KTNN là công cụ kiểm tra tài chính công quan trọng của Nhà nước. Với chức năng kiểm tra, xác nhận, đánh giá và tư vấn, KTNN đã góp phần đảm bảo việc quản lý, sử dụng các nguồn lực tài chính công, tài sản công một cách minh bạch, tiết kiệm và hiệu quả.
Đối với ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH) - cơ quan thực hiện chính sách về BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) - việc kiểm tra, đánh giá của một cơ quan độc lập như KTNN càng có ý nghĩa quan trọng. Theo quy định của Luật, Quỹ BHXH được KTNN thực hiện kiểm toán định kỳ. Thực hiện quy định này, trong những năm qua, BHXH Việt Nam luôn phối hợp, cung cấp thông tin, tài liệu kịp thời phục vụ cho công tác kiểm toán.
Qua hoạt động kiểm toán, KTNN đã giúp công tác quản lý các Quỹ và quản lý tài chính, tài sản công của BHXH Việt Nam được tốt hơn, đảm bảo đúng các quy định của Nhà nước. Đồng thời, KTNN đã có những kiến nghị quan trọng đối với các cơ quan quản lý nhà nước để sửa đổi, bổ sung các chính sách nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng các Quỹ BHYT, BHXH, BHTN như: kiến nghị về đầu tư Quỹ đảm bảo an toàn, hiệu quả; cảnh báo về sự mất cân đối Quỹ và kiến nghị sửa đổi Luật BHXH đảm bảo công bằng trong đóng - hưởng; kiến nghị xử lý nợ đọng của DN phá sản, chủ bỏ trốn; ngăn chặn tình trạng trục lợi Quỹ BHXH…
Bên cạnh đó, KTNN còn thực hiện nhiều chuyên đề kiểm toán chuyên sâu: kiểm toán chuyên đề về sử dụng Quỹ BHYT, việc thực hiện chính sách BHTN… Qua công tác kiểm toán, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính, thu hồi về Quỹ các khoản chi bất hợp lý, không đúng quy định; đưa ra cảnh báo về hiện tượng lạm dụng, trục lợi Quỹ và kiến nghị BHXH Việt Nam và các cơ quan chức năng liên quan tăng cường công tác quản lý, thanh kiểm tra, hoàn thiện chính sách pháp luật để sử dụng Quỹ hợp lý, hiệu quả hơn.
Có thể nói, những phát hiện, kiến nghị của KTNN giúp ngành BHXH nhìn nhận rõ hơn những bất cập, hạn chế trong công tác quản lý, thực hiện chính sách an sinh xã hội. Cùng với đó, những ý kiến tư vấn của KTNN là một trong những cơ sở để ngành BHXH không ngừng đổi mới công tác quản lý, thực hiện chính sách; đồng thời là căn cứ để BHXH Việt Nam đề xuất kiến nghị Quốc hội, Chính phủ trong việc hoàn thiện chính sách pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN.
Trong quá trình hoạt động của ngành BHXH nói chung và việc triển khai thực hiện các quy định của Nhà nước thì việc phối hợp giữa KTNN và BHXH Việt Nam là rất cần thiết nhằm tổ chức thực hiện các quy định của Nhà nước đảm bảo đúng quy định. Thời gian qua, việc phối hợp giữa hai cơ quan rất tốt, có sự liên hệ chặt chẽ, đặc biệt là trong khâu khảo sát lập kế hoạch kiểm toán và tổ chức triển khai quyết định kiểm toán.
Với những kết quả đó, trong thời gian tới, KTNN và BHXH Việt Nam cần có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa. Trước mắt, BHXH mong muốn phối hợp với KNNN trong tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán cho Vụ Kiểm toán nội bộ; cho các cán bộ làm công tác quản lý tài chính kế toán… của BHXH Việt Nam; KTNN tham gia góp ý các dự thảo văn bản hướng dẫn về chế độ tài chính kế toán; chế độ về BHXH, BHTN… của ngành BHXH. Đồng thời, định kỳ 6 tháng hoặc hằng năm tổ chức hội nghị trao đổi kinh nghiệm quản lý tài chính, chia sẻ các sai sót qua hoạt động kiểm toán để BHXH Việt Nam tham khảo, hướng dẫn các đơn vị thực hiện đúng quy định. Đặc biệt, hai ngành cần phối hợp để việc tổ chức thực hiện kiểm toán kết thúc sớm trước ngày 30/8 để Ngành kịp thời điều chỉnh và phê duyệt quyết toán theo quy định.
Về dài hạn, hai ngành có thể xây dựng quy chế phối hợp để cùng chia sẻ thông tin; cử các đơn vị làm đầu mối để phối hợp. BHXH Việt Nam cung cấp các văn bản cho KTNN về chế độ, hướng dẫn tài chính kế toán của Ngành. Ngành KTNN trao đổi, thông tin về các nội dung, kế hoạch kiểm toán và các khó khăn trong quá trình kiểm toán để cùng phối hợp giải quyết.
Đ. KHOA (thực hiện)