Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: LêHòa
Khu vực FDI có vai tròquan trọng
“Sự tham gia của DN FDI đã đóng vai trò quan trọng trong hoạt động cung cấp vốn, công nghệ và mở rộng quy mô sản xuất, tạo ra năng lực sản xuất mới, nâng cao khả năng cạnh tranh của các DN Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế” - Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên nhấn mạnh.
GS,TS. Đoàn Xuân Tiên - Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước: Những yếu kém, hạn chế trong thực tiễn quản lý các dự án FDI thời gian qua có thể kể ra như: chưa nhất quán giữa mục tiêu và biện pháp thực hiện thu hút FDI; các chính sách ưu đãi FDI được áp dụng chung cho toàn bộ các tỉnh thành, chưa dựa trên lợi thế cạnh tranh, đặc thù của mỗi địa phương; các chính sách ưu đãi còn phức tạp, chồng chéo, nằm rải rác ở nhiều văn bản; thiếu theo dõi quá trình thực hiện chính sách; chưa thực hiện đánh giá tác động đầy đủ của chính sách và chi phí lợi ích mà chính sách đạt được; các thủ tục để được nhận ưu đãi chưa minh bạch, vẫn còn cơ chế xin - cho... |
Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, từ khi thực hiện Luật Đầu tư nước ngoài (năm 1987) đến nay, Việt Nam đã thu hút hơn 30.000 dự án đến từ 130 nước và vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký đạt 362 tỷ USD, trong đó vốn thực hiện đạt 211 tỷ USD. Đầu tư nước ngoài đã đóng góp gần 20% GDP và là nguồn vốn bổ sung quan trọng cho đầu tư phát triển với tỷ trọng khoảng 23,7% trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội.
Nhấn mạnh tác động của khu vực FDI đối với nền kinh tế trong nước, GS,TSKH. Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài - cho biết, sự góp mặt của các DN FDI đã làm thay đổi nhanh chóng cơ cấu hàng hóa xuất khẩu, hàng thô hoặc sơ chế từ 30,8% năm 2010 đã giảm xuống còn 20% năm 2019; trong khi sản phẩm chế tạo từ 65,1% tăng lên 76,2%. Khu vực FDI tác động tích cực đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại hóa. Đây chính là những tác động trực tiếp của khu vực FDI đối với nền kinh tế Việt Nam”.
Còn theo tham luận của ThS. Lê Thị Hồng Hạnh - Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành III, ngoài giá trị về kinh tế, công nghiệp, FDI còn tạo hàng triệu việc làm, góp phần bổ sung, hoàn thiện các mô hình quản lý và tổ chức sản xuất mới phù hợp với cơ chế thị trường ở Việt Nam. Sự tham gia của công nghiệp FDI nói chung đã tạo ra sức cạnh tranh cần thiết thúc đẩy các DN thuộc các thành phần kinh tế Việt Nam đầu tư chiều sâu, đổi mới máy móc thiết bị, áp dụng công nghệ hiện đại để giảm chi phí sản xuất, tăng chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước và xuất khẩu.
Tại Hội thảo, nhiều đại diện của các địa phương cũng khẳng định, các dự án FDI trên địa bàn đã góp phần hỗ trợ có hiệu quả môi trường đầu tư, kinh doanh; tạo nguồn nhân lực có khả năng chuyển giao, tiếp thu công nghệ hiện đại, trình độ quản lý và đóng góp vào ngân sách địa phương ngày một tăng, tạo việc làm, tăng năng suất lao động tại địa phương.
Trong tầm nhìn trung và dài hạn, thu hút FDI vẫn là nhiệm vụ trọng tâm để tăng trưởng kinh tế, bù đắp sự thiếu hụt về vốn và ngoại tệ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, chúng ta cần chủ động nhận diện mặt trái của việc thu hút đầu tư FDI đến kinh tế, chính trị, xã hội, đặc biệt là chú ý đến môi trường, từ đó đưa ra các giải pháp phù hợp và xây dựng các kế hoạch cụ thể nhằm khắc phục các bất cập, thách thức đang gặp phải.
Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Hoàng Quang Phòng: Một trong những kỳ vọng lớn của Chính phủ khi thu hút FDI, đó là thu hút và chuyển giao công nghệ từ các tập đoàn đa quốc gia, các nước công nghiệp phát triển hàng đầu vào trong nước, nhưng thực tế cho thấy, việc thực hiện mục tiêu này rất khó khăn và gần như không đạt được. Tỷ lệ DN sử dụng công nghệ tiên tiến của châu Âu chỉ chiếm khoảng 6%; trong khi đó, tỷ lệ DN FDI sử dụng công nghệ Trung Quốc khá cao, từ 30 - 45%. |
Trên thực tế, những mặt trái của khu vực FDI và kẽ hở trong quản lý nhà nước đối với khu vực này cũng đã bộc lộ rõ trong thời gian qua, trở thành những chỉ dấu đáng báo động đối với một khu vực kinh tế vốn được kỳ vọng nhiều hơn thế.
GS,TSKH. Nguyễn Mại đã thẳng thắn chỉ ra những mảng tối trong chính sách thu hút FDI, cũng như bất cập đến từ chính khu vực này. Theo đó, một số DN FDI đã lợi dụng sơ hở của cơ quan quản lý nhà nước gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường; tình trạng DN nhập khẩu vào Việt Nam máy móc, thiết bị cũ, công nghệ lạc hậu, gây tiêu hao nhiều năng lượng; việc chuyển giao công nghệ, sáng chế phát minh, giải pháp kỹ thuật chưa tương xứng với vốn đầu tư.
Một trong những vấn đề nổi cộm đối với công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực quản lý DN FDI hiện nay đã được KTNN phát hiện, đó là hiện tượng chuyển giá, gây thất thu thuế diễn ra ngày càng phổ biến. Dẫn số liệu kiểm toán, TS. Nguyễn Mạnh Cường - Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (KTNN) - cho biết, có trường hợp qua đối chiếu thuế đã phát hiện việc áp dụng chính sách ưu đãi thuế của địa phương cho DN FDI chưa chính xác và KTNN đã kiến nghị DN phải tăng nộp NSNN số tiền ưu đãi thuế hàng trăm tỷ đồng. “Đáng chú ý, các hành vi gian lận của DN ngày càng tinh vi, trong khi quy định về quản lý hoạt động liên quan đến hoạt động đầu tư vốn FDI còn chưa thực sự chặt chẽ” - ông Cường lưu ý.
Kiểm toán trưởng KTNN khu vực IV Doãn Anh Thơ cũng chỉ ra rằng: Các DN FDI chủ yếu vẫn nhằm vào việc khai thác các lợi thế từ các chính sách ưu đãi đầu tư, nguồn lao động giá rẻ, vị trí địa lý thuận lợi… của Việt Nam nhằm mang lại lợi ích cho các nhà đầu tư mà chưa tạo ra các giá trị lan tỏa, hình thành các cụm ngành với tỷ lệ nội địa hóa cao. “Để khu vực kinh tế này thực sự là đòn bẩy vững chắc cho tăng trưởng kinh tế trong dài hạn, các cơ quan chức năng vẫn còn nhiều việc phải làm” - ông Thơ nhấn mạnh.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong: Để khu vực FDI thực sự là đòn bẩy vững chắc cho tăng trưởng kinh tế trong dài hạn, Việt Nam cần chủ động thu hút FDI có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá hàng đầu. Ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan toả, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, phù hợp với định hướng cơ cấu lại nền kinh tế và mục tiêu phát triển bền vững của nền kinh tế. |
Trước hàng loạt những bất cập, hạn chế nảy sinh từ khu vực FDI, nhiều đại biểu cũng cho rằng, trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh trong thu hút FDI, Việt Nam cần điều chỉnh chính sách FDI, tập trung hướng dòng vốn này cho mục tiêu tái cấu trúc nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng nhằm tăng năng suất, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Bên cạnh đó, việc thu hút và sử dụng vốn FDI phải đi vào thực chất hơn, cả về số lượng và chất lượng. Đồng thời, khẩn trương sửa đổi hệ thống pháp luật liên quan đến đầu tư kinh doanh, một mặt để tháo gỡ điểm nghẽn pháp luật về lĩnh vực này; mặt khác tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các DN, từ đó nâng cao chất lượng dòng vốn FDI vào Việt Nam.
NHÓM PHÓNG VIÊN