Thích ứng vượt khó, xuất khẩu thủy sản quyết vượt mốc 10 tỷ USD

(BKTO) - Những tháng cuối năm là thời điểm chứng kiến đà tăng trưởng mạnh mẽ của xuất khẩu thủy sản, khi kim ngạch xuất khẩu 11 tháng qua đã đạt gần 9,2 tỷ USD. Khắc phục rào cản, tranh thủ thời cơ, ngành hàng thủy sản được kỳ vọng sẽ đạt và vượt mốc 10 tỷ USD theo kế hoạch đề ra cho năm nay.

w1-min-2.jpeg
Thích ứng vượt khó, xuất khẩu thủy sản quyết vượt mốc 10 tỷ USD. Ảnh ST

Dồn dập tin vui

Ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), cho biết sau 4 năm bị xáo trộn bởi dịch Covid-19, chiến tranh, lạm phát, xuất khẩu thủy sản Việt Nam đang dần quay trở lại quỹ đạo và tăng tốc.

Tính lũy kế đến cuối tháng 11, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt gần 9,2 tỷ USD, tăng 11,5% so với năm trước.

Một trong những dấu mốc đáng chú ý trong những tháng qua là trong tháng 10, xuất khẩu thủy sản lần đầu tiên trở lại mốc 1 tỷ USD trong tháng 10, kể từ tháng 6/2022.

Sang tháng 11, xuất khẩu thủy sản tiếp tục ghi dấu ấn, khi tăng 17% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, các mặt hàng xuất khẩu thủy sản chủ lực đều tăng so với cùng kỳ.

Trong đó, xuất khẩu tôm vẫn duy trì đà tăng trưởng ấn tượng, đạt mức tăng 22% trong tháng 11, và dự báo sẽ cán mốc 4 tỷ USD vào cuối năm.

Các sản phẩm khác như cá tra, cá ngừ cũng ghi nhận sự tăng trưởng khả quan trong 11 tháng qua. Đơn cử như cá tra đạt 1,84 tỷ USD và dự báo sẽ chạm mốc 2 tỷ USD vào cuối năm 2024.

Cá ngừ, mặc dù tăng trưởng chậm lại, vẫn tăng 8% so với tháng 11/2023, và có thể đạt 1 tỷ USD như kỷ lục năm 2022.

nuoi-thuy-san-nha-trang_1656392902.jpg
Ngành thủy sản hứa hẹn một năm bội thu... Ảnh ST

Ngoài ra, một số sản phẩm như cua ghẹ, nhuyễn thể có vỏ và mực bạch tuộc cũng ghi nhận mức tăng trưởng cao, trong đó nhuyễn thể có vỏ có mức tăng trưởng ấn tượng tới 180% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cũng theo Vasep, không chỉ có các sản phẩm chủ lực, ngành xuất khẩu thủy sản Việt Nam còn phát triển mạnh các sản phẩm phụ như bột cá. Xuất khẩu bột cá đạt gần 230 triệu USD và dự báo cả năm sẽ đạt 264,6 triệu USD…

Tín hiệu vui với xuất khẩu thủy sản còn đến từ thị trường xuất khẩu. Đến nay, Trung Quốc - Hồng Kông đã vượt lên dẫn đầu trong các thị trường nhập khẩu thủy sản Việt Nam, với mức tăng trưởng 61% trong tháng 11, nâng tổng kim ngạch lũy kế lên hơn 1,7 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước.

Ngành thủy sản đã thể hiện sự thích ứng nhanh và phục hồi tốt sau những khó khăn của năm 2023. Với sự nỗ lực của các doanh nghiệp, sự hỗ trợ từ Chính phủ và các cơ quan liên quan, ngành thủy sản Việt Nam có thể đạt được mục tiêu đề ra và tạo đà cho sự phát triển bền vững trong năm 2025.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến

Thị trường Mỹ cũng ghi nhận sự tăng trưởng tích cực 21% trong tháng 11, đạt 1,67 tỷ USD sau 11 tháng, và dự báo sẽ tiếp tục khả quan trong tháng cuối năm. 

Mặc dù thị trường Nhật Bản, Liên minh châu Âu và Hàn Quốc không có sự bứt phá lớn trong tháng 11, nhưng vẫn đóng góp đáng kể vào tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản.

Theo Cục trưởng Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NNPTNT) Trần Đình Luân, với đà tăng trưởng như hiện nay, ngành thủy sản hoàn toàn có thể đạt và vượt mục tiêu 10 tỷ USD xuất khẩu năm 2024. Trong đó, tôm và cá tra sẽ tiếp tục là hai trụ cột chính đóng góp vào thành công này, với tôm dự báo đạt 4 tỷ USD và cá tra có thể cán mốc 2 tỷ USD.

Thích ứng để vượt khó…

Đánh giá cao những kết quả ngành thủy sản đạt được trong xuất khẩu, các chuyên gia cho rằng, điều này thể hiện sự linh hoạt, thích ứng của cơ quan quản lý cũng như các doanh nghiệp để đưa ra giải pháp phù hợp, kịp thời, giúp sản phẩm tiếp cận thị trường.

