Sau 25 năm được thành lập, KTNN từ một cơ quan thuộc Chính phủ được thành lập theo Nghị định số 70-CP ngày 11/7/1994, đến nay, địa vị pháp lý của KTNN đã được quy định trong Hiến pháp, đánh dấu bước ngoặt trên chặng đường phát triển của KTNN với vị thế và vai trò ngày càng được nâng cao. Tiếp đó, Luật KTNN được ban hành (đang được sửa đổi, bổ sung) nhằm hoàn thiện, thể chế hóa quan trọng các quan điểm chỉ đạo của Đảng, xác lập ở tính pháp lý cao nhất tạo hành lang về thể chế để KTNN phát huy tốt nhất vai trò của mình (được ghi trong Hiến pháp năm 2013).
Trong hoạt động chuyên môn, KTNN đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Được biết, riêng năm 2018, KTNN kiến nghị xử lý tài chính 89.600 tỷ đồng, trong đó tăng thu, giảm chi NSNN gần 45.000 tỷ đồng (cao nhất từ trước đến nay), kiến nghị xử lý tài chính đã được phần lớn các đơn vị chấp hành thực hiện nghiêm túc, đạt trên 73%. Qua kiểm toán đã kiến nghị sửa đổi bổ sung, thay thế 115 văn bản, gồm các luật, nghị định, thông tư, nghị quyết, quyết định và văn bản khác; giúp các Bộ, ngành cải thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, sử dụng NSNN, tiền và tài sản nhà nước.
Kết quả kiểm toán của KTNN đã cung cấp nhiều thông tin phục vụ Quốc hội trong quá trình xem xét phê chuẩn quyết toán NSNN, quyết định dự toán NSNN. Các kết luận và kiến nghị kiểm toán của KTNN đã giúp Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành thấy rõ những bất cập trong hệ thống các văn bản pháp luật hiện hành cũng như những thiếu sót cần khắc phục trong việc quản lý, sử dụng NSNN để có giải pháp cụ thể nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật, thiết lập lại các trật tự, kỷ cương trong sử dụng NSNN, đảm bảo công khai, minh bạch trong quản lý tài chính, tài sản công; phát hiện và ngăn chặn những thất thoát, lãng phí trong chi tiêu NSNN, góp phần tích cực trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Đất nước mở cửa, với những tiềm năng hấp dẫn và sức hút từ cải cách thể chế đang giúp cho làn sóng đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam khá mạnh. Ở trong nước, các thành phần kinh tế phát triển mạnh mẽ, nhiều DN tư nhân đang phát triển với quy mô vượt ra ngoài quốc gia, các DNNN bắt đầu chuyển sang cơ chế tự hạch toán hoặc tiến hành cổ phần hóa. Kết quả này đã có tác động nhiều chiều đến các quan hệ lao động đang tồn tại trên lãnh thổ Việt Nam. Một mặt, xu thế hội nhập với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế giúp cho người lao động có cơ hội việc làm cao hơn, giúp người lao động có thể học tập, nắm bắt công nghệ mới của các DN nước ngoài; nhưng mặt khác, các quan hệ lao động mới cũng làm nảy sinh nhiều yếu tố mới mà pháp luật về lao động, việc làm trong nước chưa theo kịp. Các vấn đề an sinh xã hội, trong đó có bảo hiểm xã hội cho người lao động trong nước đang làm việc tại DN có vốn nước ngoài, hay người lao động nước ngoài đến nước ta làm việc... tất cả các vấn đề này đã, đang rất cần được KTNN quan tâm và có ý kiến đánh giá, đưa ra dự báo giúp chúng tôi có thêm nhìn nhận để xây dựng những chính sách quản lý phù hợp.
Trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, chính sách người có công... nhiều vấn đề cũng cần được KTNN tiếp tục kiểm toán để giúp cơ quan quản lý, giúp đơn vị trực tiếp tiến hành các hoạt động có cơ hội nhìn nhận để tránh được những vi phạm không cần thiết. Qua kiểm toán, KTNN cũng đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung nhiều chính sách bất cập, từ đó góp chung tiếng nói với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng nhiều cơ quan liên quan tháo gỡ vướng mắc trong cơ chế, chính sách.
Có thể nói, sau 25 năm hình thành và phát triển, KTNN đã có nhiều đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, kiểm soát có hiệu quả tài chính, tài sản công; KTNN cũng đã góp một phần quan trọng giúp ổn định xã hội, đảm bảo các chính sách an sinh xã hội được thực hiện công bằng, minh bạch.