Thông tư 08/2020/TT-NHNN: Tăng tính kỷ luật thị trường

(BKTO) - Theo quy định tại Thông tư 08/2020/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung Thông tư 22/2019/TT-NHNN, kể từ ngày 1/10/2023, tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của các ngân hàng sẽ về mức 30%.

Có thể thấy việc thực hiện giảm dần tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn đang theo một lộ trình khá rõ ràng và nghiêm ngặt. Trước đó, tỷ lệ này đã được điều chỉnh giảm dần từ 60% kể từ ngày 01/02/2015 về 45% từ ngày 01/01/2018; về 40% từ ngày 01/01/2020; về 37% từ ngày 01/10/2020; về 34% từ ngày 01/10/2021; và từ ngày 01/10/2023 sẽ là 30%.

Quy định trên được giới chuyên gia đánh giá là cần thiết nhằm lành mạnh hóa hoạt động tín dụng và đảm bảo thanh khoản, an toàn cho hệ thống ngân hàng về lâu dài; và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Thống kê mới đây của NHNN, khoảng 88% tiền gửi hệ thống ngân hàng ở kỳ hạn 12 tháng trở xuống, trong khi thời hạn cho vay phần nhiều lại là trung và dài hạn (trên 52% dư nợ tín dụng tiền đồng của hệ thống là trung và dài hạn). Như vậy, có thể thấy, nguồn vốn trung và dài hạn của ngân hàng không đủ để đáp ứng nhu cầu cho vay trung và dài hạn, nhất là các dự án bất động sản có thời gian vay kéo dài từ 10 - 25 năm.

Mặc dù vậy, cũng có ý kiến lo ngại quy định mới sẽ làm gia tăng áp lực lên hệ thống ngân hàng, ảnh hưởng đến hoạt động cấp tín dụng cho doanh nghiệp. Mới đây, Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA) đã đề nghị NHNN xem xét sửa đổi, bổ sung Thông tư 08 theo hướng gia hạn thêm 12 tháng đối với thời điểm áp dụng quy định các TCTD sử dụng tối đa 30% nguồn vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung hạn, dài hạn.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, đề nghị trên không phù hợp trong bối cảnh hiện tại. Một thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia nhận định, lộ trình giảm tỷ lệ sử dụng nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn đã được đưa ra nhiều năm qua và cũng đã trì hoãn không ít lần để hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế vượt qua khó khăn. Thời điểm này, nhiều yếu tố ủng hộ cho cơ quan quản lý không nên “delay” lộ trình giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn. Đó là về phía các ngân hàng hoạt động bài bản, công khai, minh bạch theo chuẩn quốc tế; thanh khoản hệ thống “xông xênh”, thậm chí vốn đang dư thừa do khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế vẫn thấp. Ngoài ra, bài học về sai lệch cơ cấu kỳ hạn xảy ra tại một số ngân hàng ảnh hưởng đến an toàn hệ thống…

“Chính vì vậy, không có lý do gì mà lại trì hoãn quy định trên thêm một năm nữa vừa giảm tính kỷ luật của thị trường vừa tiềm ẩn rủi ro trong dài hạn”, vị chuyên gia này khẳng định.

Đồng quan điểm, một chuyên gia kinh tế cho rằng, đã đến lúc thực hiện nghiêm túc lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn để đảm bảo an toàn cho hệ thống ngân hàng. Nếu để ngân hàng tiếp tục "lấy ngắn nuôi dài" sẽ tiếp tục chịu rủi ro. Thời gian tới, một mặt cần phải giảm dần gánh nặng về vốn trung, dài hạn cho hệ thống ngân hàng, mặt khác giải quyết những tồn tại trên thị trường vốn, trong đó có thị trường TPDN.

Ở một góc độ khác, báo cáo của Công ty cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) nhận định, trong ngắn hạn, việc hạ tỷ lệ này sẽ làm chậm quá trình giảm lãi suất cho vay những kỳ hạn dài. Đồng thời, quy định mới gây áp lực lên nhu cầu huy động kỳ hạn dài của các ngân hàng, làm tăng chi phí vốn của các ngân hàng, gây áp lực làm thu hẹp biên lãi ròng (NIM). Song, hiện tại với mặt bằng lãi suất huy động giảm mạnh thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây, lạm phát được kiểm soát.

Mặt khác, các ngân hàng muốn giải phóng vốn bị tồn kho thì xu hướng lãi suất cho vay trong thời gian tới sẽ tiếp tục giảm. KBSV cũng cho rằng trong dài hạn, với chủ trương lành mạnh hóa hoạt động tín dụng và bảo đảm thanh khoản cho hệ thống ngân hàng, việc áp dụng quy định mới được kỳ vọng sẽ giúp các ngân hàng kiểm soát tốt hơn rủi ro thanh khoản. Đồng thời, ổn định hoạt động trước những thay đổi trong và ngoài nước và thúc đẩy phát triển nền kinh tế bền vững.

Ở góc độ ngân hàng, nhiều ngân hàng đã sẵn sàng cho lộ trình này. CEO một ngân hàng cho biết, cấu trúc vốn các kỳ hạn tại ngân hàng được định hướng theo các chuẩn mực quốc tế về quản trị rủi ro. Do đó, ngân hàng đã sớm chủ động điều chỉnh tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn.

Trên thực tế, tính đến tháng 7/2023, hầu hết các ngân hàng đều đáp ứng tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung dài hạn là 34% theo quy định áp dụng từ 01/10/2022 đến ngày 30/09/2023. Tỷ lệ này duy trì ở mức 32,66% với nhóm các NHTMCP và 24,97% với nhóm NHTM có vốn nhà nước. Xét chung toàn hệ thống, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn là 26,14%.

Từ những phân tích trên có thể thấy, động thái điều chỉnh giảm tỷ lệ tối đa sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn không ảnh hưởng đến hoạt động cấp tín dụng của các ngân hàng. Nhất là đối với những ngân hàng chủ động giảm tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn dưới 10% gần như không chịu ảnh hưởng từ lộ trình mới này. Trong khi đó, nếu cứ trì hoãn thực hiện quy định của Thông tư 08 sẽ tạo tiền lệ xấu, giảm tính kỷ luật của thị trường. Nhất là trong bối cảnh thị trường biến động mạnh tiềm ẩn nhiều rủi ro càng cần phải tăng tính kỷ luật trong hoạt động./.

Cùng chuyên mục
Thông tư 08/2020/TT-NHNN: Tăng tính kỷ luật thị trường