Văn hóa giúp doanh nghiệp phát triển bền vững trong thời Cách mạng công nghiệp 4.0

(BKTO) - “Văn hóa doanh nghiệp thời cách mạng công nghiệp 4.0” là chủ đề của Diễn đàn do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Deloitte Việt Nam và Hiệp hội Nữ doanh nhân Hà Nội tổ chức chiều 03/10, tại Hà Nội. Chương trình thu hút sự tham gia của các chuyên gia kinh tế và gần 200 đại diện hiệp hội ngành nghề, DN, trong đó có nhiều DN lĩnh vực kiểm toán và tư vấn tài chính.



Văn hóa giúp nâng caosức mạnh doanh nghiệp

Diễn đàn nhằm trợ giúp các DN nhận thức và xây dựng văn hóa DN vững mạnh để có thể tiếp tục phát triển trong thời kỳ mới của nền kinh tế. Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) đã và đang diễn ra trên toàn thế giới với tốc độ lan tỏa nhanh chóng và sức ảnh hưởng mạnh mẽ, tác động lên nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh của các DN. Cùng với xu hướng hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, CMCN 4.0 đang mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra không ít thách thức cho các DN. Điều đó đòi hỏi DN phải nâng cao năng lực cạnh tranh, trình độ quản lý, phát triển công nghệ và đặc biệt là phải chú trọng vào hoạt động quản trị DN, trong đó, văn hóa DN được coi là yếu tố quan trọng để xây dựng DN phát triển bền vững.

TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI - nhận định, trong thời kỳ CMCN 4.0, DN có phát triển được bền vững hay không sẽ không chỉ dựa trên sự đầu tư vào công nghệ mà còn dựa trên cả sự đầu tư vào văn hóa DN.

Còn bà Hà Thu Thanh - Chủ tịch HĐTV của Deloitte Việt Nam - cho rằng, toàn cầu đang thực sự bước vào thời kỳ CMCN 4.0 với những thay đổi đột phá mạnh mẽ, có giá trị bị mất đi, có giá trị mới xuất hiện. CMCN 4.0 sẽ thay đổi phương thức quản lý và kỹ năng tương tác trong quản lý, trong đó có tương tác giữa con người với con người, giữa con người với máy móc và tác động lớn đến văn hóa DN.

Chia sẻ với Diễn đàn trước thềm các hoạt động kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, TS. Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh: “Trong thời đại mới, DN muốn phát triển phải dựa trên 3 trụ cột: tinh thần DN - văn hóa DN - CMCN 4.0, trong đó, tinh thần là tay lái, văn hóa là bánh xe và CMCN 4.0 là con đường tiến lên, thiếu văn hóa DN như ngôi nhà thiếu trụ cột, như cỗ xe thiếu tay lái, như hành trình thiếu ngọn đuốc soi đường”.

“CMCN 4.0 sẽ là bánh xe lớn thúc đẩy các DN tiến cao hơn, xa hơn hoặc có thể sẽ bị bật ra ngoài vòng quay đó. Việc xây dựng văn hóa DN thời 4.0 tốt sẽ giúp hài hòa và tạo sự hợp tác, tương tác tốt giữa con người với robot trong công việc, từ đó tận dụng được cơ hội mà CMCN 4.0 mang lại” - ông Lộc ví von.

Tuy nhiên, Chủ tịch VCCI cũng thẳng thắn nêu rõ: Văn hóa DN có vai trò dẫn dắt và bao dung chứ không ăn theo sự phát triển của công nghệ. DN không thể có thương hiệu mạnh và phát triển bền vững nếu thiếu một nền tảng văn hóa DN mạnh.

Văn hóa doanh nghiệpphải mang bản sắc riêng

Cùng dẫn ra câu nói nổi tiếng của Franklin Covey: “Đối thủ của chúng ta có thể sao chép tất cả mọi thứ, từ chiến lược, sản phẩm, hệ thống quy trình cho đến bí quyết công nghệ…, chỉ trừ một thứ duy nhất họ không thể sao chép hay ăn cắp được, đó chính là văn hóa của chúng ta” - TS. Vũ Tiến Lộc và Hiệu trưởng Trường Doanh nhân PACE Giản Tư Trung đều khẳng định, văn hóa DN là không thể sao chép mà phải là bản sắc riêng.

Tâm đắc với quan điểm của TS. Vũ Tiến Lộc về CMCN 4.0 sẽ đẩy DN đi rất nhanh nhưng không có văn hóa DN thì sẽ trở thành thảm họa, ông Giản Tư Trung cho rằng: Chúng ta đang sống trong thế giới biến động chóng mặt khôn lường, thời 4.0 chính là thời “gỡ cửa” - không còn khoảng cách, không còn khép kín. Để thích nghi và tồn tại, DN phải định nghĩa lại tất cả mọi thứ bởi nhiều chuẩn mực và giá trị cũ đã không còn phù hợp, phải tìm ra những giá trị phổ quát và những nguyên lý trường tồn, cần tìm về bản chất của mọi vấn đề và trả lại chân giá trị cho mọi chuyện.

Ông Trung đúc kết, trên thực tế, nhiều DN kiến tạo văn hóa nhưng rất ít DN thành công. Có 4 nguyên nhân khiến DN thất bại, đó là: thiếu nhận thức sâu sắc về văn hóa, vai trò của văn hóa đối với sự phát triển bền vững của DN; thiếu một tầm nhìn và giấc mơ; thiếu phương pháp và giải pháp; thiếu nỗ lực kiên trì và bền bỉ.

Hướng về CMCN 4.0, ông Vũ Tiến Lộc dự báo: Trong tương lai, có thể tất cả các CEO (Giám đốc điều hành DN) sẽ về hưu sớm, bởi người máy sẽ quyết định về quản trị và công nghệ, nhưng doanh nhân sẽ luôn là người thắp lửa, giữ lửa cho nền kinh tế. Vì vậy, tuy phát triển sản xuất kinh doanh nhờ thế giới “ảo” nhưng doanh nhân phải làm rất thật.

Đồng quan điểm với bà Hà Thu Thanh rằng việc tạo nên một nền tảng văn hóa DN trong thời CMCN 4.0 phải dựa trên sự tương tác giữa con người và robot, trong đó, công nghệ và quản trị có thể được thực hiện bởi robot, nhưng giá trị đạo đức và niềm tin thì chỉ riêng con người - doanh nhân mới có thể tạo ra. Doanh nhân sẽ phải là người thắp lửa, là phần hồn của DN.

Theo bà Hà Thu Thanh, CMCN 4.0 sẽ mang lại cơ hội lớn cho mọi DN, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa. Các DN nhỏ và vừa có thể đi nhanh và nắm bắt cơ hội của xu thế 4.0 nếu thực sự nhận thức rằng văn hóa DN là giá trị cốt lõi quyết định năng lực cạnh tranh riêng của DN và đó là yếu tố quan trọng để DN phát triển bền vững.

Bày tỏ sự chú trọng đến việc hỗ trợ các DN nhỏ và vừa xây dựng văn hóa DN trong thời CMCN 4.0, bà Hà Thu Thanh cho biết, sau Diễn đàn, Deloitte sẽ có nhiều chuyên đề chuyên sâu để tư vấn cho DN hình thành, xây dựng văn hóa DN thời CMCN 4.0 một cách đồng bộ, hiệu quả, qua đó giúp DN phát triển bền vững trong thời đại mới.

H.THOAN
Theo Báo Kiểm toán số 40 ra ngày 04-10-2018
Cùng chuyên mục
Văn hóa giúp doanh nghiệp phát triển bền vững trong thời Cách mạng công nghiệp 4.0