Thu hẹp khoảng cách, hiện thực hóa mục tiêu phát triển kinh tế số

(BKTO) - Kinh tế số của Việt Nam đã có bước tăng trưởng cao nhưng vẫn còn khoảng cách khá xa so với mục tiêu đề ra là chiếm 20% GDP vào năm 2025. Để thu hẹp khoảng cách, hướng tới hiện thực hóa mục tiêu này, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần tự chủ công nghệ, phát triển các nền tảng số đáp ứng nhu cầu trong nước, đồng thời tăng cường hợp tác quốc tế để mở rộng thị trường và hội nhập với nền kinh tế số thế giới.

21-kinh-te-so.jpg
Các doanh nghiệp Việt Nam đã sản xuất, làm chủ những sản phẩm công nghệ số. Ảnh sưu tầm

Kinh tế số tăng trưởng trên cả 3 khía cạnh…

Kinh tế số Việt Nam gồm 3 thành phần chính: Kinh tế số ICT (công nghiệp công nghệ thông tin, dịch vụ viễn thông); kinh tế số nền tảng (hoạt động kinh tế của các nền tảng số, các hệ thống trực tuyến kết nối giữa cung - cầu và các dịch vụ trực tuyến trên mạng); kinh tế số ngành (hoạt động kinh tế số trong các ngành, lĩnh vực). Trong 3 thành phần này, kinh tế số nền tảng và kinh tế số ngành còn nhiều dư địa phát triển.

Theo Báo cáo thường niên “Nền kinh tế số Đông Nam Á” lần thứ 7 do Google, Temasek, Bain & Company thực hiện và công bố, nền kinh tế số của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất tại khu vực Đông Nam Á với tổng giá trị hàng hóa dự kiến tăng 28%, đạt mức 23 tỷ USD trong năm 2022. Trong khối ASEAN, Việt Nam đứng thứ 3 về thu hút vốn khởi nghiệp và đóng góp 4/27 kỳ lân công nghệ (công ty khởi nghiệp công nghệ được định giá trên 1 tỷ USD), dẫn đầu nhóm 34 quốc gia thu nhập trung bình thấp, với thứ hạng 44/132 về chỉ số đổi mới toàn cầu.

Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TTTT) - Cơ quan thường trực của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số - cho biết, quy mô nền kinh tế số ghi nhận sự tăng trưởng trên cả 3 khía cạnh: Kinh tế số ICT, kinh tế số nền tảng và kinh tế số ngành. Trong đó, đóng góp nhiều nhất cho kinh tế số là hoạt động dịch vụ công nghệ thông tin (chiếm khoảng 30% tổng giá trị đóng góp của kinh tế số), tiếp đến là thương mại điện tử (14,3%), sản xuất phần cứng (12,83%), hoạt động có tốc độ tăng trưởng cao nhất là thông tin nội dung số (quý IV/2022 tăng gần 104% so với quý I/2022). Ngoài ngành TTTT, 3 lĩnh vực có đóng góp lớn là các hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ với 23,17%; hoạt động của Đảng, tổ chức chính trị xã hội, quản lý nhà nước, an ninh quốc phòng với 18,54%; nghệ thuật, vui chơi, giải trí với 12,09%...

Các doanh nghiệp số của Việt Nam đã đầu tư kinh doanh ở các nước phát triển như: Hoa Kỳ, Nhật Bản. Doanh thu từ thị trường nước ngoài về viễn thông của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) đạt 3 tỷ USD; doanh thu của FPT về công nghệ thông tin, chuyển đổi số đã đạt 1 tỷ USD. Các doanh nghiệp công nghệ số như: VNPT, Viettel, CMC, FPT… có tiềm lực, đóng góp lớn trong phát triển chính quyền số, kinh tế số. Các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã sản xuất, làm chủ những sản phẩm, nền tảng công nghệ chuyển đổi số trong nước… Đây là những kết quả tích cực bước đầu trong phát triển kinh tế số.

…Nhưng vẫn còn khá xa mục tiêu năm 2025

Mặc dù kinh tế số của Việt Nam đã có bước tăng trưởng cao so với các nước trong khu vực nhưng vẫn còn khoảng cách khá xa so với mục tiêu đề ra là chiếm 20% GDP vào năm 2025 theo Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (năm 2022 đạt 14,26% GDP). Ông Lê Hoàng Hải - Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội - cho rằng, bên cạnh một số kết quả ấn tượng, Việt Nam cũng đang đối diện với không ít thách thức về thể chế kinh tế số.

Để phát triển kinh tế số, theo ông Hải, thứ nhất, cần hoàn thiện thể chế kinh tế số, sớm ban hành Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân; ban hành Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) để tạo hành lang pháp lý rõ ràng, thúc đẩy các giao dịch điện tử tin cậy, an toàn, phù hợp với thông lệ quốc tế. Thứ hai, xây dựng khung pháp lý thử nghiệm có kiểm soát để hỗ trợ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, các mô hình kinh doanh số, tài sản số, cho vay ngân hàng, huy động vốn cộng đồng, bất động sản số, bảo hiểm số, giáo dục số, y tế số. Thứ ba, xây dựng Bộ chỉ tiêu thống kê đo lường quy mô nền kinh tế số theo tiêu chuẩn quốc tế, thống nhất thước đo kinh tế số theo giá trị gia tăng chứ không phải theo doanh thu. Ngoài ra, cần sớm xây dựng Chương trình hành động triển khai Chiến lược Quốc gia phát triển kinh tế số.

GS,TS. Trần Thọ Đạt - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân - cho rằng, để thúc đẩy phát triển kinh tế số, cần có chiến lược khung cho việc chuyển đổi số; tạo các điều kiện căn bản để thu hút nguồn vốn dành cho đầu tư số hóa nền kinh tế, cụ thể là hạ tầng và dịch vụ số; đổi mới hệ thống giáo dục - đào tạo gắn với số hóa; hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, cải tiến kỹ thuật, công nghệ sản xuất; cải thiện sự sẵn sàng đối với kỷ nguyên công nghệ số; liên kết chặt chẽ với khu vực FDI. Ứng dụng công nghệ số cho một số ngành quan trọng; bảo đảm an ninh, an toàn thông tin, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế số.

Theo Bộ TTTT, dư địa phát triển hiện nay nằm ở phần kinh tế số trong các ngành, lĩnh vực. Do đó, Bộ TTTT sẽ phối hợp với các Bộ, ngành để thúc đẩy phát triển kinh tế số các ngành, lĩnh vực. Năm 2023, Bộ TTTT sẽ hoàn thiện văn bản pháp lý về giao dịch điện tử, chính sách thúc đẩy kinh tế số; xây dựng các mô hình điểm kinh tế số để rút kinh nghiệm, nhân rộng; chuẩn hóa phương pháp đo và thu thập dữ liệu về kinh tế số; ban hành Bộ chỉ số chuyển đổi số để đánh giá mức độ chuyển đổi số của các Bộ, ngành, địa phương, từ đó sẽ phản ánh tỷ trọng kinh tế số trong GRDP. Phát triển kinh tế số nền tảng để phục vụ người dân và doanh nghiệp. Thúc đẩy thương hiệu Make in Viet Nam, khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ số phát triển trong nước, hình thành hệ sinh thái doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam và vươn ra chinh phục thế giới; coi chuyển đổi số là phương thức mới có tính đột phá để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa./.

Cùng chuyên mục
Thu hẹp khoảng cách, hiện thực hóa mục tiêu phát triển kinh tế số