EVFTA là một trong những Hiệp định Thương mại tự do (FTA) toàn diện thế hệ mới với những cam kết cắt giảm thuế quan mạnh mẽ, mở cửa các lĩnh vực dịch vụ, thiết lập một cơ chế hiệu quả để giải quyết các tranh chấp, giải quyết các rào cản kỹ thuật tạo ra một “sân chơi” bình đẳng, bảo vệ các tiêu chuẩn xã hội và môi trường. Bà Jana Herceg - Phó đại diện Thương mại và Kinh tế Phái đoàn EU tại Việt Nam nêu rõ: “99% các loại thuế tính trên cả giá trị thương mại và số dòng thuế sẽ được tự do hóa sau 7 năm đối với EU và sau 10 năm đối với Việt Nam. Ngay tại thời điểm Hiệp định có hiệu lực, cắt giảm thuế quan sẽ bao phủ 71% giá trị hàng xuất khẩu của Việt Nam và 84% số dòng thuế; bao phủ 65% giá trị hàng xuất khẩu của EU và 49% số dòng thuế”.
Đặc biệt, bà Jana Herceg cho biết, EVFTA sẽ thừa nhận và bảo vệ ở mức cao đối với các Chỉ dẫn địa lý của các loại thực phẩm, mức tương đương với những quy định pháp lý về Chỉ dẫn địa lý của EU. Theo đó, có 169 Chỉ dẫn địa lý của EU và 39 sản phẩm của Việt Nam sẽ nhận được sự bảo hộ Chỉ dẫn địa lý trực tiếp thông qua FTA này. Đồng thời, nhiều Chỉ dẫn địa lý mới có thể được xem xét, bổ sung trong tương lai.
Theo bà Cao Thanh Diệp - Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương), EVFTA sẽ tác động mạnh đến nền kinh tế của Việt Nam. Cơ hội mở ra là hàng hóa Việt Nam sẽ rộng đường xuất khẩu vào EU. Nếu như ở thời điểm này, xuất khẩu của Việt Nam chỉ đạt 1,5% tổng nhập khẩu của EU và chỉ có xấp xỉ 42% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào EU được hưởng thuế 0% (trong đó đã bao gồm cả ưu đãi thuế quan phổ cập GSP mà EU dành riêng cho một số mặt hàng của các nước đang phát triển). Với việc FTA này được ký kết và có hiệu lực, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào EU dự kiến tăng bình quân 21%/năm, tương đương 85 tỷ USD vào năm 2020 và 220 tỷ USD vào năm 2025. Trong khi nếu không có EVFTA thì xuất khẩu của Việt Nam vào EU dự kiến chỉ tăng bình quân 16 - 18%/năm, tương đương 69 tỷ USD vào năm 2020 và 144 tỷ USD vào năm 2025.
Các chuyên gia cho rằng, một số nhóm hàng nông sản, thủy sản, dệt may, da giày, gỗ và sản phẩm gỗ… xuất khẩu sẽ được hưởng lợi ích lớn từ EVFTA.
FTA toàn diện nhưng nhiều thách thức
Bên cạnh cơ hội ổn định và mở rộng nguồn nhập khẩu đầu vào cho sản xuất trong nước, tiêu dùng sản phẩm chất lượng cao, với EVFTA, Việt Nam còn có thể đa dạng hóa quan hệ kinh tế, thương mại, nâng cao tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế, tránh phụ thuộc vào một số thị trường lớn khác. EVFTA cũng là cơ sở để Việt Nam thúc đẩy thu hút đầu tư nước ngoài (nhất là nguồn vốn chất lượng cao từ EU) và từ các nguồn khác khi môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện cho phù hợp với yêu cầu của cam kết toàn diện trong EVFTA. Hiệp định không chỉ mở ra cơ hội tiếp cận thị trường cho DN hai bên mà còn giúp DN tiếp cận nguồn công nghệ hiện đại, học hỏi kỹ năng quản lý…
Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam cũng sẽ phải chịu sức ép cạnh tranh. Nhưng theo bà Cao Thanh Diệp thì qua các nghiên cứu, Bộ Công thương dự kiến dự kiến sức ép cạnh tranh sẽ không quá tiêu cực và hội nhập là con đường tất yếu mà nền kinh tế Việt Nam phải tham gia. Không dừng lại ở đó, đối với các DN Việt Nam, thách thức lớn hơn nữa là khả năng tận dụng ưu đãi của Hiệp định, khả năng đáp ứng các yêu cầu vốn rất cao của thị trường EU. Đối với các nhà quản lý, thách thức chính là điều chỉnh hệ thống pháp luật, thể chế liên quan cho phù hợp với yêu cầu.
Theo các chuyên gia quốc tế, “Cùng có lợi” - “Quan hệ đối tác” - “Quá trình chuẩn bị” chính là 3 bánh xe trong guồng quay để đảm bảo cho việc thực thi EVFTA đạt hiệu quả, nếu guồng quay khớp và nhuần nhuyễn, Việt Nam sẽ được hưởng lợi lớn từ hội nhập với thị trường EU. Để hỗ trợ các thành viên trong Hiệp định, nhất là Việt Nam, EVFTA đã dành hẳn một chương về hợp tác nhằm đảm bảo việc thực thi hiệu quả FTA. Trong đó có những chương trình hỗ trợ kỹ thuật cụ thể như sửa đổi luật, xây dựng năng lực cạnh tranh cho DN, thuận lợi hóa thương mại, tuân thủ các tiêu chuẩn, đáp ứng các yêu cầu về kiểm dịch động - thực vật.
Chia sẻ về việc hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam, ông Nguyễn Tuấn Hải - Giám đốc Dự án hỗ trợ phát triển xuất khẩu nông - thủy sản vào thị trường Phần Lan - Bắc Âu 2014-2016 (Dự án FLC) do Chính phủ Phần Lan tài trợ, cho biết: chúng tôi đã và đang thực hiện hỗ trợ các DN Việt Nam ứng dụng thương mại điện tử vào giao thương xuất nhập khẩu; kết nối DN tìm kiếm khách hàng mới, tổ chức đoàn DN khảo sát thị trường; tổ chức hội thảo chia sẻ thông tin, phổ biến kinh nghiệm liên quan. Qua đó, Dự án FLC đã hỗ trợ được cho nhiều DN Việt Nam, nhất là các DN tại TP.HCM và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, thâm nhập sâu rộng vào thị trường Phần Lan và Bắc Âu.
QUỲNH ANH