Tuy nhiên, trước diễn biến tình hình thế giới vẫn còn phức tạp, từ đó ảnh hưởng lớn đến hoạt động thương mại nói chung và xuất khẩu thủy sản nói riêng, các chuyên gia lưu ý doanh nghiệp xuất khẩu cần theo dõi sát tình hình thị trường để có giải pháp thúc đẩy xuất khẩu phù hợp, nhạy bén hơn với tình hình mới.

Bên cạnh đó, để tránh lệ thuộc vào một thị trường, các doanh nghiệp cần tiếp tục nỗ lực tìm kiếm các thị trường mới thông qua việc tăng cường tiếp cận khách hàng để giới thiệu sản phẩm; tích cực khai thác các thị trường tiềm năng dựa trên thế mạnh sản phẩm của mình để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng... 

Nhận định về tình hình xuất khẩu thủy sản trong thời gian tới, bà Lê Hằng - Giám đốc Truyền thông của Vasep cho biết, vẫn còn có những cơ hội, thách thức đan xen. Theo đó, ngoài những thách thức về các rào cản kỹ thuật và quy định từ các thị trường lớn, ngành thủy sản còn phải đối mặt với biến động về khí hậu và môi trường, ảnh hưởng đến nguồn nguyên liệu....

Đơn cử, đối với ngành tôm và cá tra, dù đang trong mùa cao điểm nhập khẩu nhưng vẫn phải đối mặt với tình trạng thiếu nguyên liệu trong nước. Do đó, "các doanh nghiệp cần linh hoạt hơn trong việc sử dụng nguồn nguyên liệu dự trữ và các nguồn cung thay thế để tận dụng tối đa cơ hội trên thị trường" - bà Hằng lưu ý.

Còn theo đại diện Cục Thủy sản, để tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu thủy sản, liên quan đến vấn đề nguyên liệu, Chính phủ đã chỉ đạo các ngành, địa phương tiếp tục thực thi các chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp như chính sách thuế, tín dụng ưu đãi…

Đặc biệt, Chính phủ đã chỉ đạo nghiên cứu nâng quy mô chương trình tín dụng ưu đãi đối với lĩnh vực lâm sản và thủy sản lên khoảng 50.000 - 60.000 tỷ đồng, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong ngành tiếp cận nguồn vốn với lãi suất ưu đãi…

Thêm vào đó, ngành thủy sản đang được hưởng lợi từ nhiều hiệp định thương mại tự do mà nước ta đã ký kết. Có thể kể đến Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu; Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương; Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN - Trung Quốc; Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Hàn Quốc hay Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực... Việc tham gia và thực thi hiệu quả các hiệp định thương mại này giúp ngành thủy sản Việt Nam mở rộng thị trường, tận dụng ưu đãi thuế quan.

Theo Cục trưởng Trần Đình Luân, thực tiễn hoạt động và kết quả xuất khẩu vừa qua đã minh chứng việc doanh nghiệp xuất khẩu đã tận dụng tốt các cơ hội thuận lợi để thúc đẩy việc kinh doanh đạt hiệu quả cao, góp phần chung vào mục tiêu tăng trưởng của toàn ngành tính đến thời điểm này.

Song “bối cảnh mới, thách thức mới, chúng tôi mong các doanh nghiệp cần nâng cao khả năng cạnh tranh qua việc cải thiện chất lượng sản phẩm và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu; đồng thời cam kết sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp để hoàn thành mục tiêu đề ra” - ông Luân cho biết.

z5484116556209_95f77e274292ebb09365b9bf7d8ffc6f.jpg
Nhiều doanh nghiệp đang đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào quy trình nuôi trồng và chế biến để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Ảnh: Phố Hiến

Để thích ứng với thách thức về giá cả, thị trường, đại diện Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Năm Căn (đóng tại tỉnh Cà Mau) cho biết, các doanh nghiệp cũng đang đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào quy trình nuôi trồng và chế biến, không chỉ nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm mà còn góp phần mở rộng thị trường xuất khẩu.

Các chuyên gia trong lĩnh vực thủy sản cũng lưu ý, ngoài sức ép từ nguồn cung giá rẻ; giá nguyên liệu đầu vào tăng, xuất khẩu thủy sản Việt Nam đang phải đối diện với một trong những thách thức lớn là vấn đề “thẻ vàng” IUU chưa được Ủy ban châu Âu xóa bỏ.

Song, vấn đề này nằm ngoài khả năng của doanh nghiệp, do đó rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng, đặc biệt là các địa phương có biển, các chủ tàu đánh bắt trong việc quản lý, tuân thủ quy định chống đánh bắt trái phép để sớm mở ra cơ hội cho sản phẩm thủy sản của Việt Nam được tiến sâu hơn vào các thị trường tiềm năng như châu Âu.

Cùng chuyên mục
Thích ứng vượt khó, xuất khẩu thủy sản quyết vượt mốc 10 tỷ USD