Thông qua nhiều cơ chế, chính sách giải quyết các vấn đề cấp bách của Thủ đô

(BKTO) - Tại Kỳ họp thứ 13 (kỳ họp chuyên đề) HĐND Thành phố Hà Nội khoá XVI đã biểu quyết thông qua nhiều Nghị quyết để kịp thời quyết định các nội dung, cơ chế, chính sách, giải pháp quan trọng đảm bảo an sinh xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô.

1.jpeg
Quang cảnh Kỳ họp thứ 13 (kỳ họp chuyên đề) HĐND Thành phố Hà Nội khoá XVI. Ảnh: hanoi.gov.vn

Tăng cường các biện pháp phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ

Trước tình hình phức tạp của cháy nổ, đặc biệt là vụ cháy gần nhất xảy ra trên địa bàn quận Thanh Xuân, HĐND Thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về các biện pháp tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) và cứu nạn cứu hộ (CNCH) trên địa bàn Thanh phố; đồng thời đề ra 9 nhóm biện pháp chủ yếu để đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ.

9 nhóm biện pháp với 32 nhiệm vụ, chỉ tiêu được nêu ra trong Nghị quyết có các yêu cầu cụ thể gắn với tiến độ thời gian từ nay đến cuối năm 2023 và đến năm 2025. Trong đó, nhấn mạnh đến việc các biện pháp ngăn ngừa, khắc phục, xử lý khi sự cố cháy nổ xảy ra đối với các loại hình có nguy cơ cao như nhà ở nhiều căn hộ, cụm công nghiệp làng nghề, trung tâm thương mại…

Nghị quyết cũng chú trọng đến công tác tuyên truyền, tập huấn kỹ năng cứu hộ, thoát nạn; nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, kiến thức, kỹ năng xử lý tình huống cháy nổ, sự cố tai nạn của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, đơn vị và Nhân dân Thủ đô.

Một số biện pháp Nghị quyết nêu ra gồm: Tiếp tục hoàn thiện nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách pháp luật về PCCC và CNCH; Tăng cường xây dựng phong trào và nhân rộng các mô hình bảo đảm an toàn về PCCC và CNCH tại các khu dân cư, hộ gia đình, các địa bàn, cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao; Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn các điều kiện bảo đảm an toàn PCCC và CNCH - nhất là các đối tượng nguy cơ cháy, nổ cao; Tăng cường nguồn lực đầu tư cho công tác PCCC và CNCH.

Với 100% đại biểu có mặt tán thành, HĐND Thành phố Hà Nội khóa XVI đã thông qua Nghị quyết hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng tại thời điểm xảy ra vụ cháy tại quận Thanh Xuân, Hà Nội (ngày 12/9): Hỗ trợ người phải cấp cứu và điều trị tại cơ sở y tế là 30 triệu đồng/người. Trường hợp tử vong trong quá trình cấp cứu được hỗ trợ thêm cho thân nhân 20 triệu đồng/người từ ngân sách quận Thanh Xuân.

Thành phố hỗ trợ tiền tạm cư đối với hộ gia đình, cá nhân cư trú tại địa chỉ số 37, ngách 29/70, phố Khương Hạ, quận Thanh Xuân, Hà Nội: Hộ gia đình được hỗ trợ tạm cư 6 triệu đồng/tháng/hộ gia đình. Cá nhân ở ghép trong cùng một căn hộ hỗ trợ mức 1,5 triệu đồng/người/tháng. Thời gian hỗ trợ là 6 tháng.

TP Hà Nội hỗ trợ học sinh, sinh viên cư trú tại địa chỉ trên đang học tại các trường mẫu giáo, tiểu học, THCS, THPT, giáo dục thường xuyên, trung cấp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cao đẳng, đại học với mức 15 triệu đồng/học sinh, sinh viên. Trẻ em mồ côi cả cha và mẹ được hỗ trợ 100 triệu đồng/ trẻ; trẻ em mồ côi cha (hoặc mẹ) được hỗ trợ 70 triệu đồng/ trẻ. 

