Thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2024: Kỳ vọng khởi sắc hơn!

(BKTO) - Thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) trải qua một năm 2023 với nhiều biến động. Sang năm 2024, thị trường này được kỳ vọng sẽ khởi sắc hơn nhờ bối cảnh các hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi, thị trường bất động sản đã qua giai đoạn khó khăn nhất, môi trường lãi suất thấp, cũng như các quy định pháp lý rõ ràng hơn.

13-thay.jpeg
Năm 2024, thị trường TPDN sẽ khởi sắc hơn nhờ nhiều yếu tố hỗ trợ tích cực. Ảnh minh họa

Thị trường đã “hạ cánh mềm”

Năm 2023, thị trường TPDN vận hành ảm đạm trong nửa đầu năm và dần khởi sắc hơn trong nửa cuối năm nhờ những nỗ lực của cơ quan quản lý. Đặc biệt, việc Chính phủ ban hành Nghị định số 08/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các nghị định quy định về chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán TPDN ra thị trường quốc tế với chính sách hoãn thực hiện một số quy định của Nghị định số 65/2022/NĐ-CP và cho phép doanh nghiệp, nhà đầu tư có các cơ chế đàm phán, giãn, hoãn và hoán đổi trái phiếu đã góp phần tích cực giúp thị trường có những dấu hiệu tích cực hơn.

Cụ thể, nửa đầu năm, kênh huy động vốn này gần như đóng băng. Quý I/2023, thị trường gần như không có đợt phát hành TPDN nào, lượng TPDN phát hành của cả 6 tháng đầu năm chỉ đạt khoảng 43.000 tỷ đồng. Tuy vậy, trong 6 tháng cuối năm, thị trường đã phục hồi khá rõ rệt. Tổng lượng TPDN phát hành 6 tháng cuối năm cao gấp gần 6 lần lượng phát hành nửa đầu năm. Ngân hàng là nhà phát hành lớn nhất thị trường (chiếm khoảng 54% tổng giá trị phát hành), bất động sản là nhóm đứng thứ hai.

Trong bối cảnh niềm tin đối với thị trường TPDN đã trở lại, chúng ta kỳ vọng, với những giải pháp cụ thể và sự hồi phục của nền kinh tế, thị trường TPDN năm 2024 sẽ tiếp tục tăng trưởng bền vững và thực chất. Chất lượng của thị trường sẽ được nâng lên một bước cả đối với các tổ chức, các doanh nghiệp phát hành cũng như nhà đầu tư và nhà cung cấp dịch vụ

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi

Năm 2023 cũng ghi nhận doanh nghiệp phát hành “ròng rã” mua lại TPDN trước hạn. Theo Hiệp hội Thị trường trái phiếu (VBMA), tính đến ngày 22/12/2023, tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại trước hạn đạt hơn 231.000 tỷ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2022, bằng gần 85% giá trị phát hành. Đáng chú ý, một điểm nhấn nữa là sàn giao dịch TPDN riêng lẻ chính thức đi vào vận hành. Thống kê của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho hay, tính đến ngày 28/12/2023, khối lượng đăng ký giao dịch đạt gần 717 triệu trái phiếu, giá trị giao dịch đạt hơn 208.000 tỷ đồng.

Tổng Giám đốc Công ty Quản lý Quỹ SSI - bà Nguyễn Ngọc Anh - bình luận, từ cuối năm 2022, toàn bộ các thành viên thị trường đều quan ngại về những điều sẽ xảy ra đối với thị trường TPDN trong năm 2023, nhưng đến thời điểm này, có thể nói rằng, thị trường TPDN đã “hạ cánh mềm”. Theo bà Ngọc Anh, cùng với việc quyết liệt ban hành Nghị định số 08/2023/NĐ-CP để có cơ sở pháp lý giúp các bên cùng đàm phán và gia hạn thì việc đưa vào vận hành sàn giao dịch TPDN riêng lẻ thứ cấp trong một thời gian rất nhanh, chưa từng có tiền lệ cũng giúp hỗ trợ rất lớn cho việc xây dựng lại niềm tin của nhà đầu tư và thị trường. “Thời điểm kết thúc năm 2023 cũng là thời điểm tất cả chúng ta đều thấy rằng, một năm rất khó khăn đã đi qua và thực sự đây là cơ hội, tiền đề để sang năm 2024 sẽ có những tăng trưởng vượt bậc trong thị trường này” - bà Ngọc Anh kỳ vọng.

