Thỏa ước lao động tập thể giúp giải quyết các thách thức về việc làm

(BKTO) - Thương lượng tập thể đóng vai trò quan trọng trong thời kỳ đại dịch và có thể tạo ra một phương tiện hiệu quả giúp người sử dụng lao động và người lao động giải quyết những thách thức mới nổi đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới thế giới việc làm.



                
   

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

   

Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) vừa có báo mới về thỏa ước lao động tập thể. Đây là báo cáo đầu tiên trong series báo cáo quan trọng về Đối thoại xã hội. Báo cáo rà soát các thỏa ước lao động tập thể và thực hành tại 80 quốc gia có mức độ phát triển kinh tế khác nhau cũng như khuôn khổ pháp luật và quy định của 125 quốc gia.

Kết quả rà soát cho thấy số lượng người lao động thuộc diện bao phủ trong các thỏa ước thương lượng tập thể càng nhiều thì mức chênh lệch tiền lương càng thấp.

Hơn một nửa (59%) các thỏa ước lao động tập thể thuộc phạm vi nghiên cứu của ILO thể hiện sự cam kết của người sử dụng lao động hay tổ chức của họ và tổ chức của người lao động (đặc biệt là công đoàn) cùng giải quyết bất bình đẳng giới bằng cách đảm bảo trả công bình đẳng cho công việc có giá trị như nhau, đảm bảo chế độ thai sản và nghỉ phép vì lý do gia đình cũng như giải quyết bạo lực trên cơ sở giới tại nơi làm việc.

Mức lương, thời giờ làm việc và các điều kiện làm việc khác của hơn 1/3 số người lao động (35%) ở 98 quốc gia được xác lập thông qua các cuộc thương lượng tập thể tự chủ giữa công đoàn và người sử dụng lao động hay tổ chức của người sử dụng lao động. Nhưng tỷ lệ này có sự khác biệt đáng kể giữa các quốc gia.
         
Thương lượng tập thể là quá trình thương lượng tự nguyện giữa một hay nhiều người sử dụng lao động (hoặc tổ chức của họ) với một hay nhiều tổ chức của người lao động. Thương lượng tập thể có thể giảm thiểu bất bình đẳng về tiền lương trong DN, lĩnh vực hay ngành nghề một cách hiệu quả, qua đó thúc đẩy bình đẳng và tính bao trùm.

Giảm thiểu tác động của cuộc khủng hoảng Covid-19

Nghiên cứu cho biết thương lượng tập thể đã và đang đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu tác động của cuộc khủng hoảng Covid-19 đối với việc làm và thu nhập, giúp giảm bớt một số tác động đối với tình trạng bất bình đẳng đồng thời củng cố khả năng chống chịu của các DN và thị trường lao động.

Việc điều chỉnh các biện pháp chăm sóc sức khỏe cộng đồng và tăng cường công tác đảm bảo an toàn sức khỏe nghề nghiệp tại nơi làm việc cùng với chế độ nghỉ ốm được hưởng lương và các chế độ chăm sóc sức khỏe trong nhiều thỏa ước lao động tập thể đã góp phần bảo vệ hàng triệu người lao động.

Các thỏa ước lao động tập thể tạo điều kiện thuận lợi cho mô hình làm việc từ xa trong thời kỳ Covid-19 hiện đã phát triển thành các khuôn khổ chung dài hơi hơn để đảm bảo các phương thức làm việc thỏa đáng đối với cả mô hình làm việc kết hợp (cả làm trực tiếp và làm từ xa) và làm việc từ xa.

Thỏa ước lao động tập thể đề cập đến vấn đề thay đổi trong tổ chức công việc, đào tạo đầy đủ và các chi phí liên quan đến làm việc từ xa. Một số thỏa ước lao động tập thể còn đề cập đến vấn đề an ninh mạng và bảo vệ dữ liệu.

Một số thỏa ước "điều chỉnh lại" thời giờ làm việc, khẳng định thời giờ nghỉ ngơi thông qua quyền ngắt kết nối, một mặt ấn định ngày và giờ nhân viên phải liên lạc, mặt khác tăng quyền tự chủ và mức độ kiểm soát của người lao động đối với lịch trình làm việc của họ.

Các thỏa ước lao động tập thể cũng hướng đến tính bao trùm và hội nhập trong lực lượng lao động cũng như sự bình đẳng về cơ hội của người lao động làm việc ngoài DN và lao động tại chỗ.

