5 năm (2017-2022), nhu cầu vốn đầu tư cho ngành nước lên tới trên 10 tỷ USD, trong đó, lĩnh vực cấp nước cần tới 3,3 tỷ USD.

Khi tham dự Diễn đàn ngành nước Đức - Việt hồi tháng 3 vừa qua, ông Frank Pogade - Trưởng Văn phòng đại diện Tillia GmbH tại Việt Nam - đánh giá: “Ngành nước Việt Nam là một thị trường thú vị cho các nhà đầu tư quốc tế”. Theo nhà đầu tư này, phần lớn các dự án nước và vệ sinh quy mô lớn được tài trợ bởi các nhà đầu tư quốc tế, chính quyền và các tổ chức của Việt Nam đã chứng tỏ khả năng tiếp nhận, thực hiện các khoản vay và tài trợ.

Nước sạch - tầm ngắmcủa nhiều “đại gia”

Theo giới đầu tư, nước sạch được đánh giá là ngành đầu tư khá an toàn, mang tính phòng thủ bởi đây là ngành thiết yếu, ít bị ảnh hưởng rủi ro bởi các yếu tố bên ngoài như: chiến tranh thương mại, cấm vận kinh tế… Thậm chí, theo chia sẻ của một nhà đầu tư lâu năm, khi sở hữu một DN nước sạch có địa bàn hoạt động tốt, sẽ như sở hữu một cỗ máy in tiền thu lợi nhuận đều hằng năm.

Những năm gần đây, chính sách xã hội hóa nước sạch của Nhà nước đã tạo động lực thu hút mạnh mẽ nguồn vốn đầu tư từ tư nhân trong nước. Đơn cử, Công ty Cổ phần Nhựa Đồng Nai đang dần để lộ tham vọng chuyển mình trở thành một trong những “tay chơi mới” trong ngành sản xuất và cung cấp nước sạch, thay vì chỉ là DN chuyên sản xuất nhựa, ống nhựa như trước đó. Hiện, Nhựa Đồng Nai đang sở hữu cổ phần tại 9 công ty và 7 công ty liên kết nước sạch có công suất thiết kế khoảng 1 triệu m3/ngày đêm, cung cấp nước cho 12 địa phương, phục vụ hơn 10 triệu khách hàng. Lãnh đạo Nhựa Đồng Nai cho biết, Công ty sẽ nâng công suất lên gấp đôi trong vòng 5 năm tới với mục tiêu doanh thu 2.125 tỷ đồng trong năm 2020 và lên 3.100 tỷ đồng vào năm 2023.

Nhà máy Nước mặt Sông Đuống thuộc Tập đoàn AquaOne cũng đã chính thức vận hành giai đoạn 1 vào ngày 05/9 vừa qua với công suất 300.000 m3/ngày đêm. Đây là dự án nhà máy nước sinh hoạt có quy mô cấp vùng với tổng diện tích 65ha, mức đầu tư lên tới 5.000 tỷ đồng, đảm bảo đủ cung cấp nguồn nước sạch cho khoảng 3 triệu người - chiếm 1/3 dân số Hà Nội và 1 số địa phương phụ cận như Bắc Ninh, Hưng Yên, dần thay thế nguồn nước ngầm đã và đang có nguy cơ ô nhiễm. Theo kế hoạch, đến năm 2023, Nhà máy sẽ tiếp tục mở rộng lên 600.000 m3/ngày đêm, đến năm 2030 nâng công suất lên 900.000 m3/ngày đêm và sau năm 2030 đạt 1,2 triệu m3/ngày đêm. Trong thời gian tới, Nhà máy này hướng đến ngôi vị DN nước sạch số 1 Việt Nam với nguồn vốn đầu tư lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng.

Cùng với đó, thị trường còn ghi nhận nhiều DN ngành nước đang tích cực mở rộng mạng lưới như: Công ty Cổ phần Nước - Môi trường Bình Dương (Biwase), Công ty Cổ phần Nước Thủ Dầu Một (Tdmwater). Phần lớn các DN này đầu tư vào các tỉnh có tiềm năng về công nghiệp, dịch vụ và du lịch với nhu cầu nước ngày càng tăng cao.

Tiềm năng thị trường nước sạch Việt Nam cũng đang lọt vào tầm ngắm của nhiều “đại gia” nước ngoài. Cụ thể: Công ty Cổ phần Đầu tư Việt Nam - Oman (Liên doanh giữa Quỹ Dự trữ Quốc gia của Oman và Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước) đã đầu tư 19 triệu USD xây dựng Nhà máy Nước Sông Hậu, Công ty Manila Water Asia Pacific (Philippines) đã đầu tư vào Công ty Cổ phần Hạ tầng nước Sài Gòn…

Sự hấp dẫn của ngành này còn sôi động trên thị trường chứng khoán khi nhiều nhà đầu tư nước ngoài tăng sở hữu cổ phiếu tại hàng loạt các công ty ngành nước. Thậm chí, nói như Shark Đỗ Thị Kim Liên (Shark Tank Việt Nam mùa 3) đồng thời là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Nước mặt Sông Đuống: “Chúng tôi đang gồng lỗ, nhưng vẫn chịu đựng được”. Điều này càng khẳng định, nước sạch đang là một lĩnh vực vô cùng hấp dẫn trên thị trường.

HỒNG NHUNG
Theo Báo Kiểm toán số 37 ra ngày 12-9-2019
Cùng chuyên mục
  • Nâng cao hiệu quả đầu tư hạ tầng giao thông theo hình thức BOT
    4 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Từ thực tế triển khai các dự án hạ tầng giao thông đường bộ theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) thời gian qua, nhiều ý kiến cho rằng, để tháo gỡ vướng mắc, nâng cao hiệu quả đầu tư các dự án BOT cần tăng cường tính minh bạch trong quản lý, xây dựng thể chế, chính sách.
  • Đã đến lúc Việt Nam phải ưu tiên lựa chọn những dự án FDI phù hợp
    4 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Sau hơn 30 năm thực hiện thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), đến nay, vốn FDI vào Việt Nam đã đạt gần 350 tỷ USD, bình quân tăng trên 20%/năm, đồng thời là khu vực tăng trưởng cao nhất trong nền kinh tế. Tuy nhiên, việc thu hút, quản lý các hoạt động đầu tư nước ngoài vẫn còn nhiều hạn chế và phát sinh những vấn đề mới. Đã đến lúc Việt Nam phải điều chỉnh và rà soát lại dòng vốn này để phù hợp với điều kiện phát triển của đất nước.
  • Giảm nghèo chưa thực sự bền vững
    4 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Kết quả giám sát Chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2012-2018” cho thấy, chính sách còn chậm sửa đổi, manh mún, dàn trải, chồng chéo; việc phân bổ, quản lý và sử dụng kinh phí còn sai sót, bất cập… khiến công tác giảm nghèo trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi (DTTS, MN) chưa thực sự bền vững, chất lượng giảm nghèo chưa cao.
  • Phó Thủ tướng Thường trực dự Lễ ký kết hợp tác về quan hệ lao động
    4 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Chiều tối 17/9, tại Hà Nội, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình dự Lễ ký kết chương trình phối hợp công tác giữa Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam với Bộ LĐTB&XH và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trong lĩnh vực quan hệ lao động.
  • Sửa đổi Quyết định thành lập Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử
    4 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch Ủy ban. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam làm Phó Chủ tịch Thường trực và trực tiếp chỉ đạo các công việc thường xuyên của Ủy ban.
Thị trường nước sạch Việt Nam thu hút mạnh mẽ nguồn vốn đầu tư từ các “đại gia”