Xác định rõ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2025

(BKTO) - Năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) 5 năm 2021-2025. Nhưng tình hình quốc tế, khu vực dự báo vẫn có nhiều biến động khó lường; triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu còn đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu cần phải xác định rõ mục tiêu Kế hoạch phát triển KTXH và dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2025.

1(5).jpg
Ngay từ các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương cần nghiên cứu, đề xuất các định hướng, nhiệm vụ chủ yếu của năm 2025. Ảnh: ST

Đồng bộ các chính sách vĩ mô, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Nguyễn Chí Dũng cho rằng, Kế hoạch phát triển KTXH năm 2025 cần lưu ý đến bối cảnh thế giới và trong nước. Sau gần 40 năm đổi mới, tuy thế và lực của nước ta đã lớn mạnh hơn nhiều; môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện; vị thế, uy tín tiếp tục được nâng lên nhưng những khó khăn, thách thức còn rất lớn, gây áp lực lớn lên công tác điều hành KTXH năm 2025 để hoàn thành các mục tiêu của Kế hoạch 5 năm 2021-2025. Kế hoạch phát triển KTXH năm 2025 cần cân đối các mục tiêu cho phù hợp với thực tiễn nhằm dự báo khả năng thực hiện thành công Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2021-2025 và Chiến lược phát triển KTXH 10 năm 2021-2030.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề xuất, ngay từ các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương cần nghiên cứu, đề xuất các định hướng, nhiệm vụ chủ yếu của năm 2025. Trong đó, cần điều hành đồng bộ các chính sách vĩ mô, phối hợp chặt chẽ, kết hợp hài hòa giữa các chính sách tiền tệ, tài khóa, đầu tư, thương mại và các chính sách khác để thực hiện nhất quán mục tiêu xuyên suốt là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách để huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển…

Đồng thời, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, tăng cường sức chống chịu của nền kinh tế. Tiếp tục cơ cấu lại 3 lĩnh vực trọng tâm về đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức tín dụng; cơ cấu lại các ngành sản xuất và dịch vụ theo hướng hiện đại, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả; phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới.

Lãnh đạo Bộ KHĐT cũng lưu ý, cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia, có tính liên vùng và hạ tầng đô thị lớn; tiếp tục phát triển hạ tầng năng lượng, hạ tầng số, hạ tầng thương mại điện tử, hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Cần bố trí đủ vốn từ nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2021, 2022, 2023 cho các nhiệm vụ, dự án được cấp có thẩm quyền cho phép sử dụng nguồn vốn này và cho các dự án đã hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng trước năm 2025, các dự án hoàn thành năm 2025, vốn tham gia vào các dự án PPP và vốn cho các dự án chuyển tiếp theo tiến độ được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Chi đầu tư phát triển có trọng tâm, trọng điểm

Liên quan đến dự toán NSNN với nội dung trọng tâm chi đầu tư phát triển, định hướng cho năm 2025 là phải bám sát, cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu, 3 đột phá chiến lược, 6 nhiệm vụ trọng tâm, 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Theo đó, cần đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, bảo đảm cơ cấu đầu tư hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa các vùng, miền, lĩnh vực, vừa gia tăng động lực tăng trưởng, vừa bảo đảm an sinh xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh đất nước. Tất nhiên, việc xây dựng kế hoạch chi đầu tư phát triển phải phù hợp với khả năng cân đối của NSNN và phương án phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn NSNN giai đoạn 2021-2025, kế hoạch và tiến độ triển khai các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch Tài chính quốc gia, vay và trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025.

“Kế hoạch đầu tư công vốn NSNN năm 2025 bố trí cho các nhiệm vụ, dự án phải phù hợp với khả năng thực hiện và giải ngân của từng dự án, bảo đảm phân bổ, giao chi tiết cho dự án trước ngày 31/12/2024; khắc phục tình trạng phân bổ vốn manh mún, dàn trải, kém hiệu quả, đảm bảo tiến độ phân bổ, giao kế hoạch chi tiết cho các nhiệm vụ, dự án theo đúng quy định” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu yêu cầu.

Về bố trí vốn, cần thực hiện theo đúng thứ tự ưu tiên của Luật Đầu tư công và các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, nguyên tắc phân bổ vốn đầu tư công nguồn NSNN giai đoạn 2021-2025 là phải bố trí đủ vốn để thanh toán toàn bộ nợ đọng xây dựng cơ bản, thu hồi toàn bộ số vốn ứng trước; bố trí đủ vốn để hoàn trả cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển KTXH…

Tiếp đó là bố trí vốn cho nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, quy hoạch, cấp bù lãi suất, phí quản lý, cấp vốn điều lệ cho ngân hàng chính sách, quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách; bố trí vốn theo tiến độ cho các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm, đường ven biển, dự án kết nối, có tác động lan tỏa, liên vùng có ý nghĩa thúc đẩy phát triển KTXH nhanh, bền vững theo tiến độ được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Đối với vốn nước ngoài, số vốn bố trí phải phù hợp với nội dung của Hiệp định, cam kết với nhà tài trợ; ưu tiên bố trí đủ vốn cho các dự án kết thúc hiệp định vay nước ngoài trong năm 2025 và không có khả năng gia hạn. Sau khi bố trí đủ vốn cho các nhiệm vụ nêu trên, số vốn còn lại mới bố trí cho các dự án khởi công mới đủ thủ tục đầu tư./.

Cùng chuyên mục
Xác định rõ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2025