Ngoài ra, Thành phố cũng hỗ trợ đại diện thân nhân người tử vong với mức 50 triệu đồng/người tử vong. Hỗ trợ tang lễ, hỏa táng người tử vong tại vụ cháy hoặc trong thời gian cấp cứu, điều trị.

Điều chỉnh kế hoạch đầu tư công cấp thành phố năm 2023

Cũng tại Kỳ họp này, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết bổ sung kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 là 4.200 tỷ đồng từ nguồn thưởng vượt thu năm 2022. Điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2023 đã giao cho các nhiệm vụ, dự án.

Cụ thể, bổ sung 100 tỷ đồng nguồn vốn quyết toán dự án hoàn thành; hoàn trả ngân sách quận Long Biên đã ứng thực hiện các dự án nhiệm vụ chi cấp thành phố 162 tỷ đồng; điều chỉnh giảm nguồn vốn thực hiện nhiệm vụ quy hoạch 121,9 tỷ đồng; giảm và điều chỉnh kế hoạch đầu tư dự án cấp thành phố gần 455,3 tỷ đồng; tăng và điều chỉnh kế hoạch ngân sách thành phố hỗ trợ có mục tiêu cho các huyện, thị xã 315,2 tỷ đồng của 74 dự án.

Tính đến ngày 11/9, toàn Thành phố giải ngân 22.518 tỷ đồng, đạt 48% kế hoạch Trung ương giao; đạt 42,4% kế hoạch Thành phố giao; cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái (27,1%) và so với tình hình giải ngân chung của cả nước (39,6%). 

Luỹ kế giải ngân kế hoạch vốn năm 2022 kéo dài sang năm 2023 là 1.415,8 tỷ đồng, đạt 33,3% kế hoạch kéo dài. Tỷ lệ giải ngân vốn năm 2023 và kế hoạch năm 2022 kéo dài vẫn là thấp so với yêu cầu đặt ra.

Sau khi Trung ương có quyết định giao bổ sung nguồn thưởng vượt thu năm 2022, HĐND Thành phố giao UBND thành phố rà soát, cơ cấu lại nguồn vốn đầu tư công năm 2023 theo quy định pháp luật, trong đó cơ cấu Kế hoạch đầu tư công năm 2023 đã bố trí cho các dự án trọng điểm, quan trọng của thành phố từ nguồn xây dựng cơ bản tập trung trong nước sang nguồn thưởng vượt thu năm 2022.

Rà soát, phân bổ kế hoạch vốn cho các nhiệm vụ, dự án từ kế hoạch vốn nguồn xây dựng cơ bản tập trung trong nước sau khi được cơ cấu lại. Phân bổ kế hoạch vốn năm 2023 cho từng nhiệm vụ, dự án trên cơ sở hoàn thiện thủ tục đầu tư theo quy định của các nhiệm vụ, dự án và tuân thủ Luật Đầu tư công. Đối với kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 bổ sung, UBND Thành phố tiếp tục rà soát đánh giá nguồn lực dành cho đầu tư công trung hạn...

Tại Kỳ họp thứ 13 (kỳ họp chuyên đề) HĐND Thành phố Hà Nội khoá XVI đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê duyệt, điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án sử dụng vốn đầu tư công của Thành phố Hà Nội và tờ trình về việc lấy ý kiến tác động của việc thực hiện dự án thành phần 3 (Dự án PPP) thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội.

Theo đó, HĐND Thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư của 30 dự án với tổng mức đầu tư dự kiến gần 12.447 tỷ đồng, gồm: 1 dự án nhóm A, 20 dự án nhóm B và 9 dự án nhóm C; Phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư của 2 dự án nhóm A, 2 dự án nhóm B). Với dự án thành phần 3 về đầu tư xây dựng đường cao tốc theo phương thức đối tác công tư, theo tờ trình của UBND thành phố, dự án có tổng mức đầu tư 55.052 tỷ đồng.

Cùng chuyên mục
Thông qua nhiều cơ chế, chính sách giải quyết các vấn đề cấp bách của Thủ đô