Tổng Giám đốc ILO - ông Guy Ryder - cho biết: “Thương lượng tập thể đã và đang đóng vai trò quan trọng trong thời kỳ đại dịch, giúp tôi luyện khả năng chống chịu bằng cách bảo vệ người lao động và DN, đảm bảo tính liên tục trong hoạt động kinh doanh cũng như bảo vệ việc làm và thu nhập. Đây là một phương tiện hiệu quả để người sử dụng lao động và người lao động đi đến đồng thuận đối với các giải pháp bao trùm nhằm giải quyết những thách thức chung, giảm thiểu tác động của các cuộc khủng hoảng hiện tại và tương lai mà nền kinh tế, DN, người lao động phải đối mặt”.

Công cụ thiết yếu để thực hiện công cuộc phục hồi

ILO cho rằng, thương lượng tập thể là công cụ cần thiết để đối phó với những thách thức về việc làm; đóng góp đáng kể cho công tác quản trị, tác động tích cực đến sự ổn định, bình đẳng, tuân thủ và khả năng chống chịu của DN và thị trường lao động. Theo đó, một số ưu tiên dưới đây cần giải quyết:

Phục hồi các tổ chức của người sử dụng lao động và người lao động: Một công cuộc phục hồi lấy con người làm trung tâm phải đảm bảo rằng người sử dụng lao động và người lao động có tiếng nói trong các quyết định và chính sách ảnh hưởng đến họ. Chức năng đại diện của các Tổ chức Thành viên Doanh nghiệp và Người sử dụng lao động (EBMO) và các tổ chức công đoàn là nền tảng của đối thoại xã hội hiệu quả.

Công nhận hiệu quả quyền thương lượng tập thể của mọi người lao động: Những thay đổi đang diễn ra trong thế giới việc làm đòi hỏi phải củng cố các thiết chế việc làm để bảo vệ đầy đủ cho mọi người lao động, bao gồm cả việc công nhận hiệu quả quyền thương lượng tập thể.

Thúc đẩy công cuộc phục hồi toàn diện, bền vững và có khả năng chống chịu: Thương lượng tập thể cần giải quyết tình trạng bất bình đẳng, đảm bảo mọi người đều có quyền tiếp cận, đảm bảo an ninh kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi đúng đắn, đạt được sự linh hoạt về thời gian làm việc và cải thiện sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống, theo đuổi một chương trình nghị sự mang tính chuyển đổi vì bình đẳng giới và thúc đẩy DN bền vững.

Hỗ trợ thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 về Phát triển bền vững: Các tổ chức của người sử dụng lao động và người lao động đóng vai trò rất quan trọng trong việc đạt được Mục tiêu số 8 về phát triển bền vững (về việc làm thỏa đáng và tăng trưởng kinh tế) và hỗ trợ các mục tiêu phát triển bền vững khác./.
THÀNH ĐỨC



Cùng chuyên mục
  • Xây dựng nền an sinh xã hội hiện đại, tiên tiến, bền vững
    2 năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Việc thực hiện các chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020 cần được đánh giá tổng thể theo hướng chỉ rõ các kết quả đạt được và những hạn chế, thiếu sót, từ đó đề xuất giải pháp xây dựng nền an sinh xã hội hiện đại, tiên tiến, phát triển bền vững.
  • Lãnh đạo Petrovietnam đôn đốc tiến độ Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2
    2 năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Kiểm tra và đôn đốc tiến độ Dự án Nhà máy Nhiệt điện (NMNĐ) Thái Bình 2, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) Lê Mạnh Hùng đã nghe thông tin từ Ban Quản lý Dự án và Tổng thầu PETROCONs sẽ nỗ lực hòa điện đồng bộ Tổ máy số 1 trước ngày 10/5/2022.
  • Tăng cường năng lực xuất khẩu cho doanh nghiệp ngành hàng gia vị, rau quả
    2 năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Sáng 06/5, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Tổ chức Oxfam tại Việt Nam tổ chức Hội thảo khởi động Dự án “Tăng cường năng lực xuất khẩu cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong ngành hàng gia vị, rau quả Việt Nam (SFV-Export)”.
  • Nâng chất lượng dự thảo văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư kinh doanh
    2 năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có ý kiến góp ý với Dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (Chương trình hành động) do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng.
  • Ngày 06/5, số mắc mới Covid-19 giảm còn 3.819 ca
    2 năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Theo Bản tin của Bộ Y tế, tính từ 16h ngày 05/5 đến 16h ngày 06/5, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 3.819 ca nhiễm mới, trong đó 0 ca nhập cảnh và 3.819 ca ghi nhận trong nước (giảm 486 ca so với ngày trước đó) tại 56 tỉnh, thành phố (có 2.706 ca trong cộng đồng).
Thỏa ước lao động tập thể giúp giải quyết các thách thức về việc làm