Thông điệp từ tăng trưởng kinh tế quý I/2023

TS. NGUYỄN MINH PHONG | 20/04/2023 11:04

Những kết quả về kinh tế quý I/2023 cho thấy mặt trái bất cập và rủi ro khi nền kinh tế vĩ mô và vi mô có sự phụ thuộc cao vào một số ngành, một số thị trường và một vài đối tác, tập đoàn kinh tế và cả dòng vốn đầu tư nước ngoài trong một thế giới ngày càng nhiều bất định, khó lường hơn.

dsc_0894.jpg
Việt Nam cần nhiều hơn nữa những nỗ lực đột phá hiệu quả trong phản ứng chính sách và phản ứng thị trường. Ảnh tư liệu

Việt Nam bước vào năm 2023 với tâm thế tự tin, với “Chỉ số hạnh phúc toàn cầu” của Việt Nam tăng 12 bậc trong xếp hạng của Liên hiệp quốc năm 2023; với nền tảng vĩ mô ổn định và đà phục hồi kinh tế ấn tượng của năm 2022, khi trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 của ASEAN và thứ 40 của thế giới, năng động và có độ mở cao, quy mô thương mại quốc tế nằm trong TOP20 của thế giới. Cùng với đó, Chỉ số sẵn sàng trí tuệ nhân tạo (AI) xếp hạng 55 toàn cầu và xếp thứ 6/10 trong ASEAN; xếp thứ 30 trong bảng xếp hạng các quốc gia hùng mạnh nhất thế giới 2022 của Tạp chí Mỹ US News & World Report (US News), với GDP được ước tính là 363 tỷ USD, GDP bình quân đầu người 11.553 USD. Cộng đồng khoảng 900.000 doanh nghiệp ngày càng lớn mạnh và thị trường trong nước tiếp tục mở rộng, với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý I/2023 tăng 13,9% (loại trừ yếu tố giá tăng 10,3% so cùng kỳ năm 2022).

Bên cạnh đó, theo nhiều dự báo từ cuối năm 2022 và liên tục được cập nhật trong những tháng đầu năm 2023, Việt Nam cũng như nền kinh tế thế giới trong năm 2023 sẽ có nhiều khó khăn hơn năm 2022, nổi bật là tăng trưởng kinh tế và quy mô thương mại toàn cầu chậm lại; suy giảm tổng cầu tiêu dùng, giảm sút đơn hàng, thu hẹp thị phần xuất khẩu và gia tăng các hàng rào kỹ thuật, kiểm soát chất lượng, xuất xứ sản phẩm xuất khẩu ngày càng nghiêm ngặt hơn, nhất là các thị trường lớn của Việt Nam; giá một số mặt hàng chiến lược, nguyên vật liệu đầu vào không ổn định, thị trường năng lượng và nhiều xung đột địa chính trị khu vực diễn biến bất thường, gây hệ lụy tiêu cực khó lường cho kinh tế toàn cầu và mỗi quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Thực tế cũng cho thấy, theo Tổng cục Thống kê, trong quý I/2023, tăng trưởng kinh tế cả nước chỉ đạt 3,32% GDP so với cùng kỳ năm trước. Tổng sản phẩm trên địa bàn ghi nhận tăng ở 58 địa phương và giảm ở 5 địa phương trên cả nước. Một số địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm có tốc độ tăng GRDP ở mức thấp và giảm so với cùng kỳ năm trước chủ yếu do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng thấp hoặc giảm, như: Bình Dương tăng 1,15%; TP. Hồ Chí Minh tăng 0,7%; Quảng Ngãi giảm 1,07%; Vĩnh Phúc giảm 2,47%; Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 4,75%; Quảng Nam giảm 10,88%; Bắc Ninh giảm tới 11,85%.

Đồng thời, trong nền kinh tế cũng ghi nhận xu hướng suy giảm nhiều chỉ số kinh tế quan trọng, như: Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp giảm 0,82%; chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 2,9%; chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 19,8; doanh nghiệp đăng ký mới giảm 2% về số doanh nghiệp, giảm 34,1% về vốn đăng ký, giảm 32,8% vốn đăng ký bình quân và giảm 12,8% về số lao động; số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế giảm 35,8%. Bình quân một tháng có gần 19.000 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tức ít hơn số gần 20.100 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường do tăng số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn (tăng 20,1%), ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể (tăng 13,1%) và hoàn tất thủ tục giải thể (tăng 6,5%). Đồng thời, có tới 38,5% số doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được hỏi đánh giá gặp khó khăn trong quý I/2023 so với quý IV/2022 và 20,6% số doanh nghiệp dự báo quý II/2023 sẽ khó khăn hơn quý I/2023. Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/3/2023 (bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài) đạt 5,45 tỷ USD, giảm tới 38,8% và FDI thực hiện cũng giảm so với cùng kỳ năm trước.

