Thu ngân sách tăng 17,4% chủ yếu do kinh tế tăng trưởng

(BKTO) – Bộ Tài chính cho biết, tổng thu NSNN 11 tháng ước đạt 1.638,9 nghìn tỷ đồng, bằng 116,1% dự toán, tăng 17,4% so cùng kỳ năm 2021 (ngân sách trung ương đạt 114,9% dự toán, ngân sách địa phương đạt 117,4% dự toán).

xk-gao-lay.jpg
11 tháng qua, thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước tăng 7,1%; thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 10,2%; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh tăng 9,2% so với cùng kỳ. Ảnh minh họa.

Trong đó, thu nội địa đạt 110,5% dự toán, tăng 13,5%; thu từ dầu thô vượt 144,6% dự toán (giá dầu bình quân khoảng 105,2 USD/thùng, tăng 45,2 USD/thùng so dự toán), tăng 77,6%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 132,4% dự toán, tăng 25,1% so với cùng kỳ năm 2021.

Thu NSNN 11 tháng vượt dự toán chủ yếu do hoạt động kinh tế tiếp tục duy trì đà phục hồi và tăng trưởng khả quan (GDP 9 tháng đã tăng 8,83%); tổng mức bán lẻ 11 tháng tăng 17,5%; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 8,6%, xuất khẩu tăng 13,4%, xuất siêu 10,6 tỷ USD.

Bên cạnh đó, giá dầu và một số hàng hóa, nguyên liệu đầu vào tăng cao đã góp phần tăng thu từ dầu thô và từ hoạt động xuất nhập khẩu.

Cùng với đó, cơ quan thuế, hải quan cũng tăng cường quản lý thuế, xây dựng cơ sở dữ liệu lớn từ hóa đơn điện tử để truy dấu gian lận, rà soát những nguồn thu có tiềm năng nhưng còn thất thu để đưa vào quản lý, quyết liệt quản lý, chống thất thu, khai thác tăng thu từ hoạt động thương mại điện tử, từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản.

Nhờ đó, đến nay, đã có 10 khoản thu vượt dự toán, trong đó thu tiền sử dụng đất đạt 136,1%; thu từ hoạt động sổ xố kiến thiết đạt 110,7% và các khoản thu trực tiếp từ hoạt động sản xuất - kinh doanh ở 3 khu vực kinh tế (thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt 104,3% dự toán, tăng 7,1%; thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 106,4% dự toán, tăng 10,2%; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 111,6% dự toán, tăng 9,2%).

2 khoản thu đến nay chưa đảm bảo tiến độ dự toán là thu thuế bảo vệ môi trường (đạt 68% dự toán, bằng 76,4% so cùng kỳ) và thu cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp (đạt 11% dự toán).

Cũng theo Bộ Tài chính, tổng chi NSNN 11 tháng ước đạt 1.359 nghìn tỷ đồng, bằng 76,2% dự toán, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong đó, chi đầu tư phát triển ước đạt 64,3% dự toán Quốc hội quyết định đầu năm, đạt 58,33% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (bao gồm cả vốn chương trình mục tiêu năm trước chuyển sang và vốn chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội); chi trả nợ lãi đạt 79,8% dự toán; chi thường xuyên đạt 84,2% dự toán.

Ngân sách trung ương đã chi từ dự phòng (gồm dự phòng năm 2021 chuyển sang) là 5.052 tỷ đồng, trong đó, chủ yếu là bổ sung kinh phí phòng chống dịch Covid-19 cho Bộ Quốc phòng (729,8 tỷ đồng) và hỗ trợ cho các địa phương (3.648,3 tỷ đồng) kinh phí phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh; tạm cấp bổ sung 4.217 tỷ đồng cho 29 địa phương để thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động.

Bên cạnh đó, đã thực hiện xuất cấp 30,37 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia để khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh và cứu trợ, cứu đói cho nhân dân cho nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán, giáp hạt đầu năm 2022.

Chi đầu tư phát triển đã có tiến bộ trong những tháng gần đây nhưng tiến độ giải ngân 11 tháng vẫn chậm so yêu cầu, mặc dù số tuyệt đối tăng 14,8% so với cùng kỳ nhưng tỷ lệ mới đạt 58,33% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2021 đạt 63,86%), trong đó, giải ngân vốn ngoài nước chỉ đạt 27,99% kế hoạch.

16 bộ và 29 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 60% kế hoạch, trong khi vẫn còn 12 bộ, cơ quan trung ương và 1 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đạt dưới 30% kế hoạch vốn được giao.

Cân đối ngân sách trung ương và ngân sách các cấp địa phương được đảm bảo. Đến hết ngày 25/11/2022, đã thực hiện phát hành 176,07 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, với kỳ hạn bình quân 12,91 năm, lãi suất bình quân 3,19%/năm./.

Cùng chuyên mục
  • Linh hoạt hơn trong điều hành tỷ giá
    một năm trước Tài chính
    (BKTO) - Tỷ giá những ngày gần đây tạm thời ổn định nhưng đã ở mặt bằng cao hơn khá nhiều so với đầu năm. Theo các chuyên gia, diễn biến tỷ giá cuối năm 2022 và đầu năm 2023 sẽ tiếp tục phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới tiềm ẩn nhiều yếu tố bất định, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cần điều hành
  • Thu ngân sách từ dầu thô tăng cao, bằng 244,6% dự toán năm
    một năm trước Tài chính
    (BKTO) - Theo Tổng cục Thống kê, lũy kế tổng thu ngân sách nhà nước 11 tháng năm 2022 đạt 1.638,9 nghìn tỷ đồng, bằng 116,1% dự toán năm và tăng 17,4% so với cùng kỳ năm trước.
  • Giai đoạn 2022-2025, thoái vốn nhà nước tại 141 doanh nghiệp
    một năm trước Tài chính
    (BKTO) - Ngày 29/11/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký Quyết định 1479/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN), doanh nghiệp có vốn nhà nước giai đoạn 2022-2025 theo các hình thức: duy trì công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên; cổ phần hóa, sắp xếp lại (bao gồm hình thức sáp nhập, giải thể); chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ vốn nhà nước (thoái vốn) giai đoạn 2022-2025.
  • Đề xuất giảm 10 - 30% phí sử dụng đường bộ
    một năm trước Tài chính
    (BKTO) - Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ quy định mức thu, chế độ thu, nộp, miễn, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ.
  • Huy động nguồn tài chính phục vụ tăng trưởng bền vững và cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước
    một năm trước Tài chính
    (BKTO) - Việt Nam đang đứng trước yêu cầu cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng bền vững, tăng trưởng xanh. Do đó, Việt Nam cần tận dụng các động lực từ kinh tế xanh và thu hút hiệu quả các nguồn lực tài chính phục vụ cho tăng trưởng bền vững và cơ cấu lại nền kinh tế, trong đó trọng tâm là cơ cấu lại các doanh nghiệp nhà nước.
Thu ngân sách tăng 17,4% chủ yếu do kinh tế tăng trưởng