Thời gian thông quan giảm mạnh nhờ áp dụng phương pháp quản lý rủi ro

(BKTO) - Trước đây, toàn bộ hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK) đều phải kiểm tra và mỗi lô hàng phải mất từ 1 - 2 ngày mới hoàn thành thủ tục. Thế nhưng hiện nay, việc hoàn thành thủ tục kiểm tra mỗi lô hàng chỉ mất từ 1 - 2 giờ.



Phân luồng, giải phóng hàng hóa ngay khi hàng đến cảng

Theo Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), từ năm 2012 đến 2017, cả nước có 108.242 DN XNK. Số lượng DN tham gia XNK tăng mạnh và biến động qua các năm. Về cơ bản, các DN tham gia hoạt động XNK có quy mô vừa và nhỏ chiếm đa số, thường thiếu tính chuyên nghiệp, nguồn lực đầu tư cho hoạt động quản lý còn hạn chế. Bên cạnh đó, số DN hoạt động XNK không thường xuyên chiếm tỷ lệ cao, mức độ bền vững trong hoạt động kinh doanh thấp, luôn tiềm ẩn rủi ro. Đây là thách thức cho cơ quan Hải quan trong hoạt động thu thập thông tin và xác định đối tượng kiểm soát trọng điểm.

Trước đây, DN làm thủ tục để xuất trình hàng hóa và vận chuyển container từ nơi đã tập kết tới địa điểm soi chiếu phải theo chỉ dẫn phân luồng kiểm tra hoặc chuyển luồng kiểm tra máy soi.

Để thực hiện yêu cầu của Chính phủ về việc áp dụng phương pháp quản lý rủi ro (QLRR), kiểm tra trọng điểm, với mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020 theo tinh thần Nghị quyết số 19/NQ-CP năm 2017 của Chính phủ, ngành hải quan đã thay đổi căn bản phương thức quản lý, kiểm tra chuyên ngành, thực hiện nguyên tắc QLRR và từng bước hoàn hiện cơ chế.

Các cơ quan hải quan đã xác định đối tượng có rủi ro cao và ưu tiên tập trung nguồn lực vào quản lý đối tượng này. Đến nay, cơ quan Hải quan đã thu thập, phân tích, đánh giá thông tin trước khi hàng đến cảng, thực hiện soi chiếu ngay từ khi container hàng hóa được xếp dỡ, thực hiện phân luồng trước khi hàng đến cảng để thông quan hoặc giải phóng hàng hóa ngay khi đến cảng.

Không chỉ có vậy, công tác QLRR ngày càng được chú trọng, mở rộng về phạm vi và chuyên sâu về nghiệp vụ, như: phân luồng quyết định soi chiếu hàng hóa nhập khẩu trước khi làm thủ tục hải quan, phân luồng quyết định kiểm tra trong thực hiện thủ tục hải quan, phân luồng quyết định soi chiếu hàng hóa xuất khẩu sau khi đã thông quan… Các hoạt động phân luồng để quyết định kiểm tra này đều có sự liên kết, kế thừa chuỗi các quy trình quản lý và dựa trên quy trình QLRR thống nhất.

Để thực hiện tốt công tác QLRR, năm 2018, Tổng cục Hải quan đã ban hành Kế hoạch thu thập, xử lý thông tin QLRR, trong đó đặt mục tiêu thu thập, cập nhật thông tin của 30.000 hồ sơ DN hoạt động XNK, 100% DN kinh doanh kho ngoại quan, kinh doanh cảng, kho, bãi; 100% DN giải thể, phá sản, ngừng hoạt động, tạm dừng hoạt động. Cùng với đó, ngành đã tập trung thu thập, cập nhật thông tin về hàng hóa XNK thuộc danh mục quản lý chuyên ngành, các mặt hàng trọng điểm, hàng hóa quá thời hạn làm thủ tục XNK tồn đọng tại kho, bãi, cảng, hàng hóa trước khi đến cảng… để sớm có biện pháp xử lý, thông quan hàng hóa.

Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tập huấn cho cán bộ, công chức hải quan về việc áp dụng cơ chế QLRR vào hoạt động nghiệp vụ, nhằm nâng cao năng lực kiểm tra, giám sát, qua đó góp phần nâng cao năng lực kiểm soát hoạt động XNK cho cán bộ, công chức hải quan, tăng thu ngân sách, chống buôn lậu, gian lận thương mại, chống thất thu thuế.

Mỗi lô hàng kiểm tra qua luồng đỏ chỉ mất từ 1 - 2 giờ

Để áp dụng phương pháp QLRR, cơ quan Hải quan sẽ phải thường xuyên theo dõi, phân tích, đánh giá tình hình hoạt động và việc chấp hành pháp luật của DN, phân loại rủi ro đối với DN hoạt động XNK, kiểm tra DN không tuân thủ pháp luật, ghi nhận và đề xuất điều chỉnh các chế độ, chính sách, quy trình thủ tục… Mặt khác, việc này còn giúp cho DN XNK tuân thủ pháp luật, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa. Theo đó, sau khi cơ quan Hải quan nhập thông tin DN vào hệ thống QLRR, căn cứ vào mức độ tuân thủ của DN, hàng hóa của DN sẽ được hệ thống thông quan hàng hóa tự động phân luồng theo 3 cấp độ: miễn kiểm tra (luồng xanh), kiểm tra hồ sơ (luồng vàng), kiểm tra hồ sơ và kiểm tra thực tế hàng hóa (luồng đỏ).

Với việc áp dụng cơ chế QLRR, phân tích thông tin, thực hiện phân luồng trước khi hàng đến cảng, đã có tới gần 60% tờ khai đối với hàng hóa XNK được miễn kiểm tra, số kiểm tra hồ sơ và kiểm tra thực tế hàng hóa chỉ chiếm hơn 5%.

Đến ngày 15/8/2018, toàn ngành hải quan đã thực hiện điều phối, đánh giá rủi ro phục vụ phân luồng quyết định kiểm tra hải quan đối với 7.278.646 tờ khai XNK, tương đương 856.311 tờ khai/tháng. Cụ thể là, luồng xanh có 4.314.574 tờ khai, chiếm 59,28%; luồng vàng có 2.597.062 tờ khai, chiếm 35,68%; luồng đỏ có 367.010 tờ khai, chiếm 5,048%. Trong khi đó, trước đây, 100% hàng hóa XNK đều phải kiểm tra và mỗi lô hàng phải mất từ 1 - 2 ngày mới hoàn thành thủ tục. Từ khi áp dụng QLRR, mỗi lô hàng kiểm tra qua luồng đỏ chỉ còn mất từ 1 - 2 giờ.

Theo đánh giá của các DN XNK, việc áp dụng cơ chế QLRR đã giúp giảm đáng kể thời gian và chi phí cho DN trong quá trình làm thủ tục hải quan cũng như chi phí vận hành máy móc và tổ chức sản xuất của đơn vị kinh doanh cảng, đồng thời giúp cho cơ quan Hải quan chủ động kiểm tra, giám sát hải quan với đối tượng trọng điểm, có rủi ro cao, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại.

Đại diện Tổng cục Hải quan cho biết, cơ quan này sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra chuyên ngành, hoàn thiện công tác QLRR, đảm bảo xử lý, phân luồng thông suốt, đáp ứng yêu cầu tự động hóa, điện tử hóa thủ tục hải quan, hài hòa giữa việc tạo thuận lợi thương mại với hoạt động kiểm soát.

MINH ANH
Theo Báo Kiểm toán số 40 ra ngày 04-10-2018
Cùng chuyên mục
Thời gian thông quan giảm mạnh nhờ áp dụng phương pháp quản lý rủi ro