Thị trường sẽ khởi sắc hơn nhờ nhiều yếu tố hỗ trợ tích cực

Trên cơ sở những tín hiệu khởi sắc từ cuối năm 2023, giới đầu tư kỳ vọng, thị trường TPDN sẽ tăng trưởng hơn trong năm 2024. Công ty Chứng khoán MB (MBS) đánh giá, thị trường TPDN sẽ khởi sắc trong năm 2024 nhờ nhiều yếu tố hỗ trợ tích cực từ vĩ mô, chính sách tiền tệ nới lỏng cùng các quy định pháp lý rõ ràng hơn.

Theo MBS, vĩ mô lấy lại đà tăng trưởng sẽ là nền tảng hỗ trợ cho các doanh nghiệp mở rộng sản xuất kinh doanh. Dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 sẽ đạt mức 5,9-6,1%, cao hơn so với mức 5% của năm 2023, dựa trên cơ sở một số động lực chính của nền kinh tế như: Xuất khẩu, đầu tư công, tiêu dùng sẽ phục hồi. Bên cạnh đó, lãi suất đầu vào có khả năng tạo đáy trong quý I/2024 và khó có khả năng giảm thêm chủ yếu do cầu tín dụng sẽ có xu hướng tăng lên trong năm 2024. Môi trường lãi suất thấp cũng sẽ thúc đẩy nhu cầu vốn cũng như thu hút dòng tiền của các nhà đầu tư.

Thêm vào đó, tín hiệu mừng cho thị trường TPDN là triển vọng ngành bất động sản sẽ tích cực hơn trong năm nay. Cùng với Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi) và Luật Nhà ở (sửa đổi) đã được thông qua tại Kỳ họp Quốc hội khóa XV vừa qua, Luật Đất đai (sửa đổi) tiếp tục được thông qua tại Kỳ họp Quốc hội bất thường lần thứ 5 đã tạo hành lang pháp lý quan trọng cho thị trường bất động sản, thể hiện quyết tâm của Nhà nước và Chính phủ trong việc khôi phục và phát triển thị trường bền vững.

Nhiều ý kiến cho rằng, Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ có tác động tích cực đến nguồn cung bất động sản dân dụng trong trung - dài hạn nhờ giải quyết vướng mắc trong vấn đề định giá đất, điều chỉnh bảng giá đất phù hợp với giá thị trường. Năm 2024, thị trường bất động sản dự kiến bước vào chu kỳ hồi phục bởi nguồn cung căn hộ dự kiến cải thiện 30% so với cùng kỳ tại Hà Nội và 10% so với cùng kỳ tại TP. Hồ Chí Minh nhờ những vướng mắc pháp lý liên quan đến tiền sử dụng đất được giải quyết.

Ngoài ra, mặt bằng lãi suất thấp được duy trì sẽ tác động tích cực tới thị trường khi giảm bớt áp lực tài chính cho chủ đầu tư và người mua được hưởng lợi nhờ lãi suất ưu đãi. Rủi ro thanh khoản cũng giảm khi các doanh nghiệp chủ động giảm tỷ trọng nợ vay (Nợ vay/tổng tài sản trung bình giảm từ mức 44% xuống 39% trong quý IV/2023).

Giám đốc khối xếp hạng và nghiên cứu VIS - ông Rating Simon - nhận định, năm 2024 sẽ có 3 điểm dẫn dắt thị trường TPDN. Đầu tiên, tỷ lệ trái phiếu chậm trả phát sinh mới giảm dần khi Ngân hàng Nhà nước đã cắt giảm 4 lần lãi suất trong năm 2023, giúp doanh nghiệp huy động vốn dễ dàng hơn. Thứ hai, các chính sách hỗ trợ kinh doanh của Chính phủ và kích cầu kinh tế sẽ phát huy hiệu quả hơn trong năm 2024, giúp doanh nghiệp kinh doanh tốt hơn, cải thiện dòng tiền, từ đó giúp huy động vốn và khả năng phát hành cải thiện dần. Thứ ba, việc thực thi các quy định chặt chẽ hơn sẽ giúp thị trường TPDN tăng tính kỷ luật hơn. Nhà phát hành sẽ phải công bố thông tin minh bạch hơn. Ngoài ra, việc quy định chủ thể tham gia thị trường chặt chẽ hơn cũng giúp bảo vệ nhà đầu tư tốt hơn và thị trường phát triển hơn./.

Cùng chuyên mục
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2024: Kỳ vọng khởi sắc hơn!