Thúc đẩy tín dụng trên địa bàn Thái Nguyên

(BKTO) - Tính đến ngày 30/9/2023, dư nợ cho vay trên địa bàn Thái Nguyên đạt khoảng 86,6 nghìn tỷ đồng, tăng 4,51% so với 31/12/2022.

bmt4.jpg
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: NHNN

Ngày 04/10, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Hội nghị Kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Thông tin tại Hội nghị cho biết: Tình hình tín dụng trên địa bàn của một số ngành có xu hướng giảm.

Cụ thể, tín dụng ngành nông lâm, thủy sản giảm 0,29% so với cuối năm 2022; tín dụng ngành khai khoáng giảm 5,54%, chiếm tỷ trọng 1,57% đối với dư nợ tín dụng, ngành bán buôn, bán lẻ; sửa chữa mô tô, ô tô, xe máy và xe có động cơ khác giảm 1,09%, chiếm tỷ trọng 41,81%.

Tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên có sự sụt giảm, trong đó, dư nợ phát triển nông nghiệp, nông thôn giảm 10,23%, doanh nghiệp nhỏ và vừa giảm 6,28%.

Tuy nhiên, một số ngành, lĩnh vực tăng trưởng cao như: ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,55%, hoạt động kinh doanh bất động sản tăng 14,45%, dịch vụ lưu trú ăn uống tăng 14,31%. Dư nợ tín dụng đối với doanh nghiệp FDI tăng 30,98%, doanh nghiệp nhà nước tăng 7,36%.

Một số chương trình, chính sách tín dụng trên địa bàn cũng đạt kết quả khả quan như cho vay chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tín dụng chính sách ưu đãi qua Ngân hàng Chính sách xã hội...

Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã thực hiện cơ cấu nợ giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02 cho khách hàng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên là gần 626 tỷ đồng cho 57 lượt khách hàng.

Thái Nguyên cũng là địa phương chủ động, tích cực trong triển khai chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, góp phần tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng và các dịch vụ ngân hàng đối với người dân và doanh nghiệp trên địa bàn. Kết quả trên cho thấy, dư nợ tín dụng trên địa bàn tỉnh trong những tháng đầu năm có sự tăng trưởng khá, tập trung vào một số ngành, lĩnh vực như thương mại, dịch vụ, bất động sản. Tuy nhiên, so với các năm trước thì đây vẫn là mức thấp.

Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ các yếu tố khách quan như: cầu đầu tư, sản xuất kinh doanh, tiêu dùng giảm; một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, nhất là nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa; tác động từ khả năng hấp thụ tín dụng của nhóm bất động sản…

Để góp phần đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, bên cạnh các giải pháp của các bộ, ngành, địa phương, trong thời gian tới, ngành ngân hàng tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ khách hàng, chỉ đạo TCTD tích cực triển khai các nhiệm vụ của ngành ngân hàng tại Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trọng tâm là Chương trình Hỗ trợ lãi suất 2% qua hệ thống ngân hàng thương mại, các chương trình mục tiêu quốc gia; các chương trình, chính sách tín dụng đặc thù đối với một số ngành, lĩnh vực theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Ngành ngân hàng cũng sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn thuộc các lĩnh vực, ngành nghề, trong đó có chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định tại Thông tư số 02/2023/TT-NHNN ngày 23/4/2023.

Đồng thời, các chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp cũng được đẩy mạnh nhằm tăng cường thông tin, nắm bắt nhu cầu, kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc trong quan hệ tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn tín dụng của người dân, doanh nghiệp.

pham-thanh-ha.jpg
Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà: Ngành ngân hàng sẵn sàng triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: NHNN

Tại Hội nghị, Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cho biết: “Với tinh thần đồng hành, chia sẻ cùng người dân, doanh nghiệp, ngành ngân hàng sẵn sàng triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Những giải pháp của ngành ngân hàng và sự lãnh đạo, chỉ đạo, quan tâm sát sao của Tỉnh ủy, UBND, HĐND, cùng với các Sở, ban, ngành, các hội, hiệp hội sẽ giúp người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vượt qua khó khăn, đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo đà phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương và đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước trong thời gian tới”./.

Cùng chuyên mục
Thúc đẩy tín dụng trên địa bàn Thái Nguyên