Ngoài ra, CPI bình quân tăng 4,18% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân tăng 5,01%, trong khi tín dụng toàn nền kinh tế chỉ tăng 2,06% so với cuối năm 2022, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội (giá hiện hành) tăng 3,7% (vốn khu vực nhà nước chiếm 26,2% và tăng 11,5%; khu vực ngoài nhà nước chiếm 56,4%, tăng 1,8%; khu vực FDI chiếm 17,4% và giảm 1,1%).

Đặc biệt, cộng đồng doanh nghiệp đang đối diện tình trạng vốn vay tín dụng chịu lãi suất cao (trong khi doanh nghiệp cần dòng vốn dài hạn 7-10 năm, với lãi suất không quá 10%/năm), sự trì trệ của thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản và các chi phí không chính thức chậm cải thiện; nợ của nhiều doanh nghiệp đang tăng mạnh. Nhiều doanh nghiệp buộc phải cắt giảm lao động, giờ làm, dẫn đến giảm thu nhập của người dân và gia tăng áp lực bảo đảm an sinh xã hội…

Những kết quả trên cho thấy mặt trái bất cập và rủi ro khi nền kinh tế vĩ mô và vi mô có sự phụ thuộc cao vào một số ngành, một số thị trường và một vài đối tác, tập đoàn kinh tế và cả dòng vốn đầu tư nước ngoài trong một thế giới ngày càng nhiều bất định, khó lường hơn.

Ngày 05/4/2023, ADB Việt Nam dự báo Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 2023 là 6,5% GDP. Tuy nhiên, thực tế đã, đang và sẽ còn cho thấy Việt Nam cần nhiều hơn nữa những nỗ lực đột phá hiệu quả hơn trong phản ứng chính sách và phản ứng thị trường trên hành trình vượt qua khó khăn trong nước và nước ngoài, để trở thành một trong những nền kinh tế có mức tăng trưởng cao nhất khu vực năm 2023./.

Cùng chuyên mục
  • Hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó năm 2023
    11 tháng trước Góc nhìn
    năm 2023, Việt Nam tiếp tục chịu sức ép lạm phát tiền tệ, lạm phát chi phí đẩy và lạm phát ngoại nhập cao. Trong bối cảnh đó, Quốc hội và Chính phủ đã chủ động kịp thời ban hành nhiều nghị quyết và biện pháp hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp.
  • Nghịch lý kinh tế quý I/2023
    11 tháng trước Góc nhìn
    Cuối tháng 3/2023, thị trường chứng khoán đã chính thức công bố hệ thống số liệu kinh tế vĩ mô quý I/2023. Theo đó, tình hình kinh tế quý I/2023 là đáng lo ngại với nhiều chỉ tiêu quan trọng tăng thấp, thậm chí bất ngờ sụt giảm mạnh.
  • Thông điệp “Nhà ở phải có người ở”…!
    một năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - “Nhà ở phải có người ở” là thông điệp mới mang tính nguyên tắc theo tinh thần của Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
  • Đảo chiều chính sách
    một năm trước Góc nhìn
    Đón đầu chính sách của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED), ngay từ ngày 15/3/2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chủ động giảm 0,5-1% tất cả lãi suất điều hành ngoại trừ lãi suất tái cấp vốn khi áp lực lên tỷ giá hối đoái đã giảm và lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát.
  • Thông điệp từ xếp hạng quốc tế của Việt Nam
    một năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Việt Nam xếp thứ 30 trong bảng xếp hạng các quốc gia hùng mạnh nhất thế giới năm 2022 của Tạp chí Mỹ US News & World Report (US News), với GDP được ước tính là 363 tỷ USD, GDP bình quân đầu người 11.553 USD (năm 2021 Việt Nam đứng thứ 47 trong số 78 quốc gia được US News đánh giá).
Thông điệp từ tăng trưởng kinh tế quý I/2023