Thu hút đầu tư để đảm bảo cung ứng điện cho nền kinh tế

(BKTO) - Đề cập đến vấn đề nóng của cả nước hiện nay, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Trần Quốc Phương nhấn mạnh, nền kinh tế đang bước vào giai đoạn phục hồi sau hơn 2 năm đình trệ bởi dịch bệnh, nhu cầu sử dụng năng lượng sẽ tăng cao, đặc biệt trong 2 năm 2022 và 2023 - giai đoạn cao điểm thực thi các gói giải pháp của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế -xã hội và đây cũng là thời điểm được dự báo tăng trưởng cao hơn của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Nếu các dự án đầu tư vào ngành điện chậm trễ, hoạt động sản xuất truyền tải không thông suốt, không đáp ứng được cầu sử dụng, tốc độ phục hồi và phát triển của nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng.



                
   

Nhu cầu điện tăng trưởng cao trong giai đoạn phục hồi kinh tế. Ảnh: BCT

   

Nhu cầu điện tăng trưởng mạnh

Với mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6-6,5% năm 2022, nhu cầu điện theo phương án cơ sở sẽ tăng trưởng khoảng 8,7%. Để dự phòng cho kịch bản nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ, ngành điện cũng đã tính toán nhu cầu điện theo phương án cao sẽ tăng trưởng khoảng 11,5% trong năm 2022 và bình quân khoảng 10,36%/năm trong giai đoạn 2023-2025. Qua tính toán cân đối cung cầu điện toàn quốc cho thấy, việc đảm bảo cung ứng điện thời gian tới sẽ gặp nhiều khó khăn, nhất là ở miền Bắc với nhu cầu điện chiếm gần 50% của cả nước.

Minh chứng cho nhu cầu điện đã phục hồi trở lại, ông Nguyễn Quốc Trung - Phó Giám đốc Trung tâm điều độ Hệ thống điện quốc gia cho biết, nhu cầu điện đã tăng 7% trong các tháng đầu năm 2022. Trước đó, do tác động của dịch Covid-19, mức tăng trưởng nhu cầu điện chỉ khoảng 3%. Công suất lớn nhất (P max) trong những tháng vừa qua là 43.000 MW, trong đó, riêng khu vực miền Bắc đạt 20.000 MW - ghi nhận mức tăng trưởng vượt trội về nhu cầu điện.

Theo ông Trung, Trung tâm điều độ Hệ thống điện quốc gia sẽ nỗ lực để đảm bảo đủ nguồn điện cho phát triển kinh tế - xã hội từ tháng 4/2022 đến cuối mùa khô. Tuy nhiên, việc đảm bảo cấp điện mùa khô của khu vực miền Bắc tương đối khó, khả năng khó đáp ứng khoảng 2.000-3.000 MW vào cuối mùa khô.

Dù rằng công suất đặt của hệ thống điện tính đến cuối năm 2021 đạt 77.811 MW, tăng 25% so với năm trước. Trong đó, nguồn năng lượng tái tạo tăng trưởng ấn tượng khi nâng tỷ trọng đóng góp từ 15% lên 26%. Tuy nhiên, con số tăng thêm trên không hoàn toàn phản ánh mức tăng trưởng khả năng cung ứng điện, điển hình như trường hợp của điện gió.

Ông Nguyễn Quốc Trung phân tích, dù đưa vào thêm 4.000 MW điện gió, nhưng đây lại là nguồn điện có tính bất định cao, có thời điểm chỉ đóng góp được 350-400 MW vào hệ thống, tương đương 10% công suất. Điểm đáng chú ý nữa là nguồn điện ở miền Bắc không được bổ sung thêm, ảnh hưởng đến đảm bảo an ninh năng lượng, nhất là khi khu vực này đang tăng trưởng cao về nhu cầu điện. Bên cạnh nguồn điện, yếu tố gây hạn chế nữa là nghẽn mạch đường dây truyền tải, đặc biệt từ miền Trung ra miền Bắc.

Giải pháp là đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư

Việc giải bài toán đáp ứng nhu cầu điện các năm sau, đặc biệt ở khu vực miền Bắc đang được đặt ra vô cùng cấp thiết. Bởi tốc độ tăng trưởng phụ tải cho nhu cầu điện khoảng 8-9%, tương ứng mỗi năm nhu cầu điện tăng từ 4.000-5.000 MW. Trong khi đó, theo số liệu được ghi nhận, nguồn cung trong các năm tới chỉ tăng khoảng 2.500-4.000 MW, dẫn tới việc thiếu hụt khoảng 1.000-1.500 MW, đặc biệt ở miền Bắc.

Ông Nguyễn Tuấn Anh - Phó cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết, chúng ta cần khoảng 141,59 tỷ USD vốn đầu tư vào ngành điện giai đoạn 2021-2030, trong đó phần nguồn điện khoảng 127,45 tỷ USD và phần lưới khoảng 14,14 tỷ USD. Như vậy, bình quân vốn đầu tư mỗi năm cần khoảng 14,16 tỷ USD/năm, trong đó phần nguồn điện khoảng 12,72 tỷ USD/năm và phần lưới khoảng 1,41 tỷ USD/năm.
         
Khối lượng đầu tư đến 2030 của ngành điện gồm: Khối lượng lưới điện truyền tải 500 kV cải tạo và xây dựng mới gần 15.000 km (xây mới khoảng 13.000 km); Tổng dung lượng trạm biến áp 500 kV cải tạo và xây mới khoảng 86.000 km (xây dựng mới khoảng 48.500 km); Lưới điện truyền tải 220 kV cải tạo và xây dựng mới gần 23.000 km (xây mới khoảng 16.000 km); Tổng dung lượng trạm biến áp 220 kV cải tạo và xây mới khoảng 110.000 km (xây dựng mới khoảng 74.000 km).

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tài Anh - Phó Tổng Giám đốc EVN, với nhu cầu đầu tư hơn 14 tỷ USD/năm trong giai đoạn hiện nay - con số này đã tăng hơn nhiều so với mức 9 tỷ USD/năm của giai đoạn trước, EVN chỉ có thể đảm đương được một phần chứ không đủ khả năng thu xếp nguồn vốn lớn như vậy. Do đó, cần cân đối tỷ trọng các nguồn điện hợp lý, cùng chính sách đủ hấp dẫn để khuyến khích các thành phần kinh tế bỏ vốn đầu tư vào ngành điện.

Bởi trên thực tế, các nhà đầu tư tư nhân luôn tính toán nhiều đến lợi nhuận tại mỗi dự án. Việc thu xếp vốn từ các tổ chức tín dụng cũng đánh giá kỹ về triển vọng lợi nhuận của dự án, nên về dài hạn, chi phí điện còn gia tăng, ảnh hưởng đến thu hút nguồn vốn đầu tư cả trong lẫn ngoài nước vào các dự án điện.

Vì vậy, giải pháp được nhiều chuyên gia đồng thuận là cần hoàn thiện thị trường điện cạnh tranh, tạo môi trường thu hút đầu tư hiệu quả, cùng cơ hội cho việc phát triển năng lượng sạch, hoàn thiện cơ chế dịch vụ phụ trợ trong thị trường điện cạnh tranh; điều chỉnh cơ cấu biểu giá điện để phù hợp với hệ thống tích hợp năng lượng tái tạo.../.

QUỲNH ANH
Cùng chuyên mục
Thu hút đầu tư để đảm bảo cung ứng điện cho nền